Tai biến y khoa đáng tiếc, có nơi vì lợi nhuận mà bất chấp vi phạm
Nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít những tai biến liên quan đến thẩm mỹ cũng tăng lên. Tai biến không chỉ từ phẫu thuật, mà các phương pháp khác như tiêm filler, laser, peel da, tiêm botox... đều có nguy cơ xảy ra tai biến, nếu thực hiện tại các cơ sở chưa được cấp phép, không phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện.
Người Đưa Tin cũng đã liên tiếp phản ánh các vi phạm trong hoạt động làm đẹp, thẩm mỹ tại Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Thế nhưng, các chế tài về quản lý vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn quá nhẹ, trong khi nguồn lợi nhuận từ lĩnh vực này mang lại quá lớn khiến không ít doanh nghiệp bất chấp “vượt rào”, ngang nhiên vi phạm, bị xử lý rồi lại tái phạm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Huy Quang – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, cùng với sự phát triển của xã hội, thẩm mỹ là nhu cầu làm đẹp hết sức chính đáng. Tuy nhiên, thời gian qua đã có không ít sự cố liên quan đến việc thẩm mỹ.
Theo ông Quang, cần phân biệt rõ: Bệnh viện thẩm mỹ do Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động; Phòng khám thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép. Nghị định 96 ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định rõ về điều kiện cấp giấy phép hoạt động chung đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, đối với việc hút mỡ bụng, nâng ngực... phải được thực hiện trong bệnh viện. Trong khi đó phòng khám thẩm mỹ cũng cần thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 96, cụ thể, Nghị định nêu rõ:
“Cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ dưới đây hoặc có sử dụng sản phẩm có tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa: Dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể);
Khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người); tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người. Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm”.
Căn cứ quy định trên, những trường hợp được cấp giấy phép và quy định rõ phạm vi hoạt động chuyên môn tại phòng khám thẩm mỹ sẽ được làm gì? Ông Quang cho rằng những người hoạt động tại phòng khám thẩm mỹ đều phải có chứng chỉ hành nghề.
Ông Quang cũng phân tích thêm, những spa, trung tâm thẩm mỹ không do Bộ Y tế cấp giấy phép mà do địa phương cấp. Những đơn vị này chỉ được làm chăm sóc da mặt, không xâm lấn.
“Đối với những spa, thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ... tất cả đều lợi dụng tên của phòng khám thẩm mỹ. Trong khi đó, phạm vi hoạt động của những spa này chỉ chăm sóc ngoài da, còn tiêm botox, filler là không được phép làm”, ông Quang nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng nhìn nhận, chị em phụ nữ ai cũng thích làm đẹp nhưng có không ít người lại ham rẻ, lựa chọn các cơ sở làm đẹp không uy tín dẫn đến “tiền mất tật mang”. Đối với các spa, thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ... cố tình làm sai so với quy định, khi gặp sự cố thì trách nhiệm thuộc về địa phương cấp giấy phép kinh doanh cho cơ sở.
Gợi nhắc lại sai phạm nghiêm trọng tại Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường từng gây rúng động dư luận, ông Quang cho rằng người bệnh cũng không nên “đặt cược” sức khỏe, tính mạng của mình cho những cơ sở không đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng khuyến cáo, khi xác định làm đẹp, đụng đến dao kéo thì cần phải lựa chọn những cơ sở y tế được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động, có phạm vi hoạt động chuyên môn, người làm phải có chứng chỉ hành nghề, thuốc phải trong danh mục, phải có phác đồ điều trị. “Còn vào spa mời bác sĩ đến mổ y như sàn thi đấu thì toi rồi”, ông Quang bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh nhiều trường hợp tử vong, biến chứng là ở đó.
Về hành lang pháp lý, ông Quang cho rằng quy định của pháp luật đã có đầy đủ, vấn đề là tổ chức thực thi như thế nào. Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng khác là các Sở Y tế và cơ quan quản lý cũng nên công khai những cơ sở tin cậy, đầy đủ chức năng, điều kiện; cũng như các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, đã bị xử lý để người dân biết và có sự lựa chọn đúng đắn.
Bài toán kiểm soát để lành mạnh hóa thị trường thẩm mỹ, làm đẹp, ông Quang cho rằng không chỉ riêng ngành y tế, mà các cơ quan chức năng liên quan cũng cần phải vào cuộc, kiểm tra, giám sát.
Quản lý còn lỏng lẻo
Trong khi đó, trao đổi thêm với Người Đưa Tin LS.Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) khẳng định, nhu cầu làm đẹp của mọi người là nhu cầu chính đáng, nhu cầu làm đẹp càng ngày càng cao.
Tuy nhiên, hiện nay không ít người có xu hướng sử dụng dịch vụ giá bình dân, cho nên các cơ sở thẩm mỹ không xâm lấn thì không được phép tiến hành thực hiện tiểu phẫu. Do đó, các biện pháp đề phòng không cao. Theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta có thể thấy có những trường hợp gặp biến chứng, thậm chí tử vong khi thực hiện thẩm mỹ.
Dưới góc độ pháp lý, ông Vinh cho biết quy định của pháp luật về lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ hiện đã có. Như điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động đối với phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ đã được quy định cụ thể trong Thông tư số 41/2015/TT-BYT ngày 16/5/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2011 ngày 14/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cần được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa hoặc khoa phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện đa khoa để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Theo LS.Vinh, hành lang pháp lý về lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ đã có, tuy nhiên việc thực hiện hiện nay chưa tốt. LS.Vinh cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của Bộ Y tế trong công tác quản lý đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Bởi, những việc liên quan đến sức khỏe của người dân đều nằm trong quản lý chuyên ngành.
Theo vị luật sư, trong thực tiễn hiện nay việc quản lý lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn lỏng lẻo. Chưa quản lý được các phòng khám, spa hoạt động “chui” dẫn đến không ít người đã phải mất tiền oan, thậm chí đổi cả tính mạng vì những đơn vị hoạt động không phép, trái pháp luật.
“Cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động này quy định chưa rõ ràng, quản lý các trang thiết bị y tế, các chất làm đẹp, làm đầy, filler... thì ai là người cấp phép?”, ông Vinh băn khoăn. Do đó, LS.Vinh cho rằng cần tăng cường thanh kiểm tra hoạt động làm đẹp, thẩm mỹ. Đồng thời, cần quy định rõ hơn và phân cấp chịu trách nhiệm cụ thể.
“Cần hướng dẫn đầy đủ hơn cho các cơ sở mà không phải là cơ sở y tế phải cấp phép”, ông Vinh nêu và cho biết thêm có thể có những tờ rơi hướng dẫn người dân nên làm đẹp ở đâu trên địa bàn mình sinh sống. Các tờ rơi có thể phòng y tế các quận, huyện làm và phát tới mọi người để nâng cao nhận thức của người có nhu cầu làm đẹp.
Bên cạnh đó, ông Vinh cũng cho rằng có thể nêu một số đơn giá ở mức hợp lý khi làm đẹp, để mọi người dân không nghe theo “làm rẻ chất lượng cao”.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn để quản lý lĩnh vực này.
Hoàng Bích - Kim Thoa
Xử lý nghiêm cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, hoạt động "chui"
Ngày 23/7 vừa qua, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn. Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã nhận được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn.
Theo phản ánh, có nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động "chui", không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh các bệnh viện lớn lừa dối khách hàng và nhiều người đã là nạn nhân của các cơ sở mạo danh này (đối với các tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ như "Thẩm mỹ viện", "Viện thẩm mỹ", "Trung tâm thẩm mỹ"...
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương kiểm tra, xác minh trên địa phương thuộc Sở Y tế quản lý đối với phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trên.
Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động "chui", gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Đồng thời, xử lý theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117 ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96 ngày 30/12/2023 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.