Những ý kiến này đã được đưa ra trao đổi tại Hội thảo "Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai – Đường dài chung bước" diễn ra tại Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vào sáng 3/9. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Chương trình "Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt" do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh tổ chức từ ngày 2/9-4/9.
2/3 khách du lịch lựa chọn điểm đến xuất phát từ cảm hứng điện ảnh
Thông tin này được ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chia sẻ. Theo ông Siêu, thống kê gần đây, 2/3 khách du lịch lựa chọn điểm đến xuất phát từ cảm hứng điện ảnh.
Đối với Việt Nam, tiềm năng này đã được khai phá, bằng chứng là bộ phim "bom tấn" có bối cảnh Việt Nam là "Kong: Skull Island (Kong: Đảo Đầu Lâu) để quảng bá, đưa cảnh đẹp Việt Nam ra thế giới. Những hình ảnh như Sơn Đòong (Quảng Bình); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình... xuất hiện rực rỡ trên những thước phim. Khán giả trầm trò với những cảnh đẹp của đất nước và con người Việt Nam, nhiều du khách tìm đến Việt Nam – chính xác là tới những điểm đến xuất hiện trên phim Kong: Đảo Đầu Lâu.
Xuất hiện trong bối cảnh phim, là cách thức quảng bá du lịch Việt Nam tốt nhất trong thời điểm hiện nay. Bà Mai Thu Huyền - nhà sản xuất phim, chia sẻ, khi đưa những bộ phim ekip của mình sản xuất tới với các liên hoan phim quốc tế, nhiều bè bạn đã ngạc nhiên và phải thốt lên là Việt Nam đẹp quá. "Chi phí để mời các nhà sản xuất quốc tế, các kênh truyền thông nước ngoài về quảng bá cảnh đẹp du lịch Việt Nam rất là tốn kém. Vì thế, việc đưa bối cảnh lên phim trở thành một cách quảng bá du lịch phù hợp, tạo cảm hứng mới mẻ cho du khách, thúc đẩy khách du lịch tìm đến" – bà Huyền chia sẻ.
Cung cấp thêm thông tin về sức hút du lịch đến từ điện ảnh, bà Nguyễn Thị Hoài – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang, cho biết, "sức nóng" của Hà Giang đến từ bối cảnh những bộ phim như "Chuyện của Pao", "Lặng yên dưới vực sâu"... góp phần làm cho du khách biết tới một Hà Giang nhiều màu sắc hơn. Vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, đời sống văn hóa của người dân bản địa, tạo nên một Hà Giang hấp dẫn trên màn ảnh. Những địa điểm quay phim như ngôi nhà của Pao, các danh thắng... của Hà Giang trở thành điểm du lịch, điều này góp phần quảng bá tốt cho du lịch của địa phương.
Tương tự, ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đánh giá, điện ảnh tạo cảm hứng lớn cho du khách tới với một địa phương nào đó. Mà cụ thể là Phú Yên, xuất phát từ bộ phim"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" – một Phú Yên nguyên sơ với vẻ đẹp của biển, của thanh bình của làng chài Bãi Xép đã giúp nhiều người biết vùng đất này. Thương hiệu du lịch của Phú Yên được nhắc tới với cái tên xứ sở hoa vàng, cỏ xanh. "Đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy hiệu quả của quảng bá du lịch thông qua điện ảnh", ông Đào Mỹ nói.
Cần cơ chế hợp tác phù hợp để thúc đẩy phát triển
Hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý và các nhà sản xuất phim đều đồng quan điểm điện ảnh quảng bá du lịch hiệu quả. Tuy nhiên, để kiến tạo được con đường phát triển bền vững, thực sự Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách, đãi ngộ để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển trong lĩnh vực này.
Diễn viên, nhà sản xuất phim Mai Thu Huyền, dẫn chứng, để chọn bối cảnh cho một phim, các đoàn làm phim di chuyển nhiều nơi, lựa chọn nhiều địa phương. Mỗi tỉnh, thành đều có vẻ đẹp, đều có sự độc đáo để xây dựng thành bối cảnh phim. Tuy nhiên, các nhà làm phim muốn hợp tác, lựa chọn với các địa phương có những ưu đãi, có hỗ trợ để thực hiện.
"Chi phí đầu tư sản xuất một bộ phim là rất lớn, trong khi tiềm lực của nhà làm phim Việt còn hạn chế. Do vậy chúng tôi cũng muốn là được hỗ trợ, ví dụ cụ thể như là đầu mối liên hệ trong xin giấy phép sản xuất phim, các ưu đãi về thuế, phí... trong quá trình sản xuất bộ phim"- đạo diễn Charlie Nguyễn, chia sẻ.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, cho hay, nhiều năm qua Phú Thọ chú trọng tới quảng bá du lịch điện ảnh. Tỉnh đã hợp tác với nhiều đoàn làm phim trong nước. Địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn làm phi trong di chuyển, chăm lo sinh hoạt, đảm bảo an ninh an toàn cho các đoàn làm phim. Sở VH-TT&DL của tỉnh luôn đồng hành để hỗ trợ các đoàn làm phim.
Bà Lý Phương Dung – Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ, hiện nay từ Chính phủ tới các địa phương đã có sự quan tâm, hỗ trợ thúc đẩy phát triển quảng bá du lịch bằng điện ảnh. Bộ VH-TT&DL đã có văn bản tham mưu, để Quốc hội ban hành Luật Điện ảnh, tạo cơ chế hỗ trợ cho lĩnh vực này. Hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trong nước đã có sự linh hoạt trong hỗ trợ các đoàn làm phim.
Kinh nghiệm từ các nhà quản lý, chuyên gia quốc tế về quảng bá du lịch điện ảnh
Ông Ek Bunta, Phó Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia: “Campuchia có một cơ quan đầu mối để các đoàn làm phim quốc tế liên hệ. Cơ quan này là nơi tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ cho các đoàn làm phim, tạo thuận lợi cho các đoàn khi chọn Campuchia làm bối cảnh phim”.
Ông Sirisak Koshpasharin - Chuyên gia điện ảnh Thái Lan: “Để thu hút các nhà làm phim quốc tế tới Thái Lan, chúng tôi có cơ quan đầu mối để hỗ trợ các đoàn làm phim liên hệ, trao đổi và hỗ trợ họ. Thêm nữa, ưu đãi về thuế, phí cho các đoàn phim là quan trọng. Thái Lan đã thu hút nhiều nhà làm phim “bom tấn”, chẳng hạn như các nhà làm phim Mỹ tới Thái Lan đã 23 lần, họ lựa chọn Thái Lan làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng, trong đó có bộ phim “Fast &Furious”. Sau bộ phim này, ngành du lịch Thái Lan đón hàng triệu lượt khách, góp phần kích cầu du lịch”.