Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe thích ứng an toàn Covid-19?

Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe thích ứng an toàn Covid-19?

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 4, 24/11/2021 12:08

Bước vào giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe là vấn đề được người dân quan tâm hàng đầu.

Sáng 24/11, tại Tp.HCM diễn ra Hội thảo Bảo vệ sức khỏe – thích ứng an toàn với dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đe dọa sự an toàn của cộng đồng.

Tại Tp.HCM, sau thời gian tạm lắng vào nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11, 2 tuần qua, số ca mới mắc Covid-19, số ca nhập viện mỗi ngày và số ca tử vong đang có dấu hiệu gia tăng.

Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ về chủ đề Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Theo ông Phu, về thời gian ca mắc Covid-19 ủ bệnh, có những ý kiến cho rằng khoảng 2 – 7 ngày, nhưng thực tế cho thấy phổ biến từ 4-5 ngày, cũng có thể kéo dài tới 14 ngày. Thời điểm phát hiện trên mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu dịch họng là khoảng 2-3 ngày trước khi khởi phát.

Trên thực tế, mọi người đều có thể bị nhiễm SARS-CoV-2, tỷ lệ mắc bệnh không có triệu chứng cao, khoảng 40-60% tùy khu vực. Đặc điểm này khác với chủng virus gây ra dịch bệnh SARS năm 2003, tất cả những điểm có bệnh nhân đều có triệu chứng.

Về đặc điểm, dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố đều ghi nhận ca mắc. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố có nguy cơ dịch khác nhau, tỷ lệ mắc và tử vong khác nhau, tỷ lệ tiêm chủng cũng khác nhau.

Nhận định về các giải pháp chuyên môn, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, các giải pháp cần được thực hiện chặt chẽ là ngăn chặn để kiểm soát dịch xâm nhập qua biên giới.

Tiếp đó, cần phát hiện các ca nhiễm qua công tác xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và tiến đến cách ly bằng các hình thức tập trung hoặc tại nhà.

“Việc phong tỏa, cách ly y tế khu vực cần được tiến hành theo nguy cơ với nguyên tắc là nguy cơ đến đâu thì phong toả đến đó. Cố gắng thu hẹp vùng phong tỏa nhất có thể, tránh tình trạng “ngoài chặt trong lỏng” và đảm bảo an sinh xã hội”, ông Phu nói.

Chia sẻ tại hội thảo, TS.BS Đỗ Trọng Khanh, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện FV cho biết, trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 tại Tp.HCM từ tháng 7 đến tháng 9/2021, đơn vị này triển khai song song công tác khám chữa bệnh thông thường và điều trị Covid-19.

“Công tác khám chữa bệnh trong trạng thái bình thường mới được thực hiện theo phương châm đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn bệnh viện theo quy định”, ông Khanh nói.

Tình trạng bệnh nhân điều trị Covid-19 trong tháng 8-9/2021 tại Bệnh viện FV, đơn vị đã thực hiện tổng số 12.423 mẫu xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 2.078, chiếm 16,7% mắc Covid-19.

Bệnh viện tiếp nhận 296 bệnh nhân nội trú, có 197 bệnh nhẹ nội trú, chiếm 66,5%; có 66 bệnh trung bình nội trú, chiếm 22,3% và 33 bệnh nặng nội trú, chiếm 11,1%.

Trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện FV, số ca chữa khỏi xuất viện đạt 73%. Theo thống kê, số ngày nằm viện trung bình các ca bệnh nhẹ là 9 ngày, ca bệnh trung bình là 14 ngày, bệnh nặng 16 ngày.

Sức khỏe - Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe thích ứng an toàn Covid-19?

TS.Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH&NV Tp.HCM trình bày tại hội thảo.

Trong khi đó, TS.Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học KHXH&NV Tp.HCM cho rằng, dịch Covid-19 là khủng hoảng toàn cầu, dẫn tới gia tăng các vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân.

“Ước tính khoảng 10-60% dân số có các triệu chứng rối loạn tâm thần, cao gấp 3 lần so với trước dịch Covid-19. Các rối loạn, vấn đề sức khoẻ tâm thần khởi phát ngay trong dịch như cảm xúc âm tính; nhận thức tiêu cực; trầm cảm; lo âu, hoảng sợ; ám sợ; triệu chứng cơ thể; tự sát... Các rối loạn tâm thần có thể kéo dài, khởi phát kể cả sau dịch đến 2-9 năm gồm trầm cảm; ám ảnh sợ…”, TS. Lê Minh Công nhìn nhận.

Ngoài ra, những yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là giãn cách xã hội, cách ly, dương tính; kiệt sức; khó tiếp cận nguồn an sinh xã hội; tiếp nhận thông tin nhiễu loạn, độc hại; khủng hoảng tài chính và việc làm; mất người thân; lo sợ về tương lai,…cũng được ghi nhận khá phổ biến.

Theo nghiên cứu của TS.Lê Minh Công, có 5 nhóm dễ tổn thương sức khoẻ tâm thần trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 là nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu; trẻ em, nhất là các nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt; công nhân (lao động di cư), lao động phi chính thức; người có vấn đề tâm thần hoặc bệnh nền trước đó; người khuyết tật.

Do đó, cần chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong và sau đại dịch Covid-19 với các đối tượng này bằng cách thúc đẩy nâng cao nhận thức của cộng đồng về dịch Covid-19 và sức khoẻ tâm thần.Việc duy trì, đầu tư, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần trên cơ sở hiện có và mở rộng (nhân lực; mô hình…) cần được quan tâm hơn nữa.

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận gần 1,1 triệu ca mắc Covid-19. Về số ca nhiễm bệnh, Việt Nam đang đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi đó với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 150/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 11.006 ca nhiễm.

Đợt dịch thứ tư từ ngày 27/4 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 người dân và cán bộ chiến sĩ, lực lượng y, bác sĩ trên cả nước. Trong đó, số ca tử vong tại Tp.HCM là hơn 17.000 người, chiếm khoảng 74% tổng số ca tử vong.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.