Ca trù thời hoàng kim
Thôn Thanh Tương vốn nằm ở cửa bắc thành Luy Lâu xưa, bởi vậy người Thanh Tương đã có nghề ca kỹ phục vụ quan lại cai trị đóng trong thành từ đó. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc, làng ca trù Thanh Tương đến nay vẫn còn đó. Vào các buổi tối, trên chiếc chiếu hoa tại đình làng, ca nương Nguyễn Thị Thiệp cùng với những người trong làng lại cất lên những lời ca, tiếng đàn, nhịp phách, điệu sênh mượt mà, một thời đã làm say đắm biết bao tao nhân, nho sĩ, những người có vai vế khắp vùng.
Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Thiệp.
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhiều đời hát ca trù, từ những năm còn bé cụ Thiệp đã theo anh, chị đi hát khắp vùng. Đặc biệt, vào thời kỳ ca trù hưng thịnh, cụ Thiệp cùng gánh hát lại mang đàn, phách liên miên trên đất Hà thành vào những dịp xuân sang. Chính những năm tháng rong ruổi đi diễn đó đã làm lên danh tiếng về một ca nương tài danh đất Kinh bắc Nguyễn Thị Thiệp. "Tôi đi hát từ năm 13 tuổi. Ngày đó riêng làng tôi có đến 40-50 người đi hát ca trù. Tôi đi hát đến năm 20 tuổi thì đất nước loạn li, nhà thờ, đình chùa, sắc phong bị giặc đốt phá, nghề hát đứt gánh, câu hát cũng lửng lơ từ đó. Gần 30 năm sau mới khôi phục lại hát ca trù, tính ra bản thân tôi đã mấy chục năm không hát", cụ tâm sự.
Năm nay đào nương Nguyễn Thị Thiệp đã bước sang tuổi 84, nhưng giọng cụ vẫn rất tốt, tiếng cười sang sảng, đôi tai còn rất thính. Điều lạ là dù không đi hát nhiều năm liền, nhưng cụ Thiệp vẫn thuộc hết các lối hát và 36 giọng ca trù. Miệng móm mém nhai trầu, cụ Thiệp kể: "Vào những năm tháng hoàng kim của nghệ thuật ca trù, cả làng Tương đều đi hát kiếm tiền, chủ yếu là phục vụ các quan huyện, chánh tổng, hát đình, hát hội, hát khao, hát mừng thọ, mừng đám cưới,... Hồi đó chỉ có vua, chúa và các quan lớn mới được nghe hát ca trù chứ người dân bình thường không biết nghe. Một số gia đình có "bộ ba xinh", thứ nhất là có người đàn hay, hai là người hát giỏi, ba là người đánh trống giòn. Khi bộ ba này đã kết hợp nhịp nhàng, uyển chuyển và hình thức ưa nhìn thì thường xuyên được mời đi biểu diễn ở những phố cô đầu nổi tiếng đất Hà thành như Khâm Thiên, Ngã Tư Sở và các vùng lân cận".
Năm 2010, nghệ thuật ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Những người như nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp rất vui mừng và tự hào về môn nghệ thuật dân dã đi vào lòng người đã được thế giới thừa nhận. Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp, cô đầu là một cách gọi chệch của ả đầu, tức ả đào, nay gọi là ca nương. Dân gian còn gọi miệt thị là con hát. Vì ả đào trẻ đẹp xinh tươi, giọng ca ngọt ngào thường làm mê mẩn, đắm say biết bao quan lớn, những người quyền cao chức trọng thời bấy giờ. Ngay trong gia đình cụ Thiệp cũng có người từng lấy chồng là quan huyện, quan tri phủ.
Cụ Thiệp đang miệt mài dạy hát tại câu lạc bộ Ca trù Thanh Tương.
Nỗi lo thất truyền làng ca trù 2.000 năm tuổi
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp cũng chỉ được nghe kể lại, xưa, trong làng có bà Nguyễn Thị Tảo là người mò cua, bắt ốc. Bỗng một ngày bà tình cờ gặp một ông quan lớn trong triều. Ông quan đi qua nghe tiếng hát của bà thấy hay quá, dần dần hai người quen nhau và nên vợ nên chồngå. Hồi ấy triều Lê - Trịnh cấm hát ả đào vì coi là "xướng ca vô loài" và hiển nhiên các quan triều thần không được phép lấy vợ hát ả đào. Có lẽ là cái duyên nên ông quan này vẫn lấy bà, nhưng không đón bà vào kinh mà để bà sống ở quê nhà. Hai ông bà sinh được ba người con sau này cũng làm quan trong triều. Khi bà vừa sinh đứa con thứ 3, đúng lúc đó hoàng hậu nhà chúa Trịnh sinh chúa Trịnh Cương. Hoàng tử sinh được bảy ngày bảy đêm không chịu bú sữa mẹ mà chỉ khóc. chúa Trịnh bàn với quần thần cho loan báo trong thiên hạ tất cả những ai đang nuôi con nhỏ truyền vào kinh xem hoàng tử có chịu bú sữa không. Chồng là quan trong triều nên đã động viên bà vào kinh thử một lần.
Sau nhiều ngày đi bộ bà đến kinh thành. Đến nơi, rất nhiều người đến trước đã chờ ở bên ngoài. Bà nghĩ ra một cách để vào được trong thành nhanh nhất bằng cách ngồi bên ngoài hát ả đào lời ru con. Đang cấm hát ả đào mà ngoài thành có người hát nên chúa đã cho người bắt bà vào chịu tội. Điều kỳ lạ, khi bà bị bắt vào trong triều thì hoàng tử không khóc nữa. Nhà vua và quần thần thấy rất ngạc nhiên khi hoàng tử lại bú sữa của bà. Bà được giữ lại trong triều 3 năm nuôi hoàng tử bằng chính tiếng hát ả đào. Dần dần chúa và các quan trong triều thấy những câu hát ả đào đi vào lòng người và nói lên những nỗi vương vấn và tâm tư tình cảm của người nông dân chân lấm tay bùn.
Từ đó, đạo luật cấm hát ả đào mới được bãi bỏ và cho hát ả đào tự do. Một hôm, bà mới tâu với chúa sự thật rằng bà là vợ của một viên quan trong triều. Bà xin chúa cho về nhà vì hoàng tử cũng đã lớn và ở nhà bà vẫn còn con nhỏ. Chúa đồng ý và cho bà rất nhiều tiền về quê như để trả ơn. Khi về quê, bà cung tiến cho 13 đình chùa của hai tổng là Tổng Khương và Tổng Liễu bấy giờ. Sau này bà ăn chay niệm phật và trụ trì chùa Dâu cho đến khi tạ thế. Nhớ đến công lao bà đã "giải phóng" nghệ thuật ca trù, dân làng coi bà như phật sống nên đã tạc tượng bà, vì thế bây giờ ở chùa Dâu có hai pho tượng bà trắng, bà đỏ, đến ngày hội, bà được rước đi. Hiện, nhà thờ dòng họ Nguyễn Trọng ở làng Tương có hai pho tượng, một tượng ông và một tượng bà của nghề hát ca trù. Đào nương Nguyễn Thị Thiệp cũng là người thuộc dòng họ Nguyễn Trọng.
Bất kể ở đâu có người yêu mến ca trù, cụ Thiệp đều sẵn sàng đem lời ca, tiếng hát đầy nhiệt huyết đi truyền dạy. Cụ cho biết: "Tôi đã từng đi dạy ở khắp các tỉnh, thành, đến nay tôi cũng truyền dạy được gần 100 học trò theo học hát ca trù. Tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao truyền dạy ca trù cho thế hệ trẻ để tiếp tục duy trì và gìn giữ loại hình nghệ thuật này".
Vào các dịp tết đến, xuân về, hội hè, đình đám, nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Thiệp khá "đắt sô" biểu diễn. Có những hôm cụ biểu diễn thâu đêm suốt sáng đáp ứng niềm mong mỏi của khán giả đối với ca trù. Nay biểu diễn ở tỉnh này mai lại biểu diễn ở tỉnh khác là chuyện như cơm bữa. Cụ vui mừng cho biết: "Thường vào dịp đầu xuân năm mới, nhiều đoàn về đón tôi đi hát. Có khi tôi về nhà chưa được một ngày lại có đoàn khác mời đi hát hoặc đi dạy. Họ đánh xe về tận cổng đón tôi đi, cũng may không bị say xe nên tôi không ngại đi các tỉnh xa biểu diễn". Cụ còn bảo ca trù phong phú lắm, hát ở đâu cũng được vì nó có nhiều bài, lời khác nhau. Đầu xuân thì hát bài xuân, bài vui. Không đàn không phách bà cất lời: Xuân cứ xuân nay xuân mấy xuân bất tận/ Khách ngoài xuân vơ vẩn mấy xuân xanh/ Một nhành xuân gánh vác biết bao tình/ Chi lỡ để tính tình chi lâm tá.
Kể từ khi nghệ thuật Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại cần được bảo tồn và phát triển, từ năm 2002 đến nay, ca nương Nguyễn Thị Thiệp đã đi khắp nơi dạy hát và tìm người chân truyền. Hiện, các thế hệ ca nương trên địa bàn tỉnh và đặc biệt tại câu lạc bộ Ca trù Thanh Tương được cụ Thiệp dạy ngày một đông hơn. Không ít trong số những người đam mê và yêu thích ca trù may mắn được người nghệ nhân gắn bó cả đời Nguyễn Thị Thiệp truyền dạy giờ đây là những tài năng đầy triển vọng, tiếp bước con đường bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật dân dã này. "Hiện, tôi đang dạy 5 ca nương, 2 kép đàn, 2 kép trống của câu lạc bộ ca trù Thanh Tương. Các em học tạm được. Học ca trù rất khó, bởi người hát được phải có chất giọng tốt và cái quan trọng nhất là đam mê với nghề. Hơn hai tháng nay học trò của tôi ở câu lạc bộ mới hát được một bài trong khi đó ca trù biết bao bài, giọng", bà Thiệp chia sẻ. |
Thiên Vũ