Trong một báo cáo phân tích mới đây, công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá năm 2018 là năm thành công nhất từ trước đến nay đối với Honda ở thị trường Việt Nam.
Cụ thể, năm qua, Honda đã bán được 2,57 triệu xe máy, tăng 9,9% so với năm 2017. Nhờ sản lượng tiêu thụ tăng mạnh, Honda hiện tại nắm 77% thị phần xe máy, tăng từ 71,5% trong năm 2017.
Trong đó, xe tay ga hiện chiếm khoảng 68% sản lượng xe tiêu thụ (năm 2017 là 58%). Còn xe máy truyền thống chiếm khoảng 32% doanh thu thuần, giảm so với tỷ trọng 42% trong năm 2017.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ ô tô của Honda cũng tăng mạnh đạt 27.099 chiếc trong năm 2018, từ 12.134 chiếc trong năm 2017. Tiêu thụ tăng mạnh chủ yếu nhờ tiêu thụ xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) tăng gần 10 lần.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ xe CBU tăng mạnh lên 16.428 chiếc từ chỉ 1.698 chiếc trong năm 2017, trong khi đó xe lắp ráp với 100% linh kiện nhập khẩu (CKD) tăng khoảng 4% lên 10.851 chiếc.
Thị phần của Honda Việt Nam theo đó cũng tăng mạnh lên 9,8%, từ mức 4,8% trong năm 2017. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận ở mảng ô tô giảm nhẹ do đóng góp của xe CBU tăng và dòng xe này thường có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với xe CKD.
Nhờ sản lượng tiêu thụ mạnh, doanh thu thuần của Honda Việt Nam ước đạt 107,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 25,8%) trong năm 2018.
Trong đó, cơ cấu danh mục sản phẩm xe máy tốt hơn phần nào giúp bù đắp cho cơ cấu sản phẩm kém hiệu quả ở mảng ô tô. Nhìn chung, tỷ suất lợi nhuận gộp của Honda Việt Nam giảm nhẹ xuống 29,5%, từ mức 30,2% trong năm 2017.
HSC ước tính lợi nhuận sau thuế của Honda Việt Nam năm 2018 đạt 17.455 tỷ đồng (tăng trưởng 16,4%).
Có phần tương tự như đối thủ Honda, Toyota Việt Nam cũng có năm tăng trưởng tốt sau khi rung lắc mạnh trong năm 2017, với lợi nhuận phục hồi và tăng trưởng 25,1% nhờ tỷ suất lợi nhuận tăng.
Cụ thể, sản lượng tiêu thụ năm 2018 đạt 66.444 xe (tăng 10,2%), gồm tiêu thụ xe CKD đạt 51.832 chiếc (tăng 23,5%). Trái lại, sản lượng tiêu thụ xe CBU giảm 20,3% và đạt 16.509 chiếc. Trong năm 2018, Toyota đã giành lại một chút thị phần với 24%, từ 23,6% trong năm 2017.
Do những quy định nghiêm ngặt hơn đối với nhập khẩu ô tô, sản lượng xe nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm của Toyota giảm mạnh. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của Toyota đã phục hồi mạnh trong 4 tháng cuối năm, và kể từ tháng 9, doanh thu xe CBU tăng mạnh, giúp Toyota giành lại thị phần đã mất trong 6 tháng đầu năm.
Cho cả năm 2018, tiêu thụ xe CKD chiếm 78% tổng sản lượng tiêu thụ (năm 2017 là 69,6%), 22% còn lại là đóng góp từ xe CBU (năm 2017 là 30,4%). Tỷ suất lợi nhuận theo đó cũng tăng tốt nhờ bởi CKD là dòng xe thường cho tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
Nhờ sản lượng tiêu thụ tăng và tỷ suất lợi nhuận được cải thiện, HSC ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Toyota Việt Nam lần lượt đạt 35.898 tỷ đồng (tăng trưởng 9,9%) và 4.203 tỷ đồng (tăng trưởng 25,1%).
Trái với Honda và Toyota, Ford Việt Nam lại có một năm đầy khó khăn với thị phần giảm trong năm 2018.
Năm qua, Ford Việt Nam bán được 24.636 chiếc (giảm 13,8%), theo đó thị phần giảm xuống 8,9% từ 11,4% trong năm 2017. Trong đó, sản lượng xe CKD và CBU tiêu thụ lần lượt đạt 13.691 chiếc (tăng 14,9%) và 11.647 chiếc (giảm 33,1%).
Mặc dù sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, cơ cấu sản phẩm tốt hơn cùng với đóng góp tốt hơn từ xe CKD đã giúp bảo toàn lợi nhuận. HSC ước tính lợi nhuận sau thuế của Ford Vietnam trong năm 2018 đạt 990 tỷ đồng (giảm 10%).
Trong 3 năm tới, HSC dự báo ngành xe máy sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân gộp hàng năm là 3%. Trong khi đó, công ty chứng khoán này dự báo doanh số tiêu thụ xe ô tô sẽ tăng trưởng với tốc độ bình quân gộp hàng năm là 15%.
Hiện tỷ lệ sở hữu xe ô tô tại Việt Nam chỉ là 23 xe/1.000 người dân trong khi Indonesia là 55; Thái Lan là 196 và Malaysia là 341.
Theo Vietnam Finance