Đủ chiêu trò lừa đảo người dân
Chia sẻ với Người Đưa Tin, anh Nguyên (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết, trong sáng ngày 7/12, tôi nhận được một cuộc điện thoại đầu số 0886, xưng là nhân viên điện lực thông báo chưa thanh toán tiền điện.
"Tôi trả lời rằng đã thanh toán qua hệ thông ngân hàng rồi, tuy nhiên người này khẳng định EVN chưa cập nhật được và đề nghị tôi liên lạc với kế toán để hỗ trợ, nếu không sẽ cắt điện. Người này cho tôi số điện thoại đầu số 037, tiếp tục liên hệ với số trên thì được người tên Hoa thông báo sẽ ngắt điện nếu không cung cấp hóa đơn thanh toán.
Sau đó cô này tiếp tục hỗ trợ tôi cập nhật app để thanh toán tiền điện cho các lần sau (không qua ngân hàng). Tuy nhiên, tôi nhận ra có nhiều nghi vấn nên không làm theo các thao tác hướng dẫn mà yêu cầu họ cứ cắt điện, tôi sẽ làm việc với đơn vị điện lực nơi tôi đã làm hợp đồng mua bán điện thì người này cúp máy", anh Nguyên kể.
Một trường hợp khác là chị Võ T.T. (ngụ phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) cho biết: "Gia đình tôi kinh doanh quán cơm nên thường rất bận, mọi lần đều có nhân viện điện lực đến đo điện và thông báo thanh toán tiền qua tài khoản app.
Tuy nhiên vào đầu tháng 12/2024, tôi nhận được điện thoại của một người nói là nhân viên điện lực của Tp.Thủ Đức, yêu cầu nhà chúng tôi quét mã QR để tải phần mềm hỗ trợ miễn phí và tích điểm trong việc thanh toán tiền điện. Người này nói đây là quyền lợi sau này sẽ áp dụng cho việc đóng tiền nên ai cũng phải tải và làm theo.
Sau khi tải xong, người đàn ông nói tôi thực hiện theo hướng dẫn như nhập căn cước công dân, chụp ảnh mặt để xác thực.
Trong quá trình tôi đang làm theo các bước thì chồng tôi phát hiện nên đã cảnh báo. Tôi lập tức xóa app và tìm hiểu các thông tin thì mới biết đây là một trong những hình thức lừa đảo".
Một trường hợp khác là bà Huỳnh Thu Hoa (ngụ quận Bình Thạnh) cũng nhận được điện thoại của nhân viên điện lực thông báo làm hồ sơ điện tử của bà chưa đủ, cần nhập thêm giấy tờ tùy thân để cập nhật theo hợp đồng mua bán điện.
Bà Hoa phải thực hiện kết bạn Zalo, tham gia vào đường link, khi bấm vào đường link này thì hiện ra mã QR chuyển tiền. Bà Hoa bấm vào mã QR, nhưng may mắn điện thoại không liên kết được với tài khoản ngân hàng nên không bị mất tiền.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, không chỉ với hình thức gọi điện, hướng dẫn tải app, dọa cắt điện để lừa đảo người dân. Hiện nay hình thức lừa của các đối tượng ngày càng tinh vi.
Nhóm này còn có thể cung cấp cả văn bản giả mạo thương hiệu, con dấu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hướng dẫn khách hàng cách "chuyển tiền điện"; Mạo danh giấy tờ của các công ty thành viên để tìm mọi cách thu thập thông tin mã OTP, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của người dân để chiếm đoạt tài sản.
Nhiều lưu ý cho người dân để tranh không bị lừa đảo
Liên quan đến những phản ánh của người dân về tình trạng tự xưng nhân viên điện lực, gọi điện làm phiền, lừa đảo người dân, trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Trung tâm chăm sóc khách hàng của Điện lực Tp.HCM (EVNHCMC) cho biết, trong thời gian qua đơn vị này liên tục ghi nhận nhiều trường hợp khách hàng phản ánh có các số điện thoại gọi yêu cầu khách hàng tải app, kết bạn zalo, nhận đường link để được hoàn, giảm 20% tiền điện.
Ngành điện khẳng định, đây đều là các hình thức giả danh nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVNHCMC với mục đích lừa đảo khách hàng sử dụng điện để chiếm đoạt tài sản.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Ban Truyền thông EVNHCMC thông tin: "Trong thời gian qua, khách hàng đã gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng phản ánh về tình trạng nhân viên điện lực gọi điện làm phiền, yêu cầu cài app trong điện thoại và dọa sẽ cắt điện. Tuy nhiên, chúng tôi giải thích rất cặn kẽ cho người dân để tránh hiểu nhầm và ngoài ra còn hỗ trợ khách hàng trong việc cảnh giác ngăn chặn các đối tượng mạo danh lừa đảo".
"Các đối tượng mạo danh thường gọi điện, nhắn tin thông báo chưa đóng tiền, đóng thiếu, đóng sai quy định, thông tin cập nhật không chính xác… sau khi khiến tâm lý khách hàng hoang mang thì nhóm này mới yêu cầu khách hàng kết bạn qua Zalo để hỗ trợ kỹ thuật rồi gửi một đường link, đề nghị khách hàng kích hoạt vào link này để điều chỉnh thông tin rồi dẫn dắt người dân làm theo để lừa đảo chiếm đoạt tiền", ông Hưng cho hay.
Ông Hưng khẳng định: "Hiện nay. ngành điện Tp.HCM không giao dịch với khách hàng qua Zalo, Khi gọi điện thoại cho khách hàng luôn sử dụng tên thương hiệu (brandname) của EVNHCMC và ngành điện TpHCM không yêu cầu khách hàng trả tiền điện vào tài khoản cá nhân".
Trao đổi với PV, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết: "Nạn mạo danh nhân viên ngành điện được tuyên truyền phổ biến rộng rãi để đề phòng nhưng nhiều người dân, khách hàng vẫn bị lừa do nhẹ dạ, chính vì vậy EVNHCMC luôn quán triệt cán bộ nhân viên thực hiện nghiêm túc các giao dịch, thái độ nghiêm túc với khách hàng. Ngoài ra, tổng công ty đã có văn bản gửi Công an Tp.Hồ Chí Minh để điều tra và cảnh báo cho người dân nâng cao cảnh giác".
EVNHCMC khuyến cáo tới khách hàng, chỉ đóng tiền điện qua các kênh chính thống mà người dân đã làm việc với điện lực thông qua hợp đồng mua bán điện, hoặc các ngân hàng đã thanh toán cho điện lực trước đó.
Nếu trường hợp phát hiện nghi vấn thì nên gọi điện tới trung tâm chăm sóc khách hàng qua số 1900545454 sẽ có nhân viên điện lực tư vấn cho người dân ngay lập tức.
Để không bị rủi ro đối với các cuộc gọi mạo danh ngành điện, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng thanh toán tiền điện đúng hạn qua các kênh thanh toán điện tử tin cậy, an toàn như: ứng dụng EVNHCMC, ví điện tử, Internet/SMS/Mobile Banking, website/ứng dụng của các ngân hàng (đặc biệt qua hình thức trích nợ tự động của ngân hàng).
Ngoài ra, khách hàng có thể thanh toán tiền điện trực tiếp tại các điểm giao dịch ngân hàng, các điểm thu cửa hàng tiện lợi 24/7, siêu thị…