GS. Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng viện Ngôn ngữ học đã có bài viết phân tích những bất cập sau khi tìm hiểu tài liệu tiếng Việt – Công nghệ giáo dục (CNGD) và quan sát đoạn clip cô giáo dạy đánh vần lan truyền trên mạng. Báo Người Đưa Tin xin trích dẫn bài viết.
Phụ huynh rỉ tai nhau: "Đừng dại gì dạy con lớp 1 học đánh vần"
Cách đánh vần "lạ": "Bất cập vì giáo trình không đồng bộ"
Tìm hiểu về tài liệu tiếng Việt – Công nghệ giáo dục, tôi có 5 nhận xét sau:
Đầu tiên, sự khác biệt rõ nhất giữa cách dạy đánh vần truyền thống và cách đánh vần CNGD là cách truyền thống chú ý đến các thao tác cụ thể, dạy cách viết, cách đọc âm/chữ và cách kết hợp các âm/chữ thành âm tiết (tiếng). Cách đánh vần CNGD xuất phát từ các khái niệm của ngữ âm học như âm tiết, âm vị, âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối, phân biệt âm và chữ… từ đó dạy các học sinh dùng chữ để viết các âm. Cách dạy đánh vần này dựa trên những quan niệm mang tính học phái về tâm lý học sư phạm.
Tôi không bàn đến khía cạnh đúng/sai mang tính trường phái học thuật (học phái), mà chỉ bàn đến tính thực tiễn của của cách dạy đánh vần này. Trong thực tế, việc học ngôn ngữ ở trẻ em chủ yếu là sự bắt chước các thao tác từ người lớn, chứ không phải từ các khái niệm trừu tượng. Tương tự như việc trẻ em người Việt ăn bằng đũa. Ít ai để ý rằng, dùng đũa và cơm vào miệng, gắp thức ăn có thể được giải thích bằng các khái niệm vật lý về đòn bẩy.
Nhưng trong thực tế, trẻ em từ 2-3 tuổi tập ăn bằng đũa bằng cách bắt chước các thao tác của bố mẹ, anh chị. Không ai dạy trẻ em và cơm, gắp thức ăn bằng các khái niệm vật lý như cánh tay đòn, điểm tựa, lực đẩy…
Thứ hai, việc dùng các khái niệm ngữ âm học dạy trẻ em đánh vần đẻ ra rất nhiều bất cập. Trước hết, bất cập ngay trong hệ thống khái niệm, thuật ngữ của cách dạy đánh vần theo CNGD. Các khái niệm ngữ âm được sử dụng mang tính nửa vời, chơi vơi giữa các khái niệm, thuật ngữ khoa học (vốn trừu tượng) với khái niệm, từ ngữ thông thường (để nhiều người có thể hiểu, kể cả các cô giáo và nhất là trẻ em 6 tuổi).
Ví dụ cùng khái niệm (thuật ngữ) âm được dùng trong tài liệu, cần phải hiểu là âm vị hay âm tố (vốn rất khác nhau), cùng khái niệm chữ, nhưng phải phân biệt hình chữ (tiếp nhận bằng mắt) với tên gọi của chữ (chữ A, B, C, tên gọi A, Bê, Xê), cần phân biệt con chữ, chữ cái (C, K, Q) với kí tự (NH, NGH, KH, QU…). Việc giới hạn ở một số khái niệm, thuật ngữ (gần với khái niệm, từ ngữ thông thường) đã khó hiểu đối với đa số phụ huynh; ngay cả các cô giáo cũng không hiểu rõ ngọn ngành để có thể làm chủ các tri thức khi dạy cho học sinh. Đối với trẻ em lại càng khó. Làm thế nào trẻ em hiểu được chữ U trong từ CUA là để ghi yếu tố của nguyên âm đôi /UƠ/ (chứ không phải nguyên âm đôi /UA/ như cô giáo dạy trong clip), còn U trong QUA là để ghi âm đệm /W/.
Thứ ba, theo giải thích của những người có trách nhiệm của sách CNGD, dạy đánh vần, các tác giả đã xuất phát từ những đặc điểm ngữ âm tiếng Việt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cách dạy đánh vần CNGD bỏ qua một số đặc thù của ngữ âm tiếng Việt như tính tầng bậc của cấu tạo âm tiết tiếng Việt, những đặc trưng về chức năng, âm học, thụ cảm của thanh điệu Việt.
Thứ tư, sách dạy đánh vần của CNGD như một tài liệu chung cho học sinh Việt Nam, không phân biệt học sinh có tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, hay tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Như trên đã nói, mỗi loại đối tượng có năng lực ngôn ngữ, khả năng nghe, nói khác nhau, cần phải có phương pháp, thao tác day/học khác nhau.
Theo GS. Hồ Ngọc Đại, sách CNGD áp dụng rất có kết quả cho học sinh người dân tộc thiểu số. Điều này chưa được chứng minh một cách khoa học, chỉ biết rằng, cách dạy đánh vần ở sách này đi từ âm đến chữ, thích hợp với học sinh có tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, còn với học sinh dân tộc thiểu số cách dạy phải theo chiều ngược lại là luyện cách viết (chữ) và luyện phát âm các âm mà ký tự biểu thị, trong đó chú ý đúng mức đến luyện phát âm.
Thứ năm, một hạn chế khác của sách tiếng Việt CNGD, cũng như sách dạy học vần tiếng Việt truyền thống là ít chú ý đến sự khác biệt về phương ngữ của người học. Như trên đã nói, hệ thống ngữ âm phương ngữ Bắc, Trung, Nam khác nhau. Học sinh mỗi vùng miền có những khó khăn, thuận lợi riêng khi học đọc, học viết tiếng Việt. Các nhà hoạch định chương trình, những người thiết kế các sách học vần tiếng Việt nên chú ý đến vấn đề này.
Năm 2009 nhà xuất bản Giáo dục đã xuất bản một công trình nghiên cứu của PGS. Võ Xuân Hào (khoa Ngữ văn, đại học Quy Nhơn) về “Dạy học chính tả cho học sinh theo vùng phương ngữ”. Ngành Giáo dục chủ trương thống nhất một chương trình, có thể dùng nhiều bộ sách giáo khoa. Được biết sách CNGD đã thực nghiệm ở 49 tỉnh thành, sắp tới có thể được xem như một bộ sách cạnh tranh với các bộ sách tiếng Việt lớp 1 khác. Tôi không bàn đến tính pháp lý, màu sắc lợi ích nhóm của cách làm này (dù trong dự kiến)- như một số dư luận đã phân tích.
Cần khẳng định việc cho phép áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, các bộ sách giáo khoa khác nhau nên là các sách thích ứng, phù hợp với từng đối tượng học sinh có tiếng mẹ đẻ khác nhau (người Kinh hay dân tộc thiểu số), phù hợp với học sinh có khả năng nghe nói các phương ngữ khác nhau, chứ không nên cạnh tranh, phổ biến các bộ sách khác nhau về học phái. Sách tiếng Việt CNGD khác sách tiếng Việt truyền thống không phải ở chỗ nó được viết để phục vụ cho đối tượng riêng (dân tộc) hay vùng miền, mà khác bởi quan niệm học thuật, học phái riêng. Hơn nữa, mặc dù đã thực nghiệm 40 năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có những kết luận đủ tin cậy khoa học đánh giá về những ưu điểm và hạn chế của sách CNGD.
Xem thêm>>> Cách đánh vần lạ, phụ huynh dạy kèm con thế nào?