Giao thông là một vấn đề đau đầu, không chỉ với những người ngồi sau tay lái. Những ngả đường kẹt cứng đã trở thành mối đe dọa ngày càng tăng về kinh tế, sức khỏe và môi trường đối với xã hội.
Nhằm mục tiêu hạn chế tình trạng tắc đường, cải thiện chất lượng không khí đồng thời lấp đầy kho bạc nhà nước, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra giải pháp tính “phí tắc nghẽn”, hay còn gọi là phí vào khu vực nội đô. Mức phí này được áp dụng đối với tài xế đi vào khu vực trung tâm thành phố vào một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt là giờ cao điểm.
“Phí tắc nghẽn” ở những thành phố lớn
Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện tính phí vào nội đô thông qua Hệ thống Cấp phép Khu vực (ALS) vào năm 1975. Nhằm cải thiện chất lượng của hệ thống thâm dụng lao động này, đảo quốc sư tử đã cho ra mắt Hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP) vào năm 1998. Ngày nay, hệ thống này tự động áp phí cho tài xế lưu thông trên đường dựa trên vị trí, thời điểm, loại xe và tốc độ thực tế của họ.
Thời gian tính phí ở khu nội đô Singapore là từ 7h sáng đến 7h tối (từ thứ Hai đến thứ Sáu), với mức phí dao động từ 0 – 2 USD/lượt. Đối với đường cao tốc, mức phí được áp vào các ngày trong tuần từ 7h sáng đến 9h30 sáng, dao động từ 0 – 4 USD. Ngoài ra, một số con phố huyết mạch cũng tính phí từ 0 – 0,8 USD từ 7h sáng - 9h30 sáng các ngày trong tuần.
Hệ thống ERP của Singapore là nguồn cảm hứng để các quan chức London quyết định áp dụng thu phí vào nội đô kể từ ngày 17/2/2003. Dần dần, hệ thống thu phí vào nội đô của London đã trở thành hệ thống nổi tiếng nhất phương Tây. Mặc dù phức tạp hơn về mặt kỹ thuật so với hệ thống của Singapore, nhưng hệ thống của London đã có mức độ thành công tương tự trong việc giảm lượng người đến các khu trung tâm thương mại.
Ban đầu, một khoản phí cố định được áp cho các phương tiện ra vào khu vực thu phí trong khoảng thời gian từ 7h sáng đến 6h30 chiều các ngày trong tuần, trừ thứ Bảy và Chủ Nhật. Cư dân thành phố được giảm giá 90% và người khuyết tật được ra vào khu vực giới hạn miễn phí. Các phương tiện dịch vụ khẩn cấp, xe máy, taxi và xe nhỏ được miễn.
Sau vài lần thay đổi, từ tháng 6/2020, mức phí này đã tăng lên thành khoảng 15 bảng Anh, áp dụng từ 7h sáng đến 10h đêm tất cả các ngày, trừ Giáng Sinh.
Tài xế có thể thanh toán phí vào nội đô London qua điện thoại, tin nhắn văn bản, qua mạng và qua bưu điện, hoặc đăng ký thanh toán tự động.
Thành phố tiếp theo áp dụng phí tắc nghẽn là Stockholm, Thụy Điển. Stockholm được xây dựng trên một bến cảng, tất cả các mặt đều có hồ, do đó hầu hết người đi vào thành phố phải băng qua những cây cầu chật ních xe cộ.
Mặc dù có hệ thống giao thông công cộng tốt và dân số tương đối ít, nhưng tình trạng ách tắc giao thông ở Stockholm vẫn không kém gì London hay Paris. Trước khi thu phí tắc nghẽn, những tuyến đường xung quanh khu vực nội đô Stockholm đã có 530.000 phương tiện và 800.000 hành khách qua lại mỗi ngày.
Phí vào nội đô Stockholm lần đầu tiên được đưa ra thử nghiệm từ ngày 3/1/2006 đến ngày 31/7/2006. Một tháng sau khi tổ chức trưng cầu dân ý vào tháng 9/2006, chính phủ Thụy Điển tuyên bố áp dụng loại phí này ở Stockholm trong nửa đầu năm 2007.
Số tiền phải trả tùy thuộc vào thời gian tài xế ra vào khu vực tính phí, tối đa là 60 SEK (hơn 5 USD)/xe/ngày. Tài xế có thể trả phí online, bằng thẻ tín dụng, hoặc thanh toán tại bất kỳ cửa hàng tiện lợi 7-11 và Pressbyrån nào trong thành phố.
Nếu phí không được thanh toán trong vòng 5 ngày, thông báo nhắc nhở sẽ được gửi tới tài xế. Nếu cuối cùng tài xế vẫn không chịu thanh toán, tài khoản của họ sẽ tự động bị xóa khỏi hệ thống.
Tại Mỹ, Cơ quan Giao thông Đô thị New York đã đưa ra kế hoạch tính phí vào nội đô đối với tài xế ra vào khu thương mại trung tâm của Manhattan.
Mức phí có thể dao động từ 17 USD trong giờ thấp điểm và 23 USD trong giờ cao điểm đối với chủ sở hữu tài khoản E-ZPass (hệ thống trả phí cầu đường tự động). Được biết, các mức giá khác nhau sẽ được áp dụng cho các phương tiện không có tài khoản E-ZPass.
Đối với những tài xế đi từ Princeton, New Jersey đến quận Manhattan, chi phí dành cho ô tô khứ hồi trung bình sẽ là 120 USD. Những tài xế đến từ các Hạt Dutchess/Putnam ở New York sẽ bị tính phí trung bình là 111 USD.
Các khoản phí mới sẽ có hiệu lực sớm nhất vào cuối năm 2023. Dự kiến, lượng xe đi lại trong quận sẽ giảm tới 9% và việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng sẽ tăng thêm 2% sau khi mức phí chính thức được áp dụng.
Đánh giá hiệu quả chương trình
Mục tiêu của chương trình tính phí vào nội đô là nhằm giảm ùn tắc ở khu vực trung tâm, giảm thời gian đi lại, giải quyết ô nhiễm không khí và tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ở Singapore, lúc mới áp dụng phí vào nội đô, lượng phương tiện đi vào khu vực thu phí giảm từ 74.000 xuống 41.200 (44%), trong đó lượng xe hơi giảm từ 42.800 xuống 11.400 (73%). Tình trạng tắc nghẽn bên trong các khu vực thu phí hầu như được loại bỏ.
Sau khi lắp đặt hệ thống ERP (1998), lượng xe vào khu vực nội đô các ngày trong tuần giảm 24% từ 271.000 xe xuống còn 206.000 xe mỗi ngày. Nhờ đó, tốc độ trung bình trong khu vực nội đô tăng từ 30-35 km/h lên 40-45 km/h.
Bằng cách kết hợp định giá ùn tắc với đầu tư vào mạng lưới giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ, Singapore đã chứng kiến lượng người đi xe buýt và tàu hỏa tăng lên, đồng thời phát thải khí nhà kính ở trung tâm thành phố giảm đáng kể.
Tại London, lượng xe vào khu vực nội đô giảm 15% trong giờ thu phí sau năm đầu tiên. Lượng xe vào khu vực thu phí giảm 18%. Nhờ đó lượng khí thải nitơ oxit (N2O) giảm xuống 13,5% và các chất dạng hạt giảm 15%.
Chất lượng không khí được cải thiện, giúp kéo dài thêm 1.888 năm tuổi thọ cho người dân London. Tình trạng tắc nghẽn giảm 30% và ô nhiễm giảm gần 25% trong thời gian này.
Vào ngày phí vào nội đô ở London được áp dụng, 300 xe buýt đã được bổ sung vào mạng lưới xe buýt London để cung cấp cho mọi người một giải pháp thay thế cho việc lái xe và tránh tình trạng hỗn loạn. Một năm sau đó, Livingstone báo cáo rằng số lượng hành khách vào khu vực thu phí bằng xe buýt trong giờ cao điểm buổi sáng tăng thêm 29.000 so với một năm trước. Từ 2002- 2014, số lượng ô tô cá nhân vào khu vực này giảm 39%.
Những lợi ích thậm chí còn đáng kể hơn ở Stockholm, khi số lần trẻ em bị hen suyễn phải đến bệnh viện giảm phân nửa. Hệ thống của Stockholm đã giúp cắt giảm 20% lượng xe cộ ra vào khu vực nội đô, đồng thời giảm tới 50% tình trạng ách tắc giao thông.
Ở New York, phí vào nội đô được kỳ vọng sẽ có lợi cho người đi làm theo những cách khác nhau. Nhiều người thu nhập thấp kiếm tiền theo giờ, và những người lao động khác phải trả thêm tiền trông giữ trẻ hoặc chăm sóc người già trong khi họ làm thêm giờ. Việc tính phí vào nội đô làm giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, do đó họ có thể tiết kiệm thời gian, đồng nghĩa với việc tiết kiệm tiền.
Bất chấp những tác động tích cực nêu trên, việc thu phí vào nội đô vẫn vấp phải sự phản đối. Một số người cho rằng việc thu phí vào nội đô đã tạo áp lực lên những người có thu nhập trung bình ở các khu vực xa xôi hẻo lánh không có phương tiện giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, mức phí vào nội đô là trở ngại đối với cá nhân, nhưng không mấy ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả. Tình trạng ùn tắc ở London đã trở lại thời điểm trước khi loại phí này được áp dụng do nhu cầu mua sắm trực tuyến và các dịch vụ gọi xe như Uber tăng cao.
Các nhà phê bình cũng cho rằng giải pháp này không công bằng. Ví dụ, phí tắc nghẽn ở London là 15 USD cho mỗi phương tiện, bất kể đó là phương tiện gì hay người tham gia giao thông là ai. Con số này không đáng kể đối với người có thu nhập cao, nhưng lại là một vấn đề lớn đối với người nghèo.
Nguyễn Tuyết (Theo CMAP, FHWA - DOT, Washington Post, Bloomberg)