Chủ đầu tư kín tiếng của BOT Cai Lậy
Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) là một phần trong dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT. Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang do ông Nguyễn Phú Hiệp làm Giám đốc hiện là pháp nhân quản lý trạm thu phí BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, pháp nhân này lại được thành lập vào tháng 4/2014, chậm hơn hai tháng so với lễ khởi công dự án vào tháng 2/2014.
Lý giải cho chuyện tưởng chừng ngược kia, trên thực tế, công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang chỉ là pháp nhân dự án, được chủ đầu tư lập ra để thuận tiện trong quản lý và giao dịch. Chủ đầu tư thực sự lại là cái tên khác. Tra cứu trên cổng thông tin Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư thuộc bộ GTVT, chủ đầu tư của dự án này được xác định là CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái) và CTCP Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico).
Theo đó, dự án nhóm B này có tổng mức đầu tư 1.398,18 tỷ đồng (chưa quyết toán), 100% là nguồn vốn tư nhân. Cụ thể, Bắc Ái góp 136,5 tỷ đồng (chiếm 65%) và Trico góp 73,5 tỷ đồng (chiếm 35%). Theo dữ liệu từ bộ KH&ĐT, công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái thành lập ngày 25/11/2004, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động thiết kế chuyên dụng, đăng ký trụ sở tại số 215, đường Mê Linh, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.
Theo đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 10/07/2017, vốn điều lệ của Bắc Ái là 900 tỷ đồng, trong đó cổ đông đều là các cá nhân. Cụ thể, ông Lê Tiến Thắng (SN 1977) sở hữu 82% vốn, ông Lê Văn Duẩn sở hữu 5%; ông Lê Thanh Bình sở hữu 10% và ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang sở hữu 3%.
Với tỷ lệ sở hữu 3%, ông Nguyễn Phú Hiệp đang góp 27 tỷ đồng vào doanh nghiệp này (xét về quy mô vốn). Vốn góp của ông Nguyễn Phú Hiệp tăng mạnh so với đầu năm 2014 khi vào thời điểm đó vị này chỉ có 0,4% cổ phần, tương đương 1,2 tỷ đồng vốn góp vào công ty Bắc Ái.
Một điều đặc biệt, trụ sở của Bắc Ái cũng chính là địa chỉ ông Lê Tiến Thắng đăng ký hộ khẩu thường trú. Theo tìm hiểu của PV, ông Lê Tiến Thắng, người rót vốn "khủng" nhất từng có thời gian đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Bắc Ái. Ông Thắng hiện nắm cổ phần chi phối, góp 738 tỷ đồng, tương đương 82% vốn cổ phần. Tỷ lệ sở hữu của ông Thắng có lúc lên tới 95% cách đây không lâu.
Bắt tay cùng Văn Phú Invest
Ngoài dự án BOT Cai Lậy, theo tài liệu của PV, Bắc Ái còn tham gia đầu tư dự án “Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1125 - Km 1153, tỉnh Bình Định” (dự án BOT Hoài Nhơn). Cụ thể, dự án BOT Hoài Nhơn có tổng mức đầu tư là 1.785,25 đồng (chưa quyết toán), trong đó, vốn tư nhân là 1.644,50 tỷ đồng (Bắc Ái góp 69 tỷ đồng), vốn đầu tư Nhà nước là 140,75 tỷ đồng. Dự án này được khởi công ngày 31/10/2013, có thời gian vận hành, khai thác là 22 năm 2 tháng.
Chủ đầu tư của dự án BOT nhóm A này là liên danh 4 nhà đầu tư. Trong đó, Bắc Ái góp 69 tỷ đồng (tương đương 29% vốn); tổng công ty Thành An - công ty TNHH MTV góp 74 tỷ đồng (31%); công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Long Trung Sơn góp 48 tỷ đồng (20%) và công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC (PVV) góp 48 tỷ đồng (20%).
Không chỉ tham gia đầu tư vào lĩnh vực BOT, Bắc Ái còn "góp mặt" trong các dự án BT. Cuối tháng 11/2016, công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và CTCP Đầu tư Văn Phú Invest đã có cái "bắt tay" nghìn tỷ khi thành lập liên doanh CTCP Văn Phú Bắc Ái với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó Bắc Ái góp 52,5 tỷ đồng (tương đương 35% vốn), Văn Phú Invest góp 90 tỷ đồng (tương đương 60%).
Cũng theo tìm hiểu, liên doanh này đã và đang là chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án của hàng loạt dự án vàng. Cụ thể, không thể không kể đến dự án BT xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1) với số vốn lên tới 2.527 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2019 hay dự án 129 Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh) với số vốn 1.089 tỷ, dự kiến hoàn thành năm 2020.
Bên cạnh đó là các dự án vàng khác có thể kể đến như: Dự án 132 Đào Duy Từ (Quận 10, TP.HCM) có số vốn 362 tỷ đồng; dự án 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân, TP.HCM) với số vốn 161 tỷ đồng; dự án 12 Kỳ Đồng với 122,472 tỷ đồng vốn; dự án 234 Lý Tự Trọng (quận 1) vốn 98 tỷ và dự án 42 Trương Định (quận 3) với số vốn 42,58 tỷ đồng. Các dự án này đều dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
Về phần Văn Phú Invest, cái tên này cũng gây sốt thị trường nhiều ngày qua và đang gây không ít hoài nghi đối với nhà đầu tư. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, mã cổ phiếu VPI của CTCP Đầu tư Văn Phú Invest đã tăng hết biên độ lên 38.500 đồng/CP so với giá tham chiếu 27.600 đồng/cổ phiếu. VPI tiếp tục tăng trần phiên sau đó, tuy nhiên, trái với mức giá tăng nóng, giao dịch chỉ diễn ra ảm đạm, có khi khối lượng khớp lệnh toàn phiên chỉ ở mức vài nghìn đơn vị. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/12, VPI đóng cửa tại mức 40.000 đồng/cp.
Theo bản cáo bạch, tính cả trực tiếp và gián tiếp sở hữu qua THG Holdings, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch Văn Phú Invest sở hữu khoảng 55 triệu cổ phiếu VPI. Vợ và con ông Toàn nắm 4 triệu cổ phiếu mỗi người. Với khoảng 63 triệu cổ phiếu sở hữu, việc VPI tăng "đẹp" đã giúp tài sản gia đình ông Toàn tăng vọt thêm hơn 780 tỷ đồng chỉ trong vài ngày.
Văn Phú Invest – “đại gia tai tiếng” Hiện thị giá của Văn Phú Invest (VPI) đang khá cao so với các cổ phiếu cùng ngành như PDR, LDG, NLG... nhưng xét về “sức khoẻ” doanh nghiệp cũng như hiệu quả kinh doanh, VPI đang có phần “lép vế". Trước khi chào sàn, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017 của Văn Phú bỗng "đẹp lạ" khi tăng trưởng đột biến, lợi nhuận tăng gấp cả chục lần. Thêm vào đó, Văn Phú còn có màn tăng vốn "thần tốc" khi chỉ từ tháng 4-7/2017 đã tăng vốn gấp 6 lần từ 262 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng. Đại gia bất động sản này còn sở hữu "bề dày tai tiếng" gắn liền với các dự án của mình như: Dự án Home City, khu đô thị Văn Phú (Hà Đông)... Với quá khứ không ít lùm xùm và những số liệu "đẹp lạ" trên, giới đầu tư không khỏi nghi ngại về màn chào sàn của Văn Phú. |