Nhức nhối thực trạng “xe khách bỏ bến chạy dù”
Theo thông tin trên Lao Động, tất cả bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội đều đã sụt giảm từ 30 - 50% lượng xe khách liên tỉnh, nhiều xe bỏ bến ra ngoài chạy dù. Chỉ tính riêng Bến xe Nước Ngầm đã có 85 đơn vị với gần 100 nốt xe trên các tuyến từ Hà Nội đi: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Vũng Tàu, Tp.HCM… bỏ bến.
Doanh nghiệp vận tải bỏ bến ra ngoài chạy dù là các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và được cấp phù hiệu hoạt động xe khách tuyến cố định tại các tỉnh trên nên việc cắt nốt (slot), thu hồi phù hiệu không thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội. Do đó, việc xử phạt doanh nghiệp không chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải phải trông chờ vào Sở GTVT nơi doanh nghiệp đăng ký. Không xử phạt được doanh nghiệp, không thu hồi phù hiệu hoạt động, tình trạng xe khách liên tỉnh bỏ bến ra chạy dù bên ngoài sẽ còn tiếp diễn dai dẳng, thách thức nỗ lực giữ gìn trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, lượng xe sụt giảm, chất lượng dịch vụ xe khách liên tỉnh yếu kém, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt từ xe khách trá hình, xe dù, bến cóc cũng đang làm suy yếu dần các doanh nghiệp làm ăn chân chính, đẩy thị trường vận tải khách liên tỉnh đến bờ vực sụp đổ.
"Các xe bỏ bến ra ngoài chạy dù còn tạo nên hiệu ứng xấu, lôi kéo nhiều đơn vị vận tải vào cuộc đua xe dù bến cóc, tiết giảm chi phí bến bãi, vượt tuyến, giành giật khách, kinh doanh chộp giật", một thanh tra giao thông cho biết.
Lái xe Trần Trọng Thanh (Tuyến Hà Nội - Cẩm Phả) thông tin, các xe dù quay vòng trước cửa bến xe Mỹ Đình đón khách ảnh hưởng rất lớn đến những xe chấp hành quy định vào bến đón khách. Nếu tình trạng xe 29 chỗ xuất bến chỉ có 3-4 khách như hiện nay thì rất khó cầm cự vì xe vào bến phải nộp rất nhiều khoản phí. Còn xe dù bến cóc chả mất phí và thu vé theo nhiều hình thức là điều bất công.
Lái xe Nguyễn Văn Xuân chạy tuyến Yên Bái - Mỹ Đình cho hay: “Xe của chúng tôi đăng ký đây là 29 ghế, hôm nào nhiều là được 10 - 12 khách. Với lượng khách chưa được 50% thì không đủ chi phí".
Trên báo Kinh tế và Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cũng bày tỏ quan điểm, Hà Nội có đặc thù riêng là rất đông dân cư, áp lực giao thông vô cùng lớn. Hàng trăm chiếc xe khách bỏ bến cùng hàng nghìn xe khách trá hình đang ngày ngày góp phần làm trầm trọng thêm ùn tắc giao thông trong khu vực đô thị. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc lợi thì doanh nghiệp hưởng, đóng góp cho địa phương khác, còn hệ luỵ thì Thủ đô phải gánh.
Cần sự vào cuộc của Bộ GTVT
Nhiều năm qua, Hà Nội đã phải loay hoay với tình trạng xe khách liên tỉnh do địa phương khác quản lý về chạy dù, gây mất trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Sở GTVT Hà Nội cũng đã nhiều lần ghi nhận vi phạm, gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành phố đối lưu phối hợp xử lý. Vậy tại sao cho đến nay tình trạng này vẫn tồn tại?
Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến Xe nước ngầm (Hà Nội) nhận định, việc xe bỏ bến do công tác quản lý đang còn nhiều bất cập. Nhiều xe do không có khách phải bỏ bến ra ngoài chạy dù, do đó cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát theo đúng các quy định về vận tải.
Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông, TS Khương Kim Tạo, xe khách bỏ bến là hệ quả tất yếu của quá trình tổ chức và quản lý vận tải chưa hiệu quả. Nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông để xử phạt vi phạm các xe hợp đồng ở trên đường sẽ không mang lại hiệu quả.
Đại diện nhà xe Sao Việt, ông Đỗ Văn Bằng thì cho rằng, hiện các Sở GTVT đã làm hết khả năng của mình nhưng chức năng, quyền hạn của các sở không thể bao trùm hết được vì chỉ thực hiện theo Thông tư và Nghị định. Do đó, Bộ GTVT cần có văn bản hướng dẫn và phối hợp với các địa phương để có các phương án tối ưu nhằm quản lý, điều tiết hoạt động của các xe để vừa đảm bảo quản lý tốt nhưng vẫn tạo thuận lợi cho người dân đi lại.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cũng cho rằng, việc Hà Nội liên tục đề nghị các Sở GTVT đối lưu kiểm soát hoạt động của xe khách liên tỉnh, mạnh tay với xe bỏ bến chạy dù, xe khách trá hình nhưng không hiệu quả cũng có phần trách nhiệm của Bộ GTVT.
Đơn cử như một “khe hở” nhỏ trong luật, cho phép xe hoán cải từ trên 10 chỗ xuống dưới 10 chỗ vận chuyển khách liên tỉnh, cũng phải rất nhiều năm mới vừa được bịt lại. Lệnh cấm muộn màng không còn kịp sửa sai nữa, xe limousine đã tràn ngập khắp các địa phương, tăng số lượng lên hàng chục lần trong vài năm qua. Với việc xe limousine, xe ghép rất thuận tiện cho khách vì đón tận nơi trả tận nơi, không mất thời gian và chi phí di chuyển ra bến xe, các xe chạy tuyến cố định rất vất vả và khó khăn để hoạt động tại bến. Do đó, cần có cơ chế mở để xe khách tuyến cố định và các bến xe thu hút được, tăng được khả năng khai thác thì họ vẫn duy trì hoạt động vào bến.
Thêm vào đó, trong khi Hà Nội không đủ thẩm quyền xử lý, các địa phương thờ ơ thì Bộ GTVT lại không có những biện pháp mạnh mẽ, rõ ràng để xử lý vi phạm cũng như quy trách nhiệm các đơn vị, cá nhân buông lỏng quản lý xe chở khách liên tỉnh và xe hợp đồng khi trong tay mình cũng có hệ thống quản lý, giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải trên cả nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa bổ nhiệm tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng - vị tư lệnh mới của ngành GTVT. Nhân dân cũng như các địa phương trong cả nước đang mong chờ Bộ GTVT sẽ có những quyết sách mạnh mẽ, kịp thời để chấm dứt nạn xe dù bến cóc, xe khách trá hình, ngăn thị trường vận tải khách liên tỉnh sụp đổ.
Minh Hoa (t/h)