Cần tách bạch hành vi làm mất bài thi và sửa bài thi
Mới đây, bộ GD&ĐT vừa đưa ra bản Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trong dự thảo có Điều khoản quy định về xử phạt trong thi cử như sau: “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi làm mất bài thi; Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi; Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi hoặc lấy bài của thí sinh này giao cho thí sinh khác; Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định hoặc chấm thi không đúng hướng dẫn…”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, việc quy định cả hành vi làm mất bài thi và hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi vào trong một điều khoản là không phù hợp.
Lý giải về ý kiến này, luật sư Hà Trọng Đại – công ty luật The Light (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Người nào làm mất bài thi thì có thể là không có chủ định hay mục đích gì. Việc làm mất bài thi có thể do lỗi vô ý, cẩu thả gây ra… Còn khi đã “động tay” viết thêm, sửa chữa nội dung bài thi của thí sinh thì xác định ngay lập tức người đó có mục đích, hành vi đã hoàn thành và chắc chắn đã có hậu quả xảy ra. Tỷ lệ rất cao trong việc này là có sự mua bán, trao đổi, tính toán trước. Bắt buộc đối với hành vi viết thêm, sửa chữa bài thi phải áp dụng chế tài xử lý hình sự mới đủ sức răn đe.
Do vậy, theo quan điểm của luật sư Đại, các nhà làm luật cần tách bạch những hành vi này, không thể để chung cùng một điều khoản. Khi xử lý những hành vi này như trong Dự thảo cần phải hết sức thận trọng. Đối với những hành vi viết thêm, sửa chữa nội dung bài thi, sửa điểm bài thi trái quy định hoặc nhập điểm vào máy vi tính không đúng với điểm thực tế của bài thi; đánh tráo bài thi… thì cần phải ưu tiên xử lý hình sự.
Đối với những hành vi có chủ định tác động vào bài thi của thí sinh như trên, nếu chỉ áp dụng chế tài phạt tiền như trong Dự thảo thì sẽ có những người sẵn sàng bỏ ra 300 - 400 triệu, thậm chí là nhiều hơn để lo chạy điểm, chạy trường cho con em họ. Trong khi người vi phạm chỉ bị phạt tiền (tối đa đến 25 triệu đồng), không thấm vào đâu so với số tiền những người này hưởng lợi bất chính thì lúc này không còn là răn đe mà còn tạo điều kiện cho những người này vi phạm. Như vậy, chế tài mà Dự thảo đưa ra là không đủ sức răn đe. Nên quan điểm của luật sư Đại là riêng đối với hành vi sửa chữa vào bài thì bắt buộc phải bị điều tra, khởi tố về mặt hình sự.
Luật sư Đại cho biết thêm, trong trường hợp không xác định được người sửa điểm hưởng lợi vật chất thì có thể bị xử lý về Tội giả mạo trong công tác (Điều 359, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Nếu có căn cứ cho rằng người sửa điểm thi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào khác để thực hiện việc sửa điểm theo yêu cầu thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ theo Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015.
Có phải "hành chính hóa" quan hệ pháp luật hình sự?
Cũng nêu quan điểm về nội dung trong Dự thảo lần này của bộ Giáo dục, Ths. Ls Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nói: "Trong hệ thống các chế tài thì nghiêm khắc nhất là chế tài hình sự. Khi một hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì sẽ phải chịu các chế tài hình sự, bị điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự. Ví dụ hành vi: Đưa, nhận hối lộ, Hành vi làm lộ bí mật nhà nước, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục...".
Đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa được quy định là tội phạm (chưa được mô tả trong Bộ luật hình sự) thì có thể bị xử phạt hành chính. Theo quy định tại Điều 21, luật Xử lý vi phạm hành chính thì có các hình thức xử lý hành chính như sau: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất.
Luật sư Cường cho biết, một hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một lần. Nếu hành vi vi phạm đã bị xử lý hành chính thì sẽ không bị xử lý hình sự đối với hành vi đó. Vì vậy, cùng một hành vi vi phạm như có tính chất mức độ như nhau thì không thể tùy tiện áp dụng hành chính hay hình sự. Về nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và đảm bảo tính khả thi. Nếu một hành vi đã được "hình sự hóa" - được quy định là tội phạm trong bộ luật hình sự thì không được quy định trong các văn bản về xử lý vi phạm hành chính.
Các hành vi như: Sửa bài thi, sửa điểm thi, tiết lộ đề thi... ở các kỳ thi PTTH quốc gia là hành vi vi phạm pháp luật hình sự và đã được quy định trong Bộ luật hình sự thì không được quy định ở các văn bản khác để thêm chế tài hành chính. Chế tài xử lý vi phạm hành chính chỉ được áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà tính chất, mức độ, hậu quả chưa tới mức bị xử lý hình sự.
Bởi vậy, theo quan điểm của luật sư Cường, những quy định về vi phạm quy chế thi của cán bộ, giáo viên nêu trên trong dự thảo cần thận trọng xem xét để tránh việc nghị định (văn bản dưới luật) là "hành chính hóa" quan hệ pháp luật hình sự. Những hành vi nào đã được xác định là tội phạm thì không được phép áp dụng chế tài hành chính.