Được biết đến sớm nhất vào thế kỷ thứ 16, sách giáo khoa là sự tổng hợp toàn diện nội dung của một ngành nghiên cứu. Nó ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà giáo dục trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh.
Sách giáo khoa được sử dụng để hỗ trợ giảng dạy, và trong một số trường hợp, là một giáo viên trong nhiều thế kỷ. Nhưng ngày nay, trong kỷ nguyên bùng nổ công nghệ thông tin, với sự phát triển của mạng Internet, sách giáo khoa không còn là nguồn học liệu duy nhất học sinh có thể dựa vào trong quá trình học tập.
Điều này là phổ biến ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Hà Lan (châu Âu) và Australia (châu Đại Dương).
Australia: Học mà chơi – chơi mà học
Ở Australia, việc học sinh học gì được định hướng chung bởi chương trình giáo dục quốc gia (Australian Curriculum). Phiên bản 9.0 của Australian Curriculum được công bố vào tháng 5/2022 để các cơ quan có thẩm quyền triển khai từ năm 2023.
Chương trình này áp dụng cho mọi học sinh, bất kể học sinh đó sống ở đâu hay học trong hệ thống trường học nào, giúp nhà trường, giáo viên, phụ huynh và bản thân học sinh hiểu rõ về những gì cần học.
Khung chương trình dành cho học sinh từ mầm non (Foundation) tới lớp 10 ở Australia bao gồm 8 lĩnh vực học tập chính: Tiếng Anh, Toán, Khoa học, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giáo dục Thể chất, Ngôn ngữ, Công nghệ và Nghệ thuật; 7 năng lực chung: Đọc viết, tính toán, hiểu biết về kỹ thuật số, tư duy phản biện và sáng tạo, năng lực cá nhân và xã hội, hiểu biết liên văn hóa và hiểu biết đạo đức; 3 ưu tiên xuyên suốt chương trình giảng dạy: Tính bền vững, châu Á, sự gắn kết của Australia với châu Á, và lịch sử và văn hóa của Thổ dân và Dân đảo Torres Strait.
Dựa trên các tiêu chí chung, mỗi bang ở Australia lại có các chương trình giáo dục của riêng mình do sở giáo dục bang ban hành.
Sở giáo dục bang quyết định các chi tiết trong khung chương trình, miễn sao đảm bảo hoàn thành mục tiêu tổng thể của chương trình giáo dục quốc gia, đồng thời phản ánh các tiêu chuẩn và ưu tiên của bang mình.
Nhiệm vụ của giáo viên là soạn giáo trình theo khung chương trình do sở giáo dục bang quy định, lồng ghép các hoạt động bổ trợ cho việc tiếp nhận kiến thức của học sinh. Các bài học thường rất thực tế, với tiêu chí học mà chơi – chơi mà học.
Chị Đàm Hà Thủy, một người Việt đang sinh sống ở bang Victoria, chia sẻ rằng con trai chị, đang học lớp 5, đi học chưa bao giờ phải dùng đến cuốn sách giáo khoa nào. Thay vào đó, các em học theo giáo trình do giáo viên soạn.
Bài tập về nhà mỗi ngày của các em có thể là yêu cầu đọc sách 30 phút, sau đó tóm tắt những gì mình đọc được vào sổ nhật ký, hoặc đầu kỳ học giáo viên phát cho học sinh một tờ bài tập về nhà và mỗi tuần các em chỉ phải làm một bài tập (task) trong đó.
Sách giáo khoa sẽ được dùng phổ biến hơn đối với các em học sinh trung học, và những cuốn sách này thường rất khó và đòi hỏi khả năng tư duy phản biện của học sinh rất cao mới có thể sử dụng được, chị Thủy cho biết.
Theo cộng đồng giáo viên Australia trên nền tảng Reddit, sách giáo khoa chủ yếu là nguồn bài tập cho học sinh thực hành thêm. Học sinh cũng có thể tham khảo phần lý thuyết trong sách khi không có giáo viên bên cạnh.
Ở trường công, phụ huynh không cần phải trả tiền mua sách giáo khoa, mà nhà trường là bên đứng ra mua sắm các bộ học cụ, bao gồm sách giáo khoa, và cho học sinh mượn sử dụng trong suốt năm học. Sau khi học xong, học sinh phải hoàn trả sách của năm trước thì mới có thể mượn sách của năm học kế tiếp.
Trong kỷ nguyên số, nhiều trường ở Australia đã loại bỏ sách giáo khoa truyền thống in trên giấy. Thay vào đó, họ sử dụng sách kỹ thuật số trên các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh… Nguồn sách số là miễn phí, hoặc nếu bị tính phí thì khoản này sẽ bao gồm trong học phí hoặc do chính phủ tài trợ.
Ngoài sách giáo khoa, học sinh có thể hỏi trực tiếp giáo viên, tham khảo trên Youtube hoặc các nguồn tương tự để giải đáp các khúc mắc, từ đó đề cao tinh thần tự học.
Hà Lan: Kết hợp sách giấy và sách kỹ thuật số
Ở Hà Lan, nhìn chung, hệ thống giáo dục của “xứ sở cối xay gió” hoạt động rất tốt, nhưng nó rất khác so với hầu hết các quốc gia khác.
Hầu hết trẻ em Hà Lan có thể bắt đầu đi học tiểu học sau sinh nhật lần thứ 4. Từ sinh nhật lần thứ 5, việc đến trường là bắt buộc. Các em có nghĩa vụ phải đi học cho đến hết năm học mà các em đủ 16 tuổi và tất nhiên là phải lấy được bằng tốt nghiệp.
Có hai nhóm trường chính ở Hà Lan, bao gồm trường công (openbare) và trường đặc biệt (bijzondere). Nhóm trường bijzondere có thể tương đương với các trường tư thục ở nơi khác, nhưng ở Hà Lan các trường này vẫn nhận được tài trợ từ chính phủ.
Với khoảng 2/3 trẻ em ở quốc gia Tây Âu học ở các bijzondere, nhóm trường này tuân theo các nguyên tắc triết học hoặc sư phạm cụ thể, như Montessori, Waldorf, Dalton, Jenaplan…
Do có nhiều sự khác biệt giữa các trường học ở đây, việc sử dụng sách giáo khoa trong dạy và học có nhiều khác biệt và phụ thuộc vào độ tuổi của học sinh, theo chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập Annebet van Mameren.
Để dễ hiểu, cô Annebet lấy ví dụ với các trường Waldorf và các trường Montessori ở Hà Lan. Cụ thể, các trường Waldorf không sử dụng nhiều sách giáo khoa. Thay vào đó, họ dạy học sinh tiểu học thông qua các bài thơ, độc tấu, nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn và những câu chuyện thường dựa trên thần thoại.
Còn tại các trường Montessori, giáo viên kết hợp giữa sách giáo khoa và học cụ Montessori chuyên dụng. Những giáo cụ này liên quan đến giai đoạn phát triển của mỗi đứa trẻ và giáo viên có thể điều chỉnh để nâng cao khả năng học tập của học sinh.
Với học sinh trung học, hầu hết sách giáo khoa được số hóa và đưa lên mạng Internet, từ đó hình thành mô hình học gọi là “trường học iPad”. Do đó, học sinh ở cấp này hầu như không sử dụng bất kỳ cuốn sách giấy nào.
Nhiều trường trung học sử dụng kết hợp sách giấy và sách kỹ thuật số, cô Annebet cho biết. Cô nói: “Ví dụ, con trai lớn của tôi 13 tuổi đang học tại một trường trung học đặc biệt dành cho những học sinh chơi thể thao ở trình độ cao. Với những học sinh thường xuyên phải di chuyển và vận động như thế này, vì hầu hết sách giáo khoa được số hóa, học sinh chỉ cần mang theo máy tính xách tay và sách bài tập”.
Ngoài ra, ở trường trung học, học sinh có nhiều môn học, trong những năm đầu tiên khoảng 12-14 môn, với khoảng 5-8 tiết học mỗi ngày. Vì vậy học sinh phải mang theo rất nhiều sách trong khi hầu hết các em phải di chuyển bằng xe đạp. Đây là một lý do nữa giải thích tại sao một số trường học ở Hà Lan đã giảm số lượng sách giấy truyền thống.
“Không cần mang nhiều sách vở mà mỗi ngày con trai tôi vẫn phải đeo chiếc ba lô nặng hơn 10kg, bao gồm laptop, dụng cụ thể thao và hộp cơm trưa”, cô Annebet chia sẻ, đồng thời cho biết bên cạnh lợi ích của học liệu kỹ thuật số là dễ cập nhật hơn, tiết kiệm giấy và giảm nhẹ khâu hậu cần, nhưng cũng có một số nhược điểm khi học sinh phải nhìn vào màn hình máy tính quá nhiều.
Với những cuốn sách giấy, hết năm học, học sinh phải trả sách lại cho nhà trường để học sinh mới sử dụng tiếp. Vì vậy, học sinh không được phép viết vào sách giáo khoa và phải giữ sách thật cẩn thận. Điều này không áp dụng với sách bài tập.
Ở Hà Lan, sách giáo khoa được phát miễn phí cho học sinh tiểu học và trung học. Phụ huynh chỉ phải mua laptop hoặc iPad, nhưng các gia đình có thu nhập thấp cũng có thể thuê các thiết bị này thông qua nhà trường.
Bộ giáo dục Hà Lan quyết định các mục tiêu đạt được cho mỗi môn học. Sau đó, có nhiều nhà xuất bản sẽ đứng ra biên soạn và phát hành các bộ sách đảm bảo bao gồm tất cả các mục tiêu học tập được đề ra. Các trường học chịu trách nhiệm phân phối sách. Nhưng vì đây là một dự án lớn nên họ thường thuê một nhà phân phối bên ngoài làm việc này.
Theo cô Annebet, Van Dijk là nhà phân phối sách lớn nhất Hà Lan. Các trường gửi danh sách những cuốn sách họ cần cho Van Dijk và phụ huynh đặt hàng trực tuyến. Sau đó nhà phân phối sẽ gửi sách (miễn phí) đến nhà của từng học sinh, cùng với các học liệu khác (không miễn phí), như từ điển, bản đồ…
Do số lượng sách khổng lồ mà họ phải giao trong một khoảng thời gian ngắn (mùa hè), mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Và nếu học sinh ở Hà Lan quên mang sách đến trường vào đầu năm học, họ thường đổ lỗi cho Van Dijk, cô Annebet nói.
Minh Đức