Dưới đây là những thông tin hữu ích về quả đào do ThS.BS Tạ Tùng Duy – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cung cấp, chia sẻ với Người Đưa Tin.
Các loại quả đào
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại đào tươi như: đào tiên, đào sapa, đào mỏ quạ…
Đào tiên quả mọng, hình cầu rộng với vỏ khá cứng. Màu sắc của quả đào tiên cũng khá dễ nhận biết chưa chín có màu xanh đậm, khi chín có màu hồng nhạt.
Quả đào tiên có mùi thơm tự nhiên, thoang thoảng, khi ăn có vị ngọt.
Đào mỏ quạ là loại đào có nguồn gốc từ Sơn La và Lào Cai, kích thước của quả đào mỏ quạ thường nhỏ hơn các loại đào khác, vỏ quả đào mỏ quạ có nhiều lông và phần đít quả hơi cong lên giống hình mỏ của con quạ. Màu sắc của đào thường có màu hồng phấn, hoặc xanh lá. Hương vị khi ăn là hơi chua, cứng giòn và thơm tự nhiên.
Đào sapa có màu sắc khá đặc trưng là màu xanh lá xen lẫn màu hồng phấn.
Vỏ của quả đào Sapa có nhiều lông bao phủ toàn bộ bên ngoài, bạn phải cạo sạch chúng đi thì mới ăn ngon mà không bị rát lưỡi. Loại đào này ăn có vị giòn, ngọt.
Đào trắng và vàng nhập khẩu có nguồn gốc ở Úc. Loại đào này có hai loại: 1 loại có cùi thịt màu trắng và một loại có cùi thịt màu vàng. bên ngoài vỏ đào có lông tơ mượt, mềm. Hương vị đặc trưng đó là cùi thịt thơm, giòn. Điểm nổi bật của loại đào này là xung quanh hạt đào có màu nâu đỏ. đào trắng thịt thơm, ngọt, ít vị chua và ngược lại, đào vàng thì có vị chua pha lẫn với vị ngọt thanh.
Tác dụng của quả đào
Đào có nhiều vitamin A, beta – carotene và vitamin C, vitamin E, vitamin B1, B2, B3, B6, folate và axit pantothenic. Đào cũng chứa một lượng lớn các loại chất khoáng như canxi, kali, magie, sắt, mangan, photpho, kẽm và đồng. Đặc biệt hàm lượng sắt có trong đào cần thiết cho phụ nữ và trẻ em thiếu máu do thiếu sắt. Đào chín có nhiều acid hữu cơ và chất xơ có tác dụng kích thích tiết dịch tiêu hóa, làm tăng nhu động dạ dày, ruột, thuận lợi cho tiêu hóa.
Hơn thế nữa, đào chứa rất ít calo, trong 100gr đào chỉ có 46 calo, không chứa chất béo bão hòa, cholesterol và là nguồn cung cấp chất xơ tốt.
Ăn đào hoàn toàn không gây sảy thai trong 3 tháng đầu như các mẹ bầu hay nghĩ. Đông y còn sử dụng quả đào phơi khô, sấy khô trong trường hợp bị động thai. Giáo sư Đỗ Tất Lợi trong cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" có đề cập đến tác dụng của đào nhân hay hạt đào để điều kinh, cầm máu sau đẻ, hoặc thông kinh nguyệt. Một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, trong đào nhân có chất Ergotin, tác dụng trên mạch máu tử cung, làm co tử cung do vậy có tác dụng cầm máu sau đẻ.
Đặc biệt, Folate chứa trong quả đào giúp bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ mắc các khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống. Kali trong quả đào giúp ngăn ngừa chuột rút, phù nề cho mẹ bầu. Một quả đào sẽ được cung cấp được 12% nhu cầu kali hàng ngày.
Đào có nhiều vitamin A. Một quả đào có thể đáp ứng 15% nhu cầu vitamin A hàng ngày của bạn. Vitamin A cũng rất quan trọng đối với sự phát triển đôi mắt, xây dựng một bộ xương khỏe mạnh và duy trì hệ thống miễn dịch tốt cho trẻ. Đào có vị chua dịu nhẹ làm giảm cơn buồn nôn, ốm nghén khi mang thai đối với mẹ bầu. Ngoài ra, chất xơ có trong quả đào còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm táo bón đối với mẹ bầu.
Đào có chứa kali, một chất đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh và hoạt động của các tế bào. Lượng kali trong đào có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất, sử dụng carbohydrate, duy trì cân bằng điện giải và điều chỉnh mô ở các cơ bắp. Thiếu kali có thể sẽ dẫn đến tình trạng hạ kali máu và có thể ảnh hưởng đến sức mạnh của cơ bắp cũng như gây ra tình trạng nhịp tim bất thường.
Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, lutein và zeaxanthin có trong đào có rất nhiều tác dụng, bao gồm việc giảm tỉ lệ đục thủy tinh thể. Cũng theo nghiên cứu này, lutein và zeaxanthin trong các sắc tố võng mạc có thể bảo vệ võng mạc không bị thoái hóa điểm vàng do lão hóa. Thêm nữa, 2 thành phần này còn có thể bảo vệ các mô võng mạc khỏi các tổn thương gây ra bởi các gốc tự do và giảm khả năng tổn thương mắt do các loại ánh sáng có bước sóng cao.
Đào rất tốt trong việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh do có chứa nhiều chất xơ và các thành phần kiềm. Chất xơ trong đào có thể hấp thu nước và giúp ngăn chặn các rối loạn về đường ruột như táo bón, trĩ, loét dạ dày, viêm dạ dày và nhu động ruột bất thường. Chất xơ cũng có thể giúp làm sạch và loại bỏ các chất độc ra khỏi đường ruột và ngăn chặn nhiều loại rối loạn tiêu hóa khác nhau.
Ai không nên ăn đào?
Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn quá nhiều đào vì mặc dù đào có chỉ số đường huyết GI thấp nhưng vẫn chứa khoảng 7g đường cho 100g đào (tương đương với 1 quả đào cỡ trung bình).
Ngoài ra, người bị nóng trong, người hay bị nhiệt, người mới ốm dậy, trẻ em có hệ thống tiêu hóa chưa hoàn chỉnh… cũng không nên ăn nhiều đào.
Mẹ bầu không nên ăn quá nhiều quả đào một lúc. Theo Đông y, quả đào mang tính nóng, dễ gây nhiệt cho cơ thể và có thể khiến bạn gặp một vài vấn đề về xuất huyết nếu ăn quá nhiều. Lông trên vỏ quả đào có thể gây ngứa rát cổ họng hoặc thậm chí dị ứng. Do giàu axit folic nên bà bầu ăn nhiều đào có thể làm tăng mức axit folic trong cơ thể, gây ra chuột rút, da nổi mẩn, buồn nôn. Tốt nhất, mẹ bầu chỉ nên ăn chỉ nên ăn 1 quả mỗi lần, 2 - 3 ngày ăn 1 lần. Như vậy, mỗi tuần chỉ nên ăn khoảng 2-3 quả đào.
Cách chọn đào tươi ngon
Để chọn được những quả đào ngon, bạn cần quan sát vỏ quả đào
Chọn những quả đào tươi là quả đào có lớp vỏ không có dấu hiệu bầm dập và nhăn nheo. Lớp lông tơ trên bề mặt vỏ đào phải đều, không bị rụng, thưa thớt và phần cuống còn tươi mới.
Hơn nữa, đối với loại đào có lớp vỏ trơn thì bạn không nên chọn quả có lớp vỏ quá nhẵn bóng vì rất có thể nhiều người đã cầm nắm, bóp nhẹ để kiểm tra nên khiến chúng bị dập bên trong.
Ở Việt Nam, đào thường được trồng ở những khu vực có khí hậu lạnh như phía Bắc nước ta bắt đầu từ khoảng tháng 6, trong đó đào đặc sản ở Sapa và Bắc Hà là nổi tiếng nhất. Khi chọn mua đào trên thị trường, bạn có thể nhầm lẫn với đào Trung Quốc. Một số đặc điểm như dưới đây có thể phân biệt được đào Việt Nam và đào Trung Quốc. Lưu ý, trước khi ăn đào phải rửa sạch hết lông bám bên ngoài mới có thể ăn được nếu không ăn nhiều sẽ bị rát lưỡi.
Kích thước: Đào Trung Quốc, quả thường to hơn đào Việt, vỏ trơn láng, nhẵn mịn, lông ít, thậm chí không có lông. Còn đào Việt Nam có kích thước nhỏ, nhiều lông và không đẹp mã như đào Trung Quốc.
Màu sắc: Đào Trung Quốc thường có màu hồng nhạt, trông rất bắt mắt còn đào Việt thì có màu xanh lá cây xen lẫn một ít màu hồng phấn.
Đào Việt có mùi thơm, ăn giòn tự nhiên, có vị chua nhẹ, cùi đào có màu trắng hoặc ngả vàng. Đào Trung Quốc không giữ được độ giòn lâu, cùi đào thường màu vàng, khi ăn mềm nhũn và ít ngọt.
Mùi vị: Đào ta ăn thơm giòn tự nhiên, có vị hơi chua. Đào Trung Quốc thì không giữ được độ giòn lâu, cùi đào thường màu vàng, khi ăn mềm nhũn và ít ngọt.
Thời gian bảo quản: Đào ta thời gian bảo quản được 1 tuần vì không có chất bảo quản còn. Đào Trung Quốc, thơi gian bảo quản dài nếu để trong tủ lạnh thì có thể để được 1-2 tháng mà không bị thối, ủng do đào có tẩm hóa chất bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản. Trọng lượng khoảng 150-200g
Cách bảo quản đào
Đặt đào ở những nơi thoáng mát ở nhiệt độ phòng, được khoảng 3 ngày. Hoặc bảo quản trong ngăn rau củ của tủ lạnh được khoảng 7 ngày.
Ngoài ra, cũng có thể sơ chế đào như gọt và cắt miếng, rồi cho vào túi zip và hút chân không thì càng tốt, đặt vào ngăn đá tủ lạnh với thời gian sử dụng đến 2 - 3 tháng.
Thanh Loan