"So sánh kệch cỡm”
Xoay quanh dự án Hanoi Lotus, nhiều người cho rằng, việc lựa chọn biểu tượng hoa sen của dự án quá đơn điệu, tẻ nhạt. Thậm chí, họ còn nói, hoa sen của Hanoi Lotus “kém hẳn” so với hình tượng hoa sen ở Chùa Một Cột. Ông thấy việc so sánh như thế có hợp lý?
Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh: Theo tôi, việc KTS và CĐT thực hiện ý tưởng ngũ đài sen, về mặt thẩm mỹ không có gì bàn cãi vì người ta xây dựng nhà hát chứ không phải xây dựng chùa. Nếu như việc xây dựng Nhà hát Opera, cố tình “ăn theo” Chùa Một Cột và lấy Chùa Một Cột làm biểu tượng thì không còn là phát minh, sáng chế nữa.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc xây dựng nhà hát theo hình 5 bông sen về mặt nguyên tắc là không sai và không vi phạm bản quyền trong vấn đề liên quan đến danh lam, thắng cảnh. Tôi nhận thấy, xây dựng Nhà hát dựa trên ngũ đài sen, cũng là một ý tưởng hay và mới. Những nhà phân tích về kiến trúc cũng không nên phản bác khi mình chưa đưa ra được bằng chứng, lý do thuyết phục. Tôi nghĩ, muốn phản bác nên đưa ra một lý do chính đáng.
Chuyện ví von việc chọn biểu tượng hoa sen giữa Hanoi Lotus và Chùa Một Cột là kệch cỡm, không đúng bản chất của nó. Một bên, người ta làm nhà chùa, một bên làm nhà hát vui chơi giải trí. Đâu nhất thiết phải dựa theo khuôn mẫu, nếu Nhà hát cố tình xây dựng dựa theo kiến trúc của nhà chùa... khi đó sẽ phạm húy. Cho nên, mỗi công trình nên có một thiết kế riêng, một ý tưởng riêng không coppy của nhau là được.
Việc chọn hoa sen làm biểu tượng đã vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều kiến trúc sư. Riêng bản thân ông, ông có đánh giá thế nào về ý tưởng này?
Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh: Tới thời điểm hiện tại, chưa có một quy định nào nói Hanoi Lotus phải xây dựng theo một kiểu mẫu hay bản thiết kế nào đã được ban hành. Vì thế, chúng ta không thể bắt họ xây dựng nhà hát theo kiểu cách điệu thế này, thế kia.
Nếu có ai hỏi: “Nhà hát Hanoi Lotus xây dựng ngũ liên đài có phù hợp hay không?”. Tôi xin trả lời là hoàn toàn phù hợp vì nó không vi phạm bản quyền của một quốc gia nào. Đây là một thiết kế, ý tưởng mới hay và riêng biệt. Vấn đề đặt ra, liệu chúng ta có xây dựng được đẹp và chuẩn chỉnh hay không?
Ý tưởng thiết kế Hanoi Lotus thuộc về CĐT và KTS, tuy nhiên, cũng nên căn cứ vào thực tiễn, tình hình của đất nước thời điểm hiện tại. Cũng không nên quá phô trương, bay bướm dẫn tới chi phí tốn kém và khó khăn trong quá trình xây dựng.
Người ta phản ứng việc xây dựng Hanoi Lotus là đúng!
Không ít kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam lên tiếng phản ứng gay gắt về thẩm mỹ, cũng như việc xây dựng một ngũ đài sen khổng lồ. Liệu họ có quá khó tính, gay gắt?
Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh: Tôi thấy, người ta lo sợ là đúng. Bản thân tôi cũng băn khoăn, liệu các nhà đầu tư có đủ khả năng để thực hiện một quá trình đồ sộ như thế hay không? Hay lại phải tính chuyện vay tiền ngân hàng? Chưa kể, đội ngũ thi công có đủ trình độ thực hiện đúng được như bản vẽ hay không? Tính khả thi trong quá trình sử dụng có đạt được tính toán của các nhà thiết kế và nhà đầu tư không?
Cũng phải nói tới việc các nhà phân tích Việt Nam lo ngại vấn đề bảo dưỡng, phục chế gặp khó khăn là hoàn toàn phù hợp. Chẳng hạn Trung Quốc làm sân vận động hình tổ chim, kết cấu khá gọn gàng. Hoặc nhiều ngôi đền của đạo hồi, thiên chúa giáo có nhiều ngọn tháp, họ làm đơn giản nhưng công năng sử dụng hiệu quả.
Chưa kể, việc xây dựng một Nhà hát quy mô lớn nhất từ trước tới nay, cũng cần phải có sự giám sát nghiêm túc, minh bạch. Điều này đảm bảo sự an toàn và độ bền vững của công trình.
Một công trình lớn như Hanoi Lotus, nếu lỏng lẻo trong khâu quản lý thi công, xảy ra hiện tượng rút ruột công trình chắc chắn sẽ không hiệu quả. Chưa kể, phát sinh thêm những khó khăn trong quá trình thi công... rồi bỏ dở giữa chừng.
Theo ông dự án Hanoi Lotus liệu có nên cân nhắc vấn đề gì?
Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh: Theo tôi, KTS và CĐT cần xem xét thật kỹ về thẩm mỹ lẫn kiến trúc của nhà hát. Tiếp đó là quá trình xây dựng và phục chế sau này. Chưa kể, trong thời điểm đất nước khó khăn về kinh tế chúng ta nên lựa chọn, cân nhắc hợp lý, tránh tình trạng phô trương nhưng hiệu quả kém.
Cũng cần tránh để xảy ra hiện tượng công trình vừa mới hoàn thành xong chưa được bao lâu đã hỏng, hoặc bỏ đấy. Thực tế, chứng minh, nhiều công trình lướn của đất nước vừa xây xong đã gặp 4 vấn đề lớn: Thứ nhất, lạc hậu về giao thông; Thứ hai, lạc hậu về hệ thống thoát nước; Thứ ba, lạc hậu về diện tích sử dụng; Thứ tư, lạc hậu về công nghệ không đạt được về vấn đề thẩm mỹ và nhu cầu sử dụng. Đa chức năng nhưng mà phải đảm bảo được tính công năng.
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm:
Hanoi Lotus: Rối mắt và thiếu an toàn
Thanh Bình