Báo Dân Trí đưa tin, cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) đưa ra cảnh báo sau 2 vụ ngộ độc cá hồng xảy ra tại Bình Thuận khiến 23 người nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mạch loạn nhịp, chậm nhịp tim.
Được biết qua quá trình xét nghiệm, cả hai mẫu cá đều có chứa chất ciguatera vượt ngưỡng an toàn sử dụng. Đó chính là nguyên nhân khiến những người ăn cá hồng rơi vào tình trạng ngộ độc.
Cá hồng là loài vật ăn tảo, nhiều người lầm tưởng rằng đây là thức ăn lành tính tuy nhiên nếu cá hồng ăn phải những loài tảo có chứa độc tố ở các rặng san hô thì chính con cá ấy lại là liều thuốc độc nguy hiểm.
Ngộ độc ciguatera từ cá một loại ngộ độc phổ biến do ăn phải cá biển nhiệt đới và cận nhiệt đới đã tích tụ ciguatoxins trong chế độ ăn của chúng.
Chất độc được tích tụ trong gan, ruột, đầu hay trứng cá. Những con cá lớn có thể bị nhiễm độc khi ăn cá nhỏ ăn phải các loại tảo độc ở khu vực này. Độc tố ciguatera đặc biệt nguy hiểm vì nó bền nhiệt, không bị phân hủy dưới nhiệt độ cao, trong quá trình nấu nướng.
Chúng ta không thể nhận biết một loại cá có chứa ciguatoxins hay không nếu chỉ dựa trên vẻ ngoài hoặc mùi vị; cách duy nhất để biết đó là kiểm tra trong phòng thí nghiệm chuyên nghiệp.
Người bị nhiễm độc ciguatoxins xuất hiện triệu chứng từ 2 giờ đến 30 giờ.
Triệu chứng và dấu hiệu có thể bao gồm tê và ngứa ran xung quanh miệng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ và khớp, nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, nhịp tim chậm hoặc nhanh, huyết áp thấp và trở nên cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ (người bị ngộ độc có thể cảm thấy như bị đốt hoặc như sốc điện), tê và ngứa ran ở các chi.
Vì thế, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, không nên ăn các loại hải sản sống ở vùng nước bị nghi ô nhiễm.
Không ăn đầu, trứng, gan cá sống ở vùng biển nước ấm vì chất độc ciguatera thường tập trung ở những bộ phận này.
Trang Dung (Tổng hợp)