Việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hôm 15/8, lần đầu tiên, tổ chức cuộc gặp mặt với đại diện giáo viên và CBCNV ngành giáo dục trên toàn quốc là một sự kiện lớn không chỉ trong ngành, mà nó chiếm được sự quan tâm của xã hội, bởi ngành hiện nay liên quan tới tất cả mọi người dân, mọi giai tầng xã hội chính là giáo dục. Sau giáo dục một tí là y tế. Nói sau bởi có những gia đình rất ít đau ốm, nhưng chưa có ai, gia đình nào không có người đi học.
Lâu nay cũng biết ngành giáo dục rất khó khăn, khó khăn nhiều thứ, chồng chất, dù nhìn qua cứ tưởng đấy là nghề nhẹ nhàng thanh cao và nhàn nhã.
Tôi bỏ ra cả buổi để nghe, và dẫu chả liên quan gì cũng thấy hết sức ngậm ngùi.
Theo thống kê thì trước cuộc gặp mặt này đã có tới hơn 6.200 ý kiến được gửi tới Bộ trưởng, tất nhiên qua bộ máy giúp việc, bản thân cá nhân Bộ trưởng cũng nhận hàng trăm ý kiến gửi trực tiếp cho ông. Các báo cũng vào cuộc đăng tải ý kiến của các nhà giáo. Có nhà giáo đề xuất 7 vấn đề, thấy vấn đề nào cũng nóng bỏng, vấn đề nào cũng thiết thực, vấn đề nào cũng hết sức cần kíp.
Và cũng mới biết, giáo dục thành thị có cái khó của giáo dục thành thị và giáo dục nông thôn miền núi vùng sâu vùng xa có cái khó của nó, tất nhiên sự khó nó lũy thừa hơn nhiều so với đô thị, nhưng không phải là các thành phố lớn không có những khó khăn, rất khó khăn.
Nhiều nhà giáo nêu vấn đề lương, phụ cấp, thu nhập... nhưng thực ra, vấn đề này đã có khung chung, ngành giáo dục không phải là ở bậc lương thấp nhất, nếu không muốn nói là bậc khá trong các thang bậc lương nhà nước.
Nó nằm ở việc khác.
Một mặt là có việc ngành tự làm khó mình. Ví dụ nhiều nhà giáo nêu ra bệnh hình thức, các cuộc thi không sát đời sống nhưng khiến giáo viên rất khổ. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sau đấy giải thích rằng, có nhiều cuộc thi không phải do Bộ tổ chức, Bộ quy định, mà do các ngành khác, và các cuộc thi này thì lãnh đạo trường có quyền quyết định tham gia hay không? Còn các cuộc thi do Bộ chủ trương thì Bộ sẽ cân nhắc nhưng về cơ bản sẽ không từ cực này sang cực kia. Nhưng hình thức nó không chỉ là ở các cuộc thi, mà còn ở nhiều việc khác nữa mà giáo viên rất nhiều lần lên tiếng.
Nhưng mặt khác nữa là do cơ chế. Chính Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có lần phải kêu lên, rằng Bộ có rất nhiều quyền, trừ 2 quyền, biên chế và kinh phí.
Trời ơi, một Bộ lớn như thế, quản nhiều người đến như thế, phải chi tiêu như thế mà Bộ không được quản hai thứ là tiền và nhân lực, thì đúng là... múa tay trong bị.
Một hiệu trưởng giải thích cho tôi: Trường rất thiếu nhưng lại cũng thừa một vài giáo viên nhưng không thể điều tiết được. Ví dụ muốn giáo viên tăng tiết thì phải trả tiền tăng giờ cho họ. Nhưng ngành giáo dục không được quyết điều này mà là... tài chính. Tài chính thì cứ quy, ví dụ trường phải dạy đủ hai ngàn tiết, sau hai ngàn ấy thì mới được tính tiền tăng giờ. Nhưng trong nội bộ thì thực sự chỉ thiếu nội bộ, ví dụ môn toán thiếu nhưng thể dục thừa. Tổng thể vẫn chưa đủ hai ngàn tiết nên không thể chi tiền. Mà không chi tiền thì làm sao huy động được giáo viên tăng tiết.
Nữa là, thiếu giáo viên trầm trọng dẫu về tổng thể có thể đủ hoặc suýt soát. Một hiệu trưởng nhắn cho tôi: “Ví dụ ở Mèo vạc có 2 giáo viên Tiếng Anh nhưng có 29 trường tiểu học cần giáo viên để dạy. Hỏi Bộ thì cũng chỉ "mong muốn", "đề nghị" thôi” chứ chả làm gì được”. Với cơ chế hiện nay, ngành giáo dục phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền địa phương. Ngay hiện nay, đã có chương trình dạy nhạc họa cho học sinh phổ thông trung học nhưng đã có giáo viên đâu?
Một vấn đề nữa giáo viên cũng “tâm tư” tới hoang mang là việc dạy tích hợp. Họ được đào tạo riêng lẻ từng môn, nhưng giờ gộp lại để dạy. Họ phản ánh ngay các thầy soạn sách đi tập huấn cho họ thì cũng thầy môn nào dạy môn ấy, nhưng trò là họ, phải về dạy tích hợp, vừa dạy vừa... toát mồ hôi, vì trò bây giờ nhiều em rất giỏi, thêm nữa, các cháu còn đi học thêm ở ngoài, các thầy bộ môn giỏi, lỡ cắc cớ các em hỏi một câu thì chỉ có... ngắc ngứ.
Vấn đề bạo lực học đường cũng được các nhà giáo nêu ra. Nhưng quả là vấn đề này rất khó, bởi suy cho cùng, thầy cô và học trò cũng là... nạn nhân của các vụ bạo lực. Ngay việc mắc camera trong các lớp học vừa là việc rất văn minh, rất hay rất mới rất hiện đại, nhưng mặt nào đấy cũng là áp lực rất lớn khiến nhiều giáo viên cảm thấy mất tự tin. Chính Bộ trưởng cũng thừa nhận, có gia đình cả nhà ngồi “xem” màn hình, bố mẹ rồi tới ông bà, nhất cử nhất động của giáo viên đều “được” hội đồng này suy xét và nhắn tin ngay tắp lự. Mà không phải phụ huynh nào cũng có quan điểm giáo dục như nhau. Nhiều nhà coi con, cháu mình là những cục vàng, cục kim cương của họ, làm các cục vàng, cục kim cương này không vui là...cô giáo có lỗi với họ.
Có ý kiến sao không giao quyền tự chủ ngành dọc cho giáo dục như quân đội, công an, kho bạc, thuế... thì may ra mới không phải “múa tay trong bị”...
Bộ trưởng Sơn đã rất thẳng thắn và nhạy bén trả lời trực tiếp hầu như tất cả các câu hỏi, dẫu không phải câu hỏi nào của giáo viên từ các đầu cầu cũng hay, cũng mạch lạc dù đã được chuẩn bị. Ông thừa nhận việc dạy tích hợp hiện nay là rất khó khăn dù chủ trương này là hợp lý, nhiều nước đã thực hiện. Ông thông báo ngay và luôn, có thể sau đây một thời gian ngắn sẽ có sự thay đổi ở việc dạy tích hợp ở bậc Trung học cơ sở. Vấn đề là điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn, không ảnh hưởng tới công việc hiện tại. Nhiều giáo viên cho đây là một chủ trương thay đổi hết sức phù hợp trong tình hình hiện nay...
Vân vân....
Tất nhiên ai cũng hiểu cuộc gặp này không phải ngay lập tức giải quyết được rốt ráo các vấn đề còn nhiều mắc míu trong ngành, nhưng qua đây, nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu ra để những người quản lý, đặc biệt là những chuyên gia đề ra chính sách, chương trình... ở cấp vĩ mô hiểu được những vấn đề cụ thể ở cơ sở, và ngược lại, các giáo viên cơ sở cũng biết được những vấn đề vĩ mô của ngành. Và vấn đề là, từ những sự hiểu, cảm thông, chia sẻ ấy, sẽ có những điều chỉnh, từ từng cá nhân nhà giáo tới cả bộ máy, để nền giáo dục của chúng ta tiếp tục hành trình, tất nhiên với sự quyết sách của Nhà nước nữa để ngành khỏi... múa tay trong bị.
Tôi thì thấy, Bộ trưởng nắm vấn đề sâu và kỹ thế thì chắc sẽ có đã có và đang có những quyết sách cho ngành. Tất nhiên không phải cái gì Bộ trưởng cũng quyết được, ví dụ như... biên chế và kinh phí nếu như Nhà nước không có một cơ chế mới cho ngành.
Nhiều người đánh giá cao cái sự “lần đầu tiên” này của Bộ trưởng. Tôi cũng thế.
Tôi cũng tâm đắc với một ý kiến của ông: Chúng ta (tức cán bộ giáo viên trong ngành) nói về mình ít quá, khiến xã hội chưa hiểu hết chúng ta, cả phần chưa được và được.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.