Cảng cá bồi lắng, tàu thuyền không có chỗ cập bến

Cảng cá bồi lắng, tàu thuyền không có chỗ cập bến

Bùi Thị Ngân

Bùi Thị Ngân

Thứ 3, 03/10/2023 10:54

Nhiều năm qua, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại Hà Tĩnh bị bồi lắng khiến tàu, thuyền không có chỗ cập cảng nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý.

Cảng cá bồi lắng

Hiện, Ban quản lý (BQL) các cảng cá Hà Tĩnh đang quản lý 2 cảng cá là cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) và Cửa Sót (huyện Lộc Hà); 4 khu neo đậu tránh trú bão: Cửa Hội – Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân), Cửa Sót (huyện Lộc Hà), Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh). Tất cả 6 khu vực neo đậu, tránh trú bão trên đều bị bồi lắng, nghiêm trọng nhất là cảng cá Xuân Hội và khu neo đậu tránh trú bão Xuân Hội.

Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động buôn bán hải sản của ngư dân và thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão.

Dân sinh - Cảng cá bồi lắng, tàu thuyền không có chỗ cập bến

Cảng cá Xuân Hội, hiện đã bị cát, bùn bồi lắng 3/4 cầu cảng.

Ghi nhận của Người Đưa Tin tại cảng cá Cửa Sót, hiện, khoảng 2 km luồng lạch ra vào bến cảng và khu neo đậu đang dần bị thu hẹp, thủy triều vừa xuống nhiều đoạn trơ đáy, khiến tình trạng tàu thuyền mắc cạn diễn ra thường xuyên, gây hư hỏng phương tiện.

Ngư dân Phan Văn Nam, trú huyện Lộc Hà cho biết, tàu cá của anh dài hơn 15m, đánh cá vùng lộng. Mấy năm nay, do luồng vào cảng bị bồi lắng tàu không vào sát bờ được nên anh phải thuê tàu nhỏ trung chuyển cá vào cầu cảng để bán, chi phí đội lên nhiều nên hiệu quả kinh tế giảm.

Không chỉ khó khăn, đội chi phí trong hoạt động sản xuất, thực trạng bồi lắng nghiêm trọng tại cảng cá Xuân Hội và lối vào khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân cũng khiến ngư dân hết sức bất an, nhất là trong những tháng mưa bão.

Dân sinh - Cảng cá bồi lắng, tàu thuyền không có chỗ cập bến (Hình 2).

Thực trạng bồi lắng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động buôn bán hải sản của ngư dân.

“Ngư dân muốn đưa tàu vào neo đậu phải chờ thủy triều lên và đưa tàu ra khơi trước khi thủy triều xuống. Những lúc thủy triều xuống, ở khu vực luồng ra vào nổi lên những bãi cát lớn, dòng chảy bị bó hẹp chỉ còn vài chục mét, mực nước rất nông. Mỗi khi báo bão, chúng tôi lo nhất là làm sao vào cập cảng”, anh Nam nói.

Còn ngư dân Nguyễn Xuân Huấn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân cho hay, nhiều năm nay cộng đồng ngư dân trên địa bàn đã kiến nghị các cấp, các ngành sớm nạo vét cảng cá và khu neo đậu, tạo điều kiện cho ngư dân an tâm bám biển nhưng hàng năm nếu có nạo vét cũng chỉ làm được một góc nhỏ nên thực trạng bồi lắng không được giải quyết triệt để. Mỗi khi có bão, tàu, thuyền của ngư dân lại phải đi trú nhờ các khu neo đậu tránh trú tại tỉnh Nghệ An.

Tàu mắc cạn không thể ra khơi

Tại khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cũng xảy ra thực trạng bồi lắng nghiêm trọng.

Theo ngư dân Trần Văn Bình, xã Kỳ Hà, âu thuyền dang dở, luồng lạch cạn trơ nên khi gặp thời tiết xấu tàu công suất lớn không vào được. Nếu muốn ra phải đợi lúc thủy triều lên cao để tránh bị gãy chân vịt, hoặc mắc cạn. Nhiều tàu lớn đánh bắt xa bờ khi nghe thông tin mưa bão thì vào Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An tránh trú chứ không về khu neo đậu Kỳ Hà vì sợ không vào được bờ.

Dân sinh - Cảng cá bồi lắng, tàu thuyền không có chỗ cập bến (Hình 3).

Nhiều tàu công suất lớn bị hư hỏng chân vịt do "mắc cạn". 

“Hàng năm chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai cho mọi tình huống; trong đó, tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác cho cộng đồng, luôn trong trạng thái sẵn sàng “4 tại chỗ”, có phương án phối hợp di dời ngư dân tại thuyền đến nơi an toàn, tổ chức giằng néo tàu thuyền trong khu tránh trú, đảm bảo an ninh trật tự tại các cảng và khu neo đậu. Tuy nhiên về lâu dài cần đầu tư các dự án nạo vét cảng và khu neo đậu thường xuyên nhằm giải quyết triệt để vấn đề”, vị lãnh đạo BQL cảng cá Hà Tĩnh nói.

Cũng theo vị này, mỗi năm, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới nên việc bị bồi lắng như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý của đơn vị cũng như hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn của ngư dân.

Dân sinh - Cảng cá bồi lắng, tàu thuyền không có chỗ cập bến (Hình 4).

Tàu thuyền “mắc cạn”.

Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2021, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã có Tờ trình về việc xin chủ trương đầu tư dự án “Duy tu nạo vét luồng, vùng nước trước cảng tại cảng Cửa Sót” từ nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông năm 2022 nhưng chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận.

Từ đó đến nay, không chỉ cảng Cửa Sót bị bồi lắng mà 6/6 cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn toàn tỉnh đều lâm cảnh “mắc cạn” và đang bế tắc trước việc tạo môi trường thuận lợi cho ngư dân an tâm bám biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền trong mùa mưa bão.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.