Cân nhắc việc tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

Cân nhắc việc tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

Đào Lan Anh

Đào Lan Anh

Thứ 4, 14/08/2019 19:25

Sáng 14/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Chính sách - Cân nhắc việc tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp. Ảnh VGP/Lê Sơn

Tăng giờ làm thêm, chủ doanh nghiệp sẽ có lợi hơn?

Trình bày Báo cáo xin ý kiến UBTVQH về một số nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, khi cho ý kiến với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều ĐBQH tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ĐBQH lại cho rằng cần cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động nước ta.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục đề nghị quan tâm đến ý kiến của Ủy ban khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (năm 2002) và thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (năm 2012). Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ rõ, từ phía người lao động cũng có nhu cầu làm thêm giờ, song bản chất là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống. Người sử dụng lao động có nhu cầu này do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm.

Tuy nhiên, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động. Điều đáng quan tâm hơn, theo bà Nguyễn Thúy Anh, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm sẽ tăng gấp 2 lần tổng số giờ làm thêm tối đa trong trường hợp bình thường luật định (200 giờ/năm) và bằng 50 ngày làm việc bình thường (8 giờ/ngày). Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời giờ làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm...

Đại diện cho giới doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong điều kiện hiện nay, phương án tăng khung thỏa thuận thời gian làm thêm giờ được Chính phủ đề xuất sẽ hợp lý hơn so với phương án giảm thời gian làm thêm giờ được Tổng liên đoàn Lao động đưa ra. Ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ, đề xuất giảm thời gian làm thêm nếu đưa ra cách đây 5 năm có thể ủng hộ được, song điều kiện hiện nay không cho phép thực hiện mong muốn này. Bởi hai động lực tăng trưởng chính của nước ta (xuất khẩu và đầu tư) đều giảm sút trong các tháng qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, người lao động và doanh nghiệp cần cùng nhau đồng cam cộng khổ. Khi tình hình cải thiện mới đưa ra mục tiêu giảm thời gian làm thêm”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải băn khoăn với quy định mở rộng khung thỏa thuận thời gian làm thêm tối đa, và đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ nguyên nhân đưa ra đề xuất này. Bởi, dù nhu cầu tăng giờ làm thêm có cả ở khu vực giới chủ và người lao động, nhưng Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lưu ý, nếu phân tích kỹ sẽ thấy có lợi cho chủ doanh nghiệp hơn, vì sẽ giúp không phải tuyển thêm lao động mới, mua bảo hiểm xã hội… tức là giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Trưởng Ban Dân nguyện cũng nhấn mạnh, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Chính sách - Cân nhắc việc tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (Hình 2).

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên họp. Ảnh VGP/Lê Sơn

Tăng giờ làm thêm, người lao động không có thời gian chăm sóc gia đình

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu người lao động làm việc quần quật sẽ không có thời gian chăm sóc gia đình, tái tạo sức lao động, lo cho tương lai của mình. “Đúng là tình hình kinh tế khó khăn, tăng trưởng chậm lại nên phải cân nhắc. Bộ luật Lao động được xây dựng cho một giai đoạn, chứ không chỉ trong trước mắt”. Đưa ra nhận định này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, không đồng tình với việc tăng khung thời gian làm thêm gấp hai lần so với hiện nay, nếu có tăng phải kiểm soát, giám sát chặt chẽ khi thực hiện. Phó Chủ tịch QH cũng gợi mở, chỉ nên tăng thời gian làm thêm lên 44 giờ/tuần, thay vì phương án 48 giờ/tuần như đề xuất của Chính phủ.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban dự kiến chỉnh lý tên gọi của tổ chức đại diện người lao động theo đúng tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW và bổ sung 1 điều quy định về công đoàn cơ sở thuộc tổ chức công đoàn Việt Nam (Điều 173). Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng sẽ tham vấn thêm Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về vấn đề này trong thời gian tới nhằm bảo đảm tính tương thích với các Công ước của ILO.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là cam kết của nước ta khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nói cách khác, việc bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định về tổ chức này là nội luật hóa cam kết quốc tế. Song, vấn đề cần quan tâm là xác định nguyên tắc hoạt động của tổ chức này, mối quan hệ với các tổ chức chính trị-xã hội khác, quản lý Nhà nước... Trong đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) phải quy định rõ chi phí hoạt động của tổ chức đại diện này do người lao động đóng góp, có phải bắt buộc doanh nghiệp đóng góp hay không?

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ ở một doanh nghiệp chỉ có một tổ chức đại diện người lao động hay được thành lập nhiều tổ chức đại diện khác? Một người lao động có được tham gia nhiều tổ chức đại diện không?

Có cùng băn khoăn này, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), văn bản hướng dẫn hay cách tổ chức, chỉ đạo thực hiện phải bảo đảm tổ chức đại diện người lao động, công đoàn và doanh nghiệp đi trên cùng một con thuyền. Quy định về tăng giờ lao động, thành lập tổ chức này vì lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, cũng như lợi ích của đất nước, chứ không phải tạo sự đối lập.

Theo Chính Phủ

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.