Giữa những cánh rừng xanh bát ngát của miền Trung, có một ngôi làng nhỏ mang tên Pà Rum thuộc xã Zuôih thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là nơi sinh sống của những đại gia cần cù chịu khó.
Người dân Pà Rum từng một thời sống trong cảnh nghèo khó, cực nhọc. Và rồi dự án thủy điện Sông Bung 4 tới mang theo tin mừng. Hơn 100 hộ dân nơi đây đã hiến đất để chuyển về nơi ở mới, đổi lại họ trở thành triệu phú, tỷ phú khi được đền bù.
Giàu đến bất chợt, dân không phung phí
Pà Rum không phải là địa phương duy nhất nhận được các khoản tiền khổng lồ từ các chủ dự án thủy điện. Tuy nhiên có những nơi, người dân khi nắm trong tay số tiền quá lớn bắt đầu chi tiêu phung phí, chẳng mấy chốc mà “sạch túi”, trở lại cảnh nghèo khó.
Người dân Pà Rum nghe theo chính quyền, không đi theo “vết xe đổ” của các làng xã khác, biết giữ tiền, biết chi tiêu đúng cách, và xây dựng cuộc sống của họ ngày một giàu có hơn xưa. Sau vài năm về khu tái định cư mới, với nỗ lực của chính người dân cùng sự vào cuộc của chính quyền, Mặt trận vận động và có những cách làm thiết thực trong định hướng xây dựng cuộc sống, nên đời sống của người dân nơi đây đã khác xưa nhiều, thậm chí vươn lên giàu có.
Ông A Viết Vân phấn khởi trả lời báo Đại Đoàn Kết: “Do phải di dời vì công trình thủy điện, cả làng được đền bù tiền rẫy, tiền nhà. Nhà ít thì được chừng vài trăm triệu, nhà nhiều lên đến cả tỷ đồng. Từ nhận thức của các hộ trong làng cùng với sự vận động tuyên truyền kịp thời của chính quyền, Mặt trận địa phương bà con đã hiểu đây là số tiền rất đáng quý, bao nhiêu đời nay người dân mới được có số tiền lớn như vậy, thế nên phải biết trân quý giữ gìn, không tiêu pha phung phí, biết xây dựng làm ăn trên mảnh đất mới này”.
Nhà tiền tỷ mọc lên giữa đại ngàn
Tại nơi đây, nhiều ngôi nhà khang trang, những đường làng ngõ xóm sạch đẹp, tiếng người cười nói vui vẻ, hân hoan đón khách để kể về cuộc sống và sự tự hào khi bà con trong làng đã xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Có tiền, họ dựng những ngôi nhà gỗ hàng tỷ đồng, to như biệt phủ. Anh BNươch A Vót giới thiệu với báo Công an nhân dân về căn nhà tiền tỷ của mình: “Mình làm căn nhà này đã được hơn 2 năm, từ khi về khu TĐC mới này. Toàn bộ ngôi nhà được làm bằng gỗ với kiến trúc nhà sàn của người vùng cao, chỉ có nền nhà lót bằng gạch men trắng”. Người đàn ông cho biết tiền công và các vật liệu khác để xây ngôi nhà hết gần 1 tỷ đồng, cộng với những khoản mua sắm khác, anh chi hết hơn 1,1 tỷ đồng.
Xây nhà xong còn dư dả, anh A Vớt nghe lời cán bộ xã không mang đi uống rượu mà mang số tiền khoảng 800 triệu đồng đi gửi ngân hàng, hàng tháng thu lời. Với số tiền ấy, anh yên tâm lo cho con ăn học để kiếm bằng đại học. Anh mong con khôn lớn có trình độ, về bản, về xã làm cán bộ, xây dựng và chăm lo cho phát triển kinh tế…
"Gia đình giờ ổn định rồi, không phải sợ đói nữa. Xưa ở chỗ cũ không có điện nước, cuộc sống khó khăn lắm, giờ điện nước xài thoải mái, không lo gì hết”, anh A Vớt chia sẻ.
Không chỉ gia đình anh Vót, nhiều gia đình khác tại khu tái định cư Pà Rum B cũng khá giả không kém. Nóc nhà nào cũng rất "hoành tráng", được làm từ gỗ, có gác, rộng rãi, thoáng mát. Đi vào nơi đây, không ai nghĩ đây là khu tái định cư bởi sự ngăn nắp và trù phú.
Một đại gia nổi tiếng khác là nhà chị Alăng A Eo cựu Trưởng thôn Pà Rum A. Nhà của chị Eo, kể cả khu chăn nuôi gia súc rộng có đến 500m² đất. Riêng căn nhà gỗ, 3 gian còn thơm nồng mùi gỗ mới, chị Eo "bật mí" giá trị lên đến 1,3 tỷ đồng. Chị Eo còn khoe với Dân Trí, hiện chị có hai sổ tiết kiệm gửi ngân hàng mỗi sổ 300 triệu đồng. Xe máy, tivi, tủ lạnh đều có đủ cả…
Người dân nơi đây coi làng Pà Rum là "làng tỷ phú giữa đại ngàn"
Giàu nhưng vẫn cần cù, chịu khó
Có một điều đặc biệt, những hộ gia đình Pà Rum có tiền trăm, thậm chí tiền tỷ trong tay nhưng người dân nơi đây hằng ngày vẫn đi nương, đi rẫy như cuộc sống vốn có bao đời qua. Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Pơloong Nhiêu, Trưởng thôn Pà Rum xác nhận nhiều nhà trong làng vẫn đang cất tiền, gửi ngân hàng cẩn thận. Chỉ có vài ba hộ không giữ được, nhưng không phải vì tiêu xài hoang phí mà số tiền trên đã chữa bệnh hiểm nghèo, cho con cái ăn học.
“Đã bao năm từ khi nhận được tiền thủy điện, người dân vẫn đi rẫy, vẫn đều đặn đốt trỉa lúa, bắp mỗi mùa. Hết việc thì rủ nhau bứt đót, bứt mây... Giờ nhà ở đã kiên cố, họ không còn du cư nữa; hiện tại chỉ thiếu đất sản xuất. Vì đất cấp cho dân chỉ hơn một hécta mỗi hộ, nhiều nhà tách hộ, thêm người, cần thêm đất để làm rẫy vì không ai dám xâm lấn vô rừng phòng hộ”, ông Nhiêu bộc bạch.
Bá Di (Tổng hợp)