PV: Xin chào ThS. Lê Thị Loan, trước thông tin về một em bé 8 tuổi đã tử vong vì nghi học theo hướng dẫn của một trò chơi trên mạng, bà đánh giá như thế nào về vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con trong quá trình phát triển nhân cách?
ThS. Lê Thị Loan: Với tôi, đây là một sự việc đau lòng. Đồng thời cũng phản ánh được một sự thật rằng, các bậc phụ huynh đang lơ là với chính con em mình và cảnh báo chúng ta về hậu quả của những trò chơi chết người mà trẻ em đang học theo.
PV: Vậy theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến những vụ việc thương tâm đó?
ThS. Lê Thị Loan: Nguyên nhân ban đầu xuất phát từ chính những đứa trẻ. Trẻ em, nhất là lứa tuổi mầm non và tiểu học là những em bé vô cùng ngây thơ và hồn nhiên.
Đặc biệt, có một đặc điểm tâm lý của trẻ em mà chúng ta cần biết, đó là các bé rất cả tin. Mặt khác, lứa tuổi nhỏ thường là lứa tuổi rất thích khám phá thế giới. Chúng sẽ tò mò, ham tìm kiếm những lời nói, hành động lạ, từ đó bắt chước làm theo mà không nhận thức được sự nguy hiểm của vấn đề.
PV: Trong quá trình công tác của mình, bà đã từng gặp trường hợp trẻ em nào là “nạn nhân” của những vấn đề này chưa, thưa bà?
ThS. Lê Thị Loan: Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp như vậy, nhiều khi các cha mẹ cứ nghĩ chỉ có mạng xã hội mới ảnh hưởng đến con mình, song những cuốn truyện với nội dung không phù hợp với lứa tuổi của con cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bản thân tôi đã từng chứng kiến một đứa trẻ 7 tuổi mượn mẹ nó chiếc ô dùng để bay từ lan can tầng 2 xuống đất. Bất chấp sự hốt hoảng của bà mẹ, cậu bé vẫn hồn nhiên đáp lại: “Vì con đọc trong truyện tranh thấy các bạn làm thế!”. Thực trạng này là đáng báo động. Nếu cha mẹ không sâu sát với con thì hậu quả đau lòng là khó tránh.
PV: Theo bà, ngoài những ảnh hưởng từ mạng xã hội hay các trang truyện, liệu trẻ em còn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực từ đâu?
ThS. Lê Thị Loan: Những đứa trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi chính lời nói đùa của bố mẹ chúng. Ví dụ, câu nói: “Khi nào mẹ sinh em bé, con sẽ ra rìa” cũng có thể khiến tâm hồn của một đứa trẻ bị tổn thương. Các em sẽ hiểu rằng em bé sinh ra sẽ chiếm mất mẹ của mình, điều đó dễ dẫn đến việc chúng có những hành động ghét bỏ em, thậm chí đánh đập em.
Càng là những thông tin chân thực về cuộc sống, các bậc phụ huynh càng phải chọn lọc kỹ càng và cẩn trọng nhất để đảm bảo trẻ có được cái nhìn đúng.
PV: Nhiều cha mẹ suy nghĩ rằng việc chỉ cần chu cấp đầy đủ vật chất cho con là đủ, còn vấn đề giáo dục nhận thức cho trẻ thuộc về nhà trường cùng các cơ quan chức năng. Liệu nhận định này có đúng không, thưa bà?
ThS. Lê Thị Loan: Theo tôi, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Các bậc cha mẹ vẫn chưa thật sự quan tâm đến đời sống tinh thần của con mình trong khi chính họ là nhân tố quan trọng trong những năm tháng phát triển của con. Việc can thiệp của cơ quan chức năng hay nhà trường không thể thay thế sự quan tâm của cha mẹ.
PV: Vậy theo bà, các bậc phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con mình khỏi những thông tin xấu độc cả trên mạng lẫn thực tế cuộc sống?
ThS. Lê Thị Loan: Theo tôi, các phụ huynh cần thực sự thấu hiểu để biết con thích xem gì, đọc loại sách nào, muốn chơi gì. Từ đó định hướng, điều chỉnh suy nghĩ, hành động của con sao cho phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, với những chuẩn mực về đạo đức, lối sống, góp phần định hướng, phát triển nhân cách của trẻ.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
L.T