Nên giao bài thi về Bộ chấm, tránh lỗ hổng
Đánh giá về những lỗ hổng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT nhận định: “Một kỳ thi luôn có 3 khâu: Ra đề thi, coi thi và bảo quản đề để chấm thi. Như vậy, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay đã làm tốt 2 khâu đầu, duy chỉ khâu cuối chấm thi thì một số cá nhân tại địa phương sai phạm sửa điểm, dẫn đến hoang mang dư luận như hiện nay”.
"Với những bài học rút ra trong kỳ thi năm nay, chắc chắn Bộ sẽ có những điều chỉnh cho kỳ thi tiếp theo được hoàn thiện”, ông Nhĩ nêu quan điểm.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng: "Từ những lỗ hổng trong khâu chấm thi năm nay, việc chuyển bài thi về bộ GD&ĐT rồi giao cho các trường ĐH chấm sẽ ổn. Các trường ĐH chấm theo tâm thế chọn người tài và không vướng bận gì nên sẽ công tâm, khách quan trong công tác chấm thi”.
Đồng ý với quan điểm trên, TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng cục CNTT, bộ GD&ĐT bổ sung: “Việc chấm thi ở địa phương rõ ràng là không đảm bảo. Thầy cô ở địa phương phải chịu nhiều áp lực, từ cấp trên, hay quan hệ họ hàng, cả nể… Vậy tốt nhất theo tôi, việc chấm thi không nên để địa phương đảm nhiệm nữa.
Nếu tiếp tục tổ chức chấm thi như vậy sẽ còn tiêu cực. Sau sự việc lần này, tôi nghĩ từ năm tới, bộ GD&ĐT cần chuyển ngay bài thi về Bộ, sau đó giao cho các trường ĐH chấm. Chỉ như vậy mới đảm bảo mục tiêu tiết kiệm cũng như sự minh bạch của kỳ thi”.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, bày tỏ sự kiên quyết: “Với quan điểm cá nhân, tôi cảm thấy khó có thể tin tưởng kết quả của một kỳ thi khi tổ chức chấm tại địa phương.
Hiện tại chưa có phương án cụ thể, nhưng chắc chắn trong những năm tới, các trường ĐH sẽ phải can thiệp sâu hơn vào từng khâu trong kỳ thi, đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch cho các em. Trường ĐH có thể tuyển dụng đúng những em xứng đáng vào nhập học”.
"Không nên bỏ kỳ thi do địa phương tổ chức"
Mặc dù đánh giá khâu chấm thi ở địa phương là 1 lỗ hổng lớn của kỳ thi THPT Quốc gia nhưng theo PGS. Trần Xuân Nhĩ, vì vụ việc tại Hà Giang, Sơn La mà lại đặt vấn đề không giao kỳ thi Quốc gia về cho địa phương nữa là điều không nên.
“Trước hết khẳng định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là rất quan trọng. Nhiều người cho rằng năm nào thi cũng đỗ 98-99% thì cần gì thi, nhưng không phải như vậy. Giống như một nhà máy sản xuất, sản phẩm đầu ra cần được đánh giá và phân loại.
Trong số 98% thí sinh tốt nghiệp đó, ví dụ sẽ phân ra 30% thí sinh khá, 38% thí sinh trung bình, 30% thí sinh giỏi. Từ đó để có cái nhìn cụ thể về chất lượng đào tạo. Cũng là cơ sở tính điểm cho các trường ĐH căn cứ tuyển sinh.
Theo nguyên tắc, ai tổ chức dạy thì người đó tổ chức cho thi, sở GD&ĐT đã quản lý suốt 12 năm học của các em, cho nên tổ chức kỳ thi THPT ở địa phương do Sở chủ trì như vậy là đúng đắn. Qua kết quả kỳ thi, Sở địa phương phải chịu trách nhiệm về sản phẩm quản lý, đào tạo của mình", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.
“Trước kia, việc tổ chức 2 kỳ thi là rất tốn kém cho gia đình, xã hội và các trường ĐH. Bản thân các em phải chịu nhiều áp lực vì phải trải qua hai kỳ thi cách nhau 1 tháng. Vì vậy, kỳ thi hiện nay đã giảm nhất nhiều những gánh nặng đó.
Hơn nữa, các trường ĐH được giao quyền tự chủ, hoàn toàn có thể kiểm soát thí sinh theo tiêu chí mà họ tuyển vào. Trong quá trình đào tạo sau đó họ vẫn tiếp tục đánh giá được chất lượng sinh viên của mình. Trong đó, cơ chế đào thải cần được áp dụng, không thể đầu vào thế nào đầu ra như thế”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.
Xem thêm clip: Bộ GD&ĐT nêu phương án xử lý bài thi gian lận ở Sơn la: