Báo động tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 153 nghìn chuyến bay, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 130 nghìn chuyến, chiếm tỷ lệ 84,8%, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ giảm 1,3 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Số chuyến bay hủy là 274 chuyến, chiếm tỷ lệ 0,2%, tăng 0,1 điểm so với cùng kỳ năm 2018.
Tỷ lệ số chuyến bay cất cánh đúng giờ của các hãng hàng không Việt Nam như sau: Bamboo Airways là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ cao nhất là 93,8%. Tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ của Vasco, Vietnam Airlines và VietJet Air lần lượt là 93%, 89,1% và 81,5, giảm tương ứng 3,9 điểm, 0,2 điểm và 1,5 điểm so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ của Jetstar Pacific đạt 78,1%, giảm 2,6 điểm so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, tỷ lệ số chuyến bay chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam đang có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, VietJet Air chậm 12.718 chuyến chiếm 18,5% (tăng 1,5 điểm), Jetstar Pacific chậm 3.969 chuyến chiếm 21,9% (tăng 2,6 điểm), Vietnam Airlines chậm 5.787 chuyến chiếm 10.9% (tăng 0,2 điểm), Vasaco chậm 464 chuyến chiếm tỉ lệ 7% (tăng 3,9 điểm) và Bamboo Airways chậm 413 chuyến chiếm 6.2%.
Cũng theo báo cáo của cục Hàng không, các nhóm nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm tập trung ở 3 nhóm chính là do tàu bay về muộn với 13.863 chuyến chậm, nguyên nhân do hãng hàng không với 5.559 chuyến bay cất cánh chậm và nguyên nhân do trang thiết bị tại cảng hàng không với 2.756 chuyến chậm.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm VietJet Air (110 chuyến) và Vasco (114 chuyến) là hai hãng hàng không có số chuyến bay hủy cao so với các hãng hàng không còn lại. Nguyên nhân hủy chuyến của Vasco tập trung vào hai nguyên nhân là thời tiết, kỹ thuật.
Đối với hãng hàng không VietJet Air, bên cạnh nguyên nhân thời tiết và kỹ thuật thì còn một nguyên nhân chính (hủy chuyến trong giai đoạn từ ngày 13/6 đến ngày 16/6) là do một số phi công của hãng có thời gian làm việc quá quy định. Nguyên nhân này xuất phát từ việc hãng này chuyển đổi phần mềm quản lý thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thành viên tổ bay từ hệ thống phần mềm cũ (Geneva) sang hệ thống phần mềm quản lý mới (AIMS).
Chậm, hủy chuyến bay, nguyên nhân do đâu?
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin về vấn đề này, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức nhận định: “Theo tôi, bên cạnh những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các hãng hàng không trong nước tăng tỉ lệ chậm, hủy chuyến như báo cáo của cục Hàng không nêu trên, còn có một nguyên nhân khác là do sức ép tải hạ tầng, nhân lực cũng như sự yếu kém của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định thị trường hàng không Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng bất ngờ, đây được coi là “thời cơ” để ngành hàng không nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung có những bước phát triển mới.
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, cũng có thể do sự phát triển bất ngờ của ngành hàng không dẫn đến việc các nhà hoạch định, quản lý không nắm trước được tình hình trên nên chưa thể theo kịp dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến trên.
Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều hãng hàng không mới lại khiến hạ tầng thêm quá tải (điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất), tắc nghẽn bầu trời (không gian bay), thiếu phi công,....
“Một nguyên nhân khác là do sự yếu kém của chính các hãng hàng không trong việc hướng dẫn, tư vấn cho hành khách. Đặc biệt là khâu xử lý khi gặp khủng hoảng”, TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Cùng trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Không thể phủ nhận việc các chuyến bay bị chậm hay hủy chuyến là do các yếu tố như: Thời tiết, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền,... Nhưng vấn đề cốt lõi của tình trạng trên theo tôi là do cách quản lý, vận hành của chính các hãng bay. Tại sao cùng kinh doanh trong lĩnh vực hàng không mà có hãng hủy hàng trăm chuyến bay trong khi có hãng lại không hủy chuyến nào?”.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không đạt 9,4% so cùng kỳ 2018 và sản lượng đạt 38,5 triệu khách. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay của Việt Nam đạt 56,8 triệu lượt hành khách tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 27 triệu hành khách tăng 7,7%.
Các hãng hàng không Việt Nam khai thác 48 đường bay nội địa kết nối 22 Cảng hàng không trong đó Vietnam Airlines khai thác 33 đường bay, Vietjet Air khai thác 35 đường bay, Jetstar Pacific khai thác 23 đường bay, Công ty bay dịch vụ hàng không (Vasaco) khai thác 09 đường bay, Bamboo Airways khai thác 24 đường bay.
Tổng khách vận chuyển: 18,3 triệu khách, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2018, với thị phần như sau: Vietnam Airlines chiếm 35,9%, Vasco là 2%, Vietjet chiếm 44%, Jetstar Pacific chiếm 13,9% và Bamboo Airways chiếm 4,2%.
Nguyễn Lâm