Tại buổi tọa đàm “Áp lực của giáo viên, nguyên nhân và giải pháp” diễn ra tại Hà Nội sáng 14/11, nhiều vấn đề gây áp lực cho giáo viên được các đại biểu đề cập.
Bà Phan Thị Hồ Điệp, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo viên hiện chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh. Phụ huynh thường kỳ vọng rất lớn vào con mình và vì thế đặt nặng vấn đề thành tích điểm số.
“Đón con từ cổng trường, thay vì hỏi con đi học có vui không thì nhiều phụ huynh hỏi con được mấy điểm. Tôi từng chứng kiến cảnh học sinh bị phụ huynh đánh, mắng, thậm chí xé bài con ngay ở cổng trường, trước đông người. Và giáo viên cũng phải chịu áp lực làm sao đạt kỳ vọng của phụ huynh” bà Phan Thị Hồ Điệp cho biết.
Theo VTC, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng trường THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội cho rằng mục tiêu của giáo dục phổ thông phải thay đổi, cần hướng tới phải dạy người, không chạy theo thành tích điểm số.
“Ở cấp Tiểu học đã có Thông tư 22 về đánh giá học sinh rất đúng, bỏ đánh giá nặng về điểm số. Tuy nhiên, cấp THCS và THPT chưa làm được điều đó.
Chúng ta dán tem, dán nhãn sớm quá lên mỗi cá nhân khi xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu kém. Nếu là học sinh yếu kém thì cả đời vẫn mang nhãn dán yếu kém đó. Các nước không làm như vậy, mỗi học sinh có một điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Phải thay đổi cơ chế gây ra áp lực với giáo viên chính là ở chỗ đó", ông Hòa nhấn mạnh.
Về bình xét thi đua với giáo viên, trường THCS &THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội chỉ quan tâm tới 2 chỉ số là chỉ số hạnh phúc của học sinh và chỉ số tiến bộ so với chính học sinh đó, chứ không phải so với học sinh khác. Tổ tâm lý của trường mỗi năm 2 lần phải lấy được chỉ số đó và so sánh thi đua. Lớp nào có học sinh tiến bộ so với chính em đó, lớp nào học sinh hạnh phúc khi đi học, thì lớp đó được khen.
Ngoài điểm số, giáo viên còn chịu nhiều áp lực khác. Bà Đỗ Thúy Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch vọng B bày tỏ: Mỗi ngày, giáo viên Tiểu học ngày phải dạy 7 tiết với 7 giáo án, không chỉ dạy kiến thức mà còn phải chăm sóc bán trú. Họ đến trường từ 7h30’ và rời trường lúc 17h. Áp lực công việc lớn như vậy nhưng họ còn chịu áp lực lớn nữa từ phụ huynh. Đằng sau mỗi em học sinh là 6 người theo dõi, gồm cha mẹ, ông bà nội, ngoại. Có những sự việc xảy ra rất nhẹ nhàng phụ huynh chưa có sự chia sẻ với giáo viên đã đưa lên cộng đồng mạng, thậm chí đơn thư thẳng lên cấp trên.
Cô Hoàng Phương Ngọc, giáo viên trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng không chỉ chịu áp lực từ phía phụ huynh, nhiều giáo viên hiện nay còn chịu áp lực từ phía chính học trò của mình.
“Bên cạnh những học sinh chăm chỉ, ngoan ngoãn thì còn có những học sinh chỉ học tập ở mức trung bình. Nếu giáo viên dạy ở mức quá cao các em lại không hiểu. Có những em cá biệt về tính cách, về hoàn cảnh…Trong một lớp học với nhiều trình độ học sinh, nhiều đặc điểm riêng như vậy, giáo viên chịu nhiều áp lực khi phải đáp ứng nhu cầu riêng của từng đối tượng, vừa phải có kiến thức, vừa phải tâm lý, và phải đối mặt với nhiều tình huống sư phạm. Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn phải như chuyên gia tâm lý, lại phải như cha mẹ các em”, cô Phương Ngọc nói.
Theo Vietnammoi, trước ý kiến của giáo viên, phụ huynh cho rằng nhiều thầy cô hiện tại rất cô đơn trước áp lực nghề nghiệp, Bộ trưởng bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận đây là trách nhiệm của ngành. Mục tiêu là thầy cô hạnh phúc, từ đó học sinh, gia đình, xã hội mới hạnh phúc.
Bộ trưởng cho hay cần đặc biệt quan tâm vấn đề bồi dưỡng hiệu trưởng, cán bộ quản lý cấp phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT, tránh những trường hợp gây mất lòng tin cho phụ huynh, xã hội.
Đào Vũ (Tổng hợp)