Sau khi báo điện tử Người Đưa Tin đăng tải bài viết “Cách hành xử lạ thường của Lavie khi nhận phản ánh “chai nước dán nhãn Lavie có mùi xà phòng?”, ông Đỗ Hữu Hào - Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Lavie đã gửi thư phản hồi về thông tin báo phản ánh. Tuy nhiên, nội dung thư phản hồi này lại thể hiện sự vô trách nhiệm với sản phẩm có dán nhãn hiệu công ty TNHH Lavie.
Trước đó, vào ngày 28/12/2018, bà Lê Ngọc Hân (Trưởng phòng Chuỗi cung ứng, công ty TNHH Lavie) và ông Huỳnh Minh Tâm (nhân viên Chăm sóc khách hàng, công ty TNHH Lavie) đã đến trụ sở cơ quan đại diện phía Nam báo Người Đưa Tin để tiếp nhận 2 chai nước khoáng dán nhãn hiệu Lavie có mùi xà phòng do người tiêu dùng phản ánh.
Trong thư phản hồi, ông Hào yêu cầu cơ quan báo chí phải cung cấp tên, địa chỉ, số CMND, thời gian và địa điểm mua sản phẩm của người tiêu dùng. Một điều vô lý hơn, ông Hào yêu cầu cơ quan báo phải xuất trình giấy uỷ quyền hợp pháp của người tiêu dùng cho báo(?!).
“Công ty Lavie tạm thời không thể tiếp tục xác minh và kiểm tra đối với mẫu chai đã nhận cho đến khi chúng tôi nhận được thông tin đầy đủ và chính xác về khách hàng và nguồn gốc sản phẩm cùng giấy uỷ quyền hợp pháp của người tiêu dùng”, thư phản hồi từ đại diện công ty Lavie ghi rõ.
Khoản 4, Điều 38, luật Báo chí năm 2016, nêu rõ: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Trong trường hợp này, cơ quan báo chí không cần cung cấp tên và địa chỉ của người tiêu dùng theo yêu cầu của bạn đọc là hoàn toàn đúng pháp luật. Ngoài ra, khi tiếp nhận thông tin từ bạn đọc phản ánh về việc chai nước khoáng dán nhãn Lavie có mùi xà phòng, cơ quan báo có quyền đề nghị công ty Lavie trả lời, làm rõ về vấn đề này và đăng tải thông tin trên mặt báo.
Như vậy, công ty TNHH Lavie đã không làm đúng những việc cần phải làm của một doanh nghiệp vốn được người tiêu dùng tin cậy. Với vị trí là một Phó Tổng giám đốc, ông Hào lại đại diện công ty đưa ra các yêu cầu sai luật và trả lời vô trách nhiệm về sản phẩm dán nhãn hiệu của công ty.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 1, Điều 38, luật Báo chí năm 2016, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã cung cấp. Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 39, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
“Như vậy, theo luật Báo chí 2016, sau khi cơ quan báo liên hệ và gửi yêu cầu cho công ty Lavie để làm rõ sản phẩm sai lỗi có phải của công ty hay không mà công ty Lavie không trả lời cơ quan báo là sai luật”, luật sư Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, báo Người Đưa Tin nhận được phản ánh của anh Vũ (ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về việc anh mua 1 thùng nước khoáng có dán nhãn hiệu Lavie tại một cửa hàng tạp hoá ở xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức.
Tuy nhiên, sau khi bóc một số chai nước để uống, một vài người bạn của anh Vũ muốn nôn ói vì từ trong chai nước xộc lên mùi xà phòng khó chịu. Anh Vũ đã mang các chai nước còn lại trong thùng đến VPĐD báo Người Đưa Tin.
Tuy nhiên, anh Vũ là người kinh doanh nên anh đề nghị cơ quan báo không cung cấp thông tin của mình cho công ty Lavie, mà chỉ muốn thông qua thông tin cơ quan báo phản ánh để công ty Lavie làm rõ đây có phải là sản phẩm của công ty Lavie hay không? Nếu đúng là sản phẩm của công ty thì vì sao bị sai lỗi như vậy?
Nhóm PV