Giấu bệnh vì nghèo khó
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Trai vào một ngày trời đầy nắng gió. Trong phòng học chưa đầy 15m2, anh từ tốn mời chúng tôi uống trà rồi kể lại cuộc đời của mình. Hồi nhỏ, gia đình anh thuộc dạng nghèo nhất nhì của thôn, ăn thì bữa đói bữa no, nên ký ức tuổi thơ trong anh dường như không có gì vui, ngoài việc suốt ngày ra đồng làm việc.
Anh Trai bị teo cơ từ năm 1981 khi đang theo học lớp 9. Anh kể, lúc đó khi đang đi bộ từ trường về thì thấy chân có biểu hiện lạ, hai đầu gối cứ đập vào nhau liên hồi không còn "nghe lời" anh nữa. Thế nhưng, anh cứ nghĩ là do làm mệt quá nên chân mỏi, về ngủ một giấc thì sẽ hết. Ngờ đâu, sau đó, dần dần, chân bắt đầu trở nên đau nhức, tần suất đập đầu gối lại xuất hiện nhiều lần hơn. Sợ cha mẹ lo lắng và vì gia đình quá nghèo khổ biết chắc sẽ không thể đi chữa trị nên anh đã chịu đau mà giấu kín. "Thời điểm ấy, cái ăn trong nhà còn quá thiếu thốn, cha mẹ phải chạy vạy khắp nơi mới đủ tiền lo cho anh em. Vì thương hai ông bà nên mình nghĩ giấu được lúc nào hay lúc đó, biết đâu trời thương lại tự nhiên khỏi thì sao!", anh Trai kể lại.
Anh Nguyễn Trai đang giảng bài cho các em
Một năm sau, đôi chân đã quá sức chịu đựng, không thể lê bước như anh vẫn cố gắng được nữa. Anh buộc phải bỏ học từ năm lớp 9, ước mơ trở thành thầy giáo ấp ủ từ nhỏ cũng từ đó chôn kín trong lòng. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng vì thương con, mẹ Nguyễn Thị Chấu đã phải bán tháo tất cả những bao lúa vừa thu hoạch, chạy vạy vay mượn bà con hàng xóm để có tiền cho anh chữa trị nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ hơn.
Hàn gắn cuộc đời từ đôi chân tật
Sau một thời gian nằm bệnh, cứ nghĩ cuộc đời mình sẽ thành "phế nhân" rồi sẽ trở thành gánh nặng của gia đình, anh Trai đã quyết tâm tìm lại cuộc đời và những hoài bão trước kia của mình. May mắn đôi tay dần có lại cảm giác, anh nhờ cha cột dây vào trụ giường rồi từ từ tập lại đôi tay. Sức đôi tay đã có, anh tiếp tục từ từ kéo thân hình ngồi dậy rồi sau đó là đôi chân bị teo từ lâu. Sau năm tháng tự tập, anh đã đứng dậy được, nhưng lại khó khăn trong việc ngồi xuống. Một lần nữa, anh dồn hết nghị lực tiếp tục luyện tập thêm ba tháng nữa, để có thể đứng lên ngồi xuống như ý của mình. Ròng rã tám tháng trời tự tập luyện, anh đã trở lại như trước nhưng đôi chân vẫn không thể hồi phục.
Hiện nay, anh di chuyển bằng cách chống hai tay lên cây nạng rồi lê từng bước chân trên nền nhà. Tuy thế, nhưng nụ cười mãn nguyện đã nở trên gương mặt khắc khổ khi anh có thể tự mình làm được những việc cá nhân hằng ngày mà không cần sự trợ giúp của người khác. Cuộc đời không phụ những người biết vươn lên sau gục ngã, giờ đây anh đã đứng được trên chiếc nạng của mình và là chủ một gia đình nhỏ với vợ và một con gái. Cuộc tình đến với anh như một sự đền đáp xứng đáng cho một con người giàu tình cảm và tâm huyết. Anh kể rằng: Tình duyên đối với anh như một cái gì đó rất xa vời và ngay cả trong suy nghĩ, anh cũng không dám mơ là mình sẽ có một mái ấm hạnh phúc.
Và rồi có một người con gái đã cảm động trước hoàn cảnh của anh, trước tình thương mà anh dành cho những đứa trẻ. Chị đã đến và trở thành vợ của anh khi anh chưa kịp tìm hiểu về người con gái ấy. Chị Đặng Thị Ánh, vợ anh tâm sự: "Chắc số phận đã gắn kết tôi và anh ấy. Anh rất thương yêu vợ con, không một tiếng la mắng dù là tôi sai. Thời gian rời lớp anh cùng tôi tưới những luống rau, chăm sóc đứa con nhỏ, điều đó đối với tôi đã hạnh phúc lắm rồi". Hằng ngày chị Ánh phải đi làm thuê nhiều nơi để có thêm thu nhập, phụ giúp chồng nuôi người mẹ già bị liệt đứa con thơ ngày một lớn khôn.
Miền quê đất cát, cuộc sống của các hộ dân nơi đây đa phần là nghèo khó nên việc nhiều em nhỏ không được đến trường là khó tránh khỏi. Sớm hiểu được điều đó, năm 1987 phong trào xóa mù chữ diễn ra mạnh mẽ trong cả nước. Với kiến thức góp nhặt, tích lũy được từ sách vở, anh Trai quyết định mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo. Lúc đầu, vì quá khó khăn nên anh mượn cái lều ở bãi dưa của một người dân để dạy tạm. Tuy phòng học không có, ghế thì cái thấp cái cao, nhiều em phải ngồi dưới đất để học nhưng anh Trai vẫn cố gắng thuyết phục gia đình cho con đi học để biết cái chữ. Ban đầu anh Trai dạy cho những người trong độ tuổi từ 16 đến 20 để theo phong trào xóa mù chữ trong dân của cả nước. Sau đó anh bắt đầu dạy cho các em nhỏ.
Tuy cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng anh vẫn cố gắng gieo con chữ trên miền quê. Điều đáng nói là việc anh Trai làm từ trước đến nay đều miễn phí. Để trả ơn anh, nhiều người đem biếu ít khoai, ít sắn. Mùa vụ đến thì họ đến giúp anh xới đất, gặt lúa hay sửa sang lại nhà cửa trước mùa mưa bão. Hơn 25 năm trong căn phòng nhỏ bé, anh Trai đã giúp cho hàng trăm em biết mặt chữ, con số.
Thương cảnh phòng học chỉ che nắng mà không che được mưa nên một nhà hảo tâm ở Đà Lạt đã gửi tặng anh 28 triệu đồng để sửa sang lại căn nhà làm chỗ dạy học cho mấy em và chỗ ở cho cả gia đình anh. Đối tượng học sinh của anh là con gia đình khó khăn, mấy em bị thiểu năng hay học quá yếu không thể theo kịp trường lớp. Hiện, anh có 26 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. "Học lớp thầy giúp chúng em biết thêm kiến thức. Thầy tận tình chỉ dẫn cho em ngày càng tiến bộ trong học tập. Thầy rất nghiêm trong lúc dạy nên không bạn nào dám nói chuyện", em Võ Văn Nhật (lớp 4) cho biết. Tuy không được đào tạo qua trường lớp sư phạm nhưng lớp học của anh được rất nhiều người dân nơi đây tin cậy…
Du Ngoạn