Mười tám năm trước, chia tỉnh Nghệ Tĩnh thành ra tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An. Chúng tôi tay xách, nách mang những quần áo, sách vở về Thị xã Hà Tĩnh. Tôi nhớ hôm ấy mưa lây phây, gió nhẹ như phẩy lông gà, cảm ra được cái dịu ngọt của đất trời. Đứng trước ngôi nhà thấp, dài như một toa tàu, tường lở lói, mái ngói trồi trụt sẽ là trụ sở của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nhà thơ quá cố Xuân Hoài, an ủi chúng tôi: Làm nghề văn chương, nghèo khổ cũng là cảm hứng sáng tạo”. Nói xong thì cười. Ông cười mà lòng tôi thì cứ man mác buồn. Bỗng mong có ai đó đón mình. Mà nào có ai. 15 năm bươn chãi ở Nghệ An có mấy khi về Thị xã - cái Thị xã có tiếng nhỏ bé và vô cùng dịu dàng này đâu. Quá chiều thì nhạc sỹ Ngọc Thịnh đến với chúng tôi.
Ngọc Thịnh - người nhạc sĩ của những khúc dân ca nổi tiếng
Còn nhớ Ngọc Thịnh cao lớn, mặc quần bò vá đụp một miếng nơi đầu gối, áo phông màu cứt ngựa, ống quần và ống tay áo lờm xờm như tóc tai. Nhưng khuôn mặt với những đường nét rõ ràng, hơi chỉn chu; mắt sáng, nụ cười rộng, hồn hậu. Bắt tay mọi người xong, Ngọc Thịnh lôi từ chỗ nào đó sau làn áo phông ra một cái hộp i nốc, dèn dẹt nhỏ như một bàn tay thiếu nữ và một cái chén sứ bằng nửa quả chanh vùng đồi trọc. Thứ hộp đựng rượu thường thấy những gã đội mũ phớt rộng vành cưỡi ngựa đen trong phim phương Tây, còn cái chén giống chén các cụ ngày xưa ngồi xếp bằng trên phản gỗ nhâm nhi trà, ngày nay ít thấy. Cứ thế, đứng giữa sân, dưới mưa bụi mà uống. Mỗi người một chén. Dốc lấy giọt cuối cùng mà uống. Suồng sã mà vẫn lịch lãm chỉ có được ở những con người từng trải. Về sau tôi biết, Ngọc Thịnh từng là công nhân Nhà máy điện Vinh, lái xe trong Trung đoàn 406, Bộ tư lệnh Thiết giáp, trồi trụt trên các tuyến đường Hoàng Liên Sơn. Rồi làm diễn viên. Rồi sáng tác ca khúc.
Ca khúc đầu tiên của Ngọc Thịnh viết năm 1979 có cái tên rất “to tát”: Lê Nin- Hồ Chí Minh. Và nhiều năm sau đó, khi đã thành cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin Thị xã, trước khi vào học Nhạc viện Quốc gia Hà Nội, Ngọc Thịnh sáng tác ca khúc theo bản năng, và cả sự thúc ép của đời thường cơm áo. Ngọc Thịnh nói tôi sáng tác ca khúc cho vợ (ca sỹ Thái Bảo) hát, tôi gãy đàn ghi ta cho các trò chơi sổ số để có tiền. Lại nói Thái Bảo ngoài hát còn đọc quảng cáo phim chiếu trên màn hình video ở các rạp chiếu bóng. Rồi kể chuyện xếp hàng mua gạo, đóng mùn cưa, quạt than... Chuyện cũ mèn, quen nhàm nhưng giọng kể thì làm cho mọi thứ cũ, thứ nhàm thành mới lạ, thứ giọng nhẩn nha, lờ mờ day dứt. Chao ôi cái thời buổi bao cấp gạo châu, củi quế phủ phàng quá.
Những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước ấy, anh em văn nghệ sỹ sống với nhau hồn nhiên vô tư, đứng ở góc nào mà ngẫm khi vui, khi buồn, khi đói khi no, đều ăm ắp tiếng cười. Hội Văn nghệ vỏn vẹn 6 người, như một gia đình. Thì giống thế thật. 6 người ở trong một nhà, ăn chung một mâm, cơm độn mì sợi có bữa mì cục, thức ăn rặt những món quê kiểng những các kho khế, canh rau muống nấu ruốc, bữa sang có thịt ba chỉ rang cháy cạnh. Nhà thơ Xuân Hoài, ngồi ở giữa, như ông bố hiền từ nhỏ nhẹ ăn, nhỏ nhẹ nói, cười còn xúm xít chung quanh là tôi và mấy đứa sàn sàn tuổi nhau: Phan Trung Hiếu, Phạm Việt Thư, Nguyễn văn Hùng, cô Tâm, cô Hà... Thường xuyên đón khách. Khách là hội viên, đủ các chuyên ngành, các lứa tuổi. Râm ran chuyện văn chương. Thường đều là “thiên tài”, bốc nhau lên tận mây. Thì cơm áo nó đì mình xuống thì mình đỡ nhau, tâng nhau lên, chứ văn chương đã đâu vào đâu. May mà ai cũng biết rõ thế. Những cuộc ấy không bao giờ thiếu Ngọc Thịnh.
Anh thường ngồi trong góc, nói ít, con người to lớn như cố thu nhỏ lại, thụt cả cổ vào áo, hàng ria mép giật giật một cách bứt rứt không yên, thỉnh thoảng lại dốc ngược cái hộp đựng rượi nhỏ như bàn tay phụ nữ vào miệng. Dạo ấy đêm sao mà ngắn. Chỉ vì là, vợ con để ở Vinh, mấy thằng độc thân đêm đến là đi. Chúng tôi đi, cứ đi. Những con đường phố lươm nhươm cát sỏi, âm thầm bóng cây và rì rào gió, lê thê giọng đọc thơ của Phạm Việt Thư, lẫn với giọng hát trầm lắng của Ngọc Thịnh. Chừng nửa đêm mới lò mò ai về nhà nấy, tóc tai áo quần đẫm sương và dính đầy hoa keo vàng. Tôi nhớ nhiều bữa, trong nhóm lang thang đêm ấy có cả Thái Bảo, vợ Ngọc Thịnh. Cô ham vui, bỏ cả việc quảng cáo phim vi deo để vui cùng chúng tôi.
Rồi tôi biết thêm, bố Ngọc Thịnh là ông Nguyễn Ngọc Phúc cán bộ Ty thông tin từ sau cách mạng tháng 8- 1945, mẹ là thợ may, anh em Ngọc Thịnh chẳng phải lội đồng cày cấy, gặt hái như tôi. Biết vậy và ngạc nhiên khi nghe Ngọc Thịnh nói về cảnh quê hương, về cái sắc màu, cái mùi vị của bùn, của nước, của hoa lá, của những món ăn đồng chiêm trũng. Mà không chỉ trong câu chuyện có nồng nàn hơi men mà cả trong ca từ của những ca khúc dạo ấy đã có mùi bùn thơm ngấy, màu hoa giong riềng, tiếng côn trùng, tiếng dam bò trong giỏ tre... Thì ra, chưa thành tác giả lớn, chưa là nhà này, nhà nọ, nhưng trong Ngọc Thịnh, thời ấy đã có tố chất của người làm văn chương, nghệ thuật. Cái tố chất ấy từ đâu, do đâu mà có được, tôi không tường tỏ. Chỉ biết những lịch lãm, những trải biết con người chung quan với bao nhiêu là tất bật giữa cuộc sống khó khăn, giữa đận gian nan vì chiến tranh và thiên tai đã làm cho Ngọc Thịnh thành con người như mọi con người, có nhẫn nhục chịu đựng, có gan góc, khảng khái.
Năm tháng qua đi trong bộn bề những lo toan công việc Hội, công việc gia đình, công việc làm văn chương, âm nhạc cuốn tôi và Ngọc Thịnh vào dòng đời trôi chảy, đầy phức tạp và biến ảo. Những đêm lang thang ít đi. Những cuộc rượu ít đi. Những tâng bốc nhau ít đi. Dường như bọn chúng tôi nhận ra còn nhiều thứ quan trọng hơn chưa làm mà thời gian thì nó cứ dưng dửng bóng chim câu. Rồi đến năm 1995 Ngọc Thịnh đi học ở nhạc viện Hà Nội.
Bẵng đi năm năm, Ngọc Thịnh lại trở về với Thị xã Hà Tĩnh. Gặp nhau, nhận ra ăn mặc chải chuốt hơn, tóc bớt bờm xờm và hàng ria mép tỉa xén khá kỹ càng. Sau khi học hành, những sáng tác của Ngọc Thịnh khá hẳn lên. Ngọc Thịnh đã tìm ra đường đi cho mình. Cái nghề làm văn chương, nghệ thuật thật oái oăm và tàn nhẫn. Có người làm hàng chục năm, đẻ ra bao nhiêu là tác phẩm rồi vẫn chưa tìm ra đường đi cho mình. Ấy là chưa kể lạc đường; chọn cho mình cái con đường nó không hợp với cái tố chất, cái tạng của mình. Nhớ có lần, lâu rồi, Ngọc Thịnh nói thủa khó khăn, Ngọc Thịnh đi gãy đàn ghi ta thuê cho đội văn nghệ nghiệp dư, như duyên trời xui gặp được Thái Bảo.
Bữa ấy, Thái Bảo hát bài dân ca Nghệ Tĩnh Giận, thương và Ngọc Thịnh đệm đàn. Ấy là phút đầu tiên Ngọc Thịnh nhận ra sức cuốn hút ma mị của dân ca qua giọng hát của Thái Bảo. Không biết Ngọc Thịnh yêu làn điệu cổ truyền trước hay yêu người thể hiện làn điệu ấy trước nữa; rốt cuộc họ thành vợ chồng. Lại nói, tôi hằng nghĩ, với cái tạng mình phải cắm rễ cảm hứng vào mảnh đất văn nghệ dân gian màu mỡ của Xứ Nghệ may ra mới làm nên tấm, nên miếng. Tôi nói, biết đã khó nhưng biết vẫn dễ hơn làm. Ngọc Thịnh im lặng, hai hàng ria mép cựa quậy. Tôi nghĩ thầm thằng này rồi làm được chuyện. Cứ xem cách nghĩ của hắn, nghe cái lời hắn nói, chừng ra làn điệu dân gian truyền thống xứ này ít nhiều đã ngấm vào tim gan hắn.
Tôi đã nghĩ đúng. Cùng với Vi Phong, Mạnh Chiến, Quốc Nam, Ngọc Thịnh đã sớm biết cảm nhận và tiếp thu sắc thái dân ca của cha ông để có cái đằm thắm của riêng mình. Làm văn nghệ chân chính ai mà không có cái đằm thắm. Nhưng cái đằm thắm/ những tình cảm sâu sắc của Ngọc Thịnh có nét riêng nhờ đối tượng Ngọc Thịnh quan tâm có một bản sắc riêng. Và thêm vào đó là ca từ với chi tiết, hình ảnh đẹp, ngôn ngữ tinh tế. Ví như tiếng đàn Thúy Kiều/ bậc đá trước cổng chùa/ tiếng côn trùng kiên nhẫn/má hồng gục vào mây trắng/ chốn gam màu rơi vãi/ bản em nhịp mùa nghiêng ngã...
Cái tình, trước là cái tình đã cho Ngọc Thịnh có được nhiều thành công trong chặng đường sáng tác giai đoạn 2000 đến nay. Những con số hàng chục ca khúc, nhạc múa, giaỉ thưởng cuộc thi này, cuộc thi kia, giải thưởng Hội Nhạc sỹ Việt Nam chỉ nói lên được một phần; thậm chí là phần nhỏ trong sự nghiệp lao động sáng tạo của một văn nghệ sỹ. Quan trọng hơn, to lớn hơn là tác phẩm của anh được công chúng ưa thích, tác phẩm của anh biểu lộ năng lực sáng tạo mới mẻ theo yêu cầu thẩm mỹ của thời đại. Chưa phải tất cả vậy, nhưng Ngọc Thịnh có vậy.
Có thể phân ra, một sự phân chia mờ nhòe, ca khúc Ngọc Thịnh ra ba mảng: Những ca khúc phát triển chất liệu các làn điệu dân gian là mảng thành công nhất của Ngọc Thịnh với Câu đợi câu chờ/ Ca dao sông quê/ Con nước dòng đời/ Lời quê/ Chùa Hương Tích/ Một chiều Đền Bích Châu/ Mẹ/ Hà Tĩnh quê mình/ Đò dọc sông đêm/ Duyên nợ Nghi Xuân... Chỗ âm hưởng ca trù, chỗ âm hưởng ví đò đưa, chỗ âm hưởng lẩy Kiều... Và chỉ còn thấy âm hưởng dân gian hòa trong cái tình cảm da diết, chân thành vốn là truyền thống của cha ông. Những ca khúc trữ tình và ca khúc mang phong cách nhạc nhẹ với Những cung bậc/ Phút thoáng qua/ Đông muộn/ Tình xuân/ Lời cỏ ngày xuân... Cáichất đa tình, đa cảm và cả đa mang của Ngọc Thịnh rõ nhất ở những ca khúc này. Những ca khúc theo dòng nhạc chính thống với Hát mãi tên Người Hồ Chí Minh/ Trước mộ hoa/ Nét xưa Hà Nội... Kể cả những bài hát viết về những đề tài lịch sử, về lãnh tụ thì ca từ, khúc thức của Ngọc Thịnh vẫn giản dị, khiêm tốn và vẫn có chất đằm thắm vốn là thế mạnh của con người này.
Đời con người thường có những giai đoạn lặp lại ý thích, niềm đam mê. Những năm mấp mé tuổi sáu mươi, tôi lại bỗng thích lang thang, đam mê những cuộc đi chơi. Tôi và Ngọc Thịnh thường đi với nhau. Những cuộc chơi không đầu, không cuối, không địa điểm tính trước, không người dự định gặp. Đi như những kẻ lang thang không nơi nương tựa, không chỗ trú chân. Đi và nghiền ngẫm mọi sự đời thấy ra, nhớ lại. Đi và nhẩn nha kể về những kỷ niệm đã bị thời gian phủ bụi, kể về những ước mơ giản dị, những ước mơ viễn vông, về những mối tình đẹp như thơ và cay đắng như gừng, như ớt...
Không nói chuyện sáng tạo văn chương, âm nhạc và dĩ nhiên không nói chuyện công việc phận sự công chức nhà nước. Sau mỗi chuyến đi, trở về Ngọc Thịnh kẻ bị trầm cảm. Uể oải ra, ngơ ngác ra. Mới hôm kia, sau chặng đường lang thang dọc bờ sông La, ngồi trong quán rượu cạnh rìa đường trắng phớ bụi, Ngọc Thịnh, gõ gõ ngón tay lên chén sứ, mắt ngước lên, hai hàng ria mép cựa quậy nói với tôi, giọng ra vẻ xúc động thật: Cái nhip này là nhịp sóng dưới mái chèo lúc người ấy đưa bọn mình qua sông chiều hôm qua. Rồi đọc:
Nào mấy khúc tình đời/ Người hát rong ngân lên đầy vơi/ Được mất mấy nụ cười/ Quầng thâm trên mắt ai... Người hát rong ngồi với bọn ta ở cổng chợ hôm Đức Thọ, ông nhớ chứ. Tôi nhớ. Những tình cảm chân thành, sâu đậm đến mức cái tình cảm ấy len lỏi vào được trong những góc khuất của một con người, của một cuộc đời, của một cảnh vật cụ thể và rồi nhờ sự chân thành, sâu đậm mà con người, cuộc đời, cảnh vật cụ thể ấy thành ra nhiều con người, nhiều cuộc đời, nhiều cảnh vật, thành ra nguồn cội. Một phần nhờ thế mà âm nhạc Ngọc Thịnh được nhiều người thuộc nhiều thế hệ yêu thích.
Lắng nghe ca khúc "Chớm Đông" của nhạc sĩ Ngọc Thịnh
> Cha đẻ 'Câu đợi câu chờ' lý giải về sự đồng trinh
Nhà văn Đức Ban (Hà Tĩnh)