"Tâm điểm" thu hút đầu tư, kết nối vùng
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Cảng HKQT Long Thành) hiện là công trình trọng điểm quốc gia, nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực và thu hút đầu tư, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Cảng HKQT Long Thành là dự án quan trọng quốc gia đầu tư xây dựng mới, với tổng công suất 3 giai đoạn là 100 triệu hành khách/năm, 4 đường cất hạ cánh.
ACV được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện dự án Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 99 nghìn tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD) với quy mô 01 nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm.
Với việc Cảng HKQT Long Thành đang được triển khai xây dựng, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định khi sân bay đang và sẽ hình thành trong tương lai, khu vực quanh sân bay và những vùng lân cận sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp, logistic.
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, hiện nay những khu vực nằm liền kề Cảng HKQT Long Thành xuất hiện nhiều dự án nhà ở rộng hàng chục, hàng trăm hecta, nằm trong khu vực huyện Long Thành hoặc huyện Nhơn Trạch, với kết nối tới khu vực cảng hàng không trong thời gian từ 20 - 35p.
Cảng này được UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh của tỉnh này trong lĩnh vực đầu tư, thương mại; trở thành cửa ngõ hàng không quan trọng đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam; tạo điều kiện quảng bá, giao lưu văn hoá; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam.
Góp phần làm giảm áp lực ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, tiết kiệm chi phí xã hội, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường hàng không; giảm ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, khí thải, chất thải từ hoạt động của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn địa ốc Kim Oanh nhận định: "Tầm nhìn hiện nay là thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm). Đồng thời, xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon.
Đồng Nai là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực phía Nam. Trong đó, có công trình trọng điểm như sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến đường kết nối đi qua các tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Dây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành… Với những lợi thế đó, khu vực trên là miền đất hứa của các doanh nghiệp".
Phát biểu tại buổi lễ công bố quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh uỷ, tỉnh Đồng Nai chia sẻ: "Quy hoạch tỉnh Đồng Nai được xây dựng trên cơ sở tính toán trong tổng thể chung của vùng Đông Nam bộ dựa theo lợi thế, tiềm năng của từng địa phương và của tỉnh Đồng Nai.
Với nền tảng đó, Đồng Nai sẽ phát triển dựa trên sự hợp tác liên kết chặt chẽ với các địa phương trong Vùng, khu vực, phát huy tối đa các điều kiện, các lợi thế của tỉnh đã được xác định".
"Đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thành phố Sân bay gắn với sân bay quốc tế Long Thành; Chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai nhanh chóng triển khai, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối Vùng như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, hệ thống đường tỉnh kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Vùng, góp phần cho sự phát triển phồn vinh của quốc gia", ông Lĩnh nhận định.
Đẩy nhanh tốc độ xây dựng, Cảng sẽ đáp ứng hàng ngàn việc làm
Không chỉ là một trong những "biểu tượng" của tỉnh Đồng Nai, Cảng HKQT Long Thành cũng được kỳ vọng và đánh giá là "tâm điểm" của vùng Đông Nam Bộ khi cảng này xây dựng xong và đi vào hoạt động.
Ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết: Quán triệt tinh thần của Thủ tướng Chính phủ "chỉ bàn làm, không bàn lùi", ACV và các nhà thầu liên tục thi công "3 ca 4 kíp", "làm việc xuyên lễ Tết, xuyên ngày nghỉ" đến nay tháng 9/2024, toàn công trường đã đạt hơn 10 triệu giờ lao động an toàn.
Riêng hạng mục nhà ga hành khách đạt 5,8 triệu giờ thi công an toàn. Các hạng mục chính như Nhà ga đã hoàn thành kết cấu bê tông cốt thép, đang thi công kết cấu thép mái. Đường cất hạ cánh đã hoàn thành lớp nền, móng, đang thi công lớp mặt với tiến độ hoàn thành khai thác kỹ thuật trước vào 30/4/2025.
Với nhịp độ thi công như trên, dự kiến toàn bộ phần thô công trường sẽ hoàn thành trong năm 2025. Hoàn thiện năm 2026, bao gồm lắp đặt thiết bị, hoàn thiện nội thất, khớp nối kỹ thuật các hạng mục công trình đưa vào khai thác đảm bảo bám sát cam kết của Tổng công ty với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Vũ Thế Phiệt, dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành hàng không Việt Nam, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.
"Cảng HKQT Long Thành là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực của nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.
Theo tính toán của Tư vấn quốc tế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đóng góp trực tiếp của dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 là khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm cho khu vực Đồng Nai. Trong đó, năm 2026 khi đưa dự án vào hoạt động cần hơn 13.000 lao động trực tiếp tại Cảng hàng không Long Thành", Chủ tịch ACV cho biết.
Ngoài ra, theo ACV, Cảng HKQT Long Thành sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và nâng cao tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm xã hội (GDP vùng) của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Riêng tỉnh Đồng Nai, dự kiến dự án sẽ đóng góp trực tiếp từ 3 đến 5% GDP của tỉnh. Theo tính toán của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO, 1USD đầu tư vào hàng không, 1 việc làm hàng không kéo theo 325 USD và 6 việc làm ngành kinh tế khác ngoài hàng không.
Được biết, tỉnh Đồng Nai đã nghiên cứu chuẩn bị phát triển vùng sân bay khoảng 30.000 ha với trung tâm là 5.000ha Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm các khu công nghiệp công nghệ cao, hoạt động logistics, khu thương mại, dịch vụ, du lịch …
Ngoài ra, việc hình thành phát triển đô thị thành phố sân bay hiện đại, đa dạng, công nghệ và chất lượng cao, tập trung lao động có tay nghề cao không những tạo ra cơ sở vật chất trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa mà còn góp phần to lớn trong việc tái cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ của nền kinh tế.
Theo thông tin chia sẻ từ ông Phiệt, để hoàn thành dự án đúng tiến độ đưa dự án vào khai thác năm 2026, khối lượng công việc phía trước vẫn còn rất lớn với nhiều thách thức về kỹ thuật, rủi do về thiên tai, khó khăn về biến động thị trường.
Ngoài nỗ lực quyết tâm của tập thể lãnh đạo cán bộ, nhân viên người lao động, Tổng công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng hành của các Bộ, các ban ngành, Chính quyền địa phương tỉnh Đồng Nai và sự ủng hộ to lớn của nhân dân xung quanh vùng dự án.
Chiều 24/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kiểm tra tiến độ thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là lần thứ 4 Thủ tướng có mặt tại dự án để kiểm tra.
Thủ tướng đánh giá tiến độ đã cơ bản ổn, lạc quan hơn những lần trước nhưng không thể chủ quan vì thời tiết còn nhiều khắc nghiệt. Đồng Nai cũng đã nỗ lực rất lớn, bàn giao 5.000ha đất, trong đó người dân hy sinh rất nhiều khi đã nhường nơi ở, canh tác cho dự án để bàn giao mặt bằng cho công trình.
Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chuẩn bị hồ sơ gửi thẩm định một số hạng mục của thành phần 4 chậm nhất trong 2 tuần tới.
Ngoài ra, cũng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại thủ tục mở rộng cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nghiên cứu metro, tàu điện ngầm... để kết nối sân bay Long Thành - Biên Hòa - Tân Sơn Nhất, nối 3 tam giác này với nhau.