Nguy cơ thừa cân béo phì
Chia sẻ về "Tác hại tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường và một số thông tin liên quan đến đồ uống có đường" tại Hội thảo về sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá, đồ uống có đường do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng nhấn mạnh đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh không lây nhiễm.
Theo bà Mai, tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên gây nguy cơ thừa cân béo phì, nguy cơ đái tháo đường type 2, hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch; tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và sa sút trí tuệ.
Về xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam, bà Mai cho biết theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng năm 2010, 2020 ở Việt Nam cho thấy tỉ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng.
Tỉ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hoá, tim mạch đang gia tăng. Năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.
Sử dụng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo đó, tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít.
Năm 2013, tỉ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1% (ở nam là 35,1%, nữ là 27,6%). Tỉ lệ này tăng lên 33,9% (37.9% nam và 30,4% nữ) vào năm 2019. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng cho hay, theo khuyến cáo của WHO, lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe; tương đương dưới 25 - 50 g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12 - 25 g đường mỗi ngày với trẻ em.
"Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường", bà Mai nhấn mạnh.
Cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Nói thêm về giải pháp kiểm soát lượng đường tiêu dùng, bà Mai cho biết, chúng ta đã có Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu cần xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.
"Đặc biệt quyết liệt hơn là chúng ta cần có biện pháp áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường trong kế hoạch hành động Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng", bà Mai nói và cho biết đây là căn cứ để làm sao kiểm soát được việc sử dụng đồ uống có đường.
Giải pháp về thuế kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, bà Mai cho rằng điều này sẽ ngăn ngừa được đáng kể các trường hợp thừa cân, béo phì, tiểu đường tuýp 2 và tiết kiệm được chi phí y tế.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chính sách thuế đối với đồ uống có đường là chính sách hiệu quả về mặt kinh tế giúp giảm tiêu dùng đường.
Theo WHO, tăng 10% giá đồ uống có đường qua thuế có thể làm giảm 10-11% mức tiêu thụ, từ đó, giảm thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác. Tính đến tháng 7/2023, đã có 108 quốc gia đánh thuế đối với đồ uống có đường.
Về mức thuế đối với đồ uống có đường, Bộ Y tế cũng đề nghị áp thuế suất 40% đối với nước giải khát có đường (hoặc 30% sau tăng lên 40% theo lộ trình).
Bên cạnh đó, PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng cần giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức và thực hành tiêu dùng hợp lý nhằm giảm tiêu thụ đường.
Theo bà Mai, chúng ta nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.
Đồng thời, hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn …) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, sirô…
Cùng với đó, hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn; không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác, chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng.
Ngoài ra, ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. Lưu ý, đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn.