Bộ GD&ĐT đang chậm trễ
Nhận định về vấn đề này với PV Người Đưa Tin Pháp luật, PGS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới - cho biết, trên thực tế bộ GD&ĐT đã triển khai sách giáo khoa tiếng dân tộc nhiều năm nay, tuy nhiên đến nay vẫn chưa xong. "Đúng là khi xây dựng chương trình mới thì cần phải xây dựng luôn sách giáo khoa tiếng dân tộc mới dành cho con em đồng bào", ông nói.
Thừa nhận thiếu sót ngay từ khi xây dựng chương trình, ông tiếp lời: “Chương trình mới được công bố cuối năm 2018. Nên việc thực hiện triển khai biên soạn sách giáo khoa cho tiếng dân tộc có phần chậm trễ”.
Về phương án “chữa cháy” khi chưa có bộ SGK mới trong năm học 2020 – 2021, ông Thuyết đề xuất: “Trước mắt thì chúng ta đành phải sử dụng sách giáo khoa cũ trong một thời gian ngắn”.
“Nhưng chúng tôi mong bộ GD&ĐT sẽ thúc đẩy nhanh tiến độ biên soạn bộ sách này lên để kịp cho con em đồng bào tiếp cận được với chương trình mới. Để vừa giúp các em biết được tiếng và chữ của dân tộc mình, vừa phải đáp ứng nhu cầu của đồng bào, quan trọng nhất là để lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc”- PGS.TS. Nguyễn Minh Thuyết mong muốn.
Chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương nêu quan điểm việc chậm trễ biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc của bộ sẽ để lại nhiều hệ lụy. Đặc biệt, nếu năm học tới dụng lại bộ SGK cũ trong khi cả nước học sách mới sẽ tạo ra sự khập khiễng giữa các vùng: “Ở các vùng núi, ngoài thời gian dạy học, các giáo viên còn dành thời gian đi vận động con em đồng bào đi học. Chính vì thế, việc tiếp cận với thông tin mới, kiến thức mới không được nhanh như miền xuôi, đó đã là thiệt thòi. Mà hiện tại phải học lại chương trình cũ thì lại càng thiệt thòi hơn”.
Không phải lần đầu bộ GD&ĐT chậm trễ
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cũng là một người từng công tác trong lĩnh vực giáo dục bày tỏ những trăn trở, suy tư của mình về vấn đề bộ GD&ĐT chậm trễ biên soạn SGK tiếng dân tộc trong chương trình GDPT mới.
Theo ĐBQH Hồ Thị Minh, không phải bộ GD&ĐT chỉ chậm trễ trong việc triển khai các vấn đề trong biên soạn SGK tiếng dân tộc, mà chậm trễ cả một chuỗi ngay cả việc viết sách.
“Chúng ta thấy, việc viết sách cũng chậm do tư nhân đầu tư viết, còn trong Nghị quyết Quốc hội giao cho bộ GD&ĐT viết đến nay chưa có. Đến thời điểm này, người dân rất quan tâm đến chất lượng của bộ sách sẽ được đưa vào trong trường học, giá cả của sách và đặc biệt tiếng dân tộc đưa vào sách. Nghị quyết Quốc hội cũng đã có, kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng nhắc đến. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nói, thông qua các văn bản mới chỉ mang tính chất nhắc nhở đề nghị bộ GD&ĐT phải có giải pháp để làm cho kịp tiến độ của công việc, nhưng dường như những văn bản, giải pháp nhắc nhở như vậy không có hiệu quả”, ĐB Minh cho hay.
Từ những phân tích nêu trên, ĐB Minh cho rằng: “Với sự nhắc nhở không hiệu quả thì cần phải có chế tài đối với người đứng đầu ngành giáo dục. Nếu không làm được thì phải có giải trình trước Quốc hội và trách nhiệm của Bộ, ngành mình thế nào trước Quốc hội. Hiện nay, chỉ một tháng nữa là bước vào năm học mới nhưng mọi thứ đều đang rất mơ hồ. Tôi băn khoăn, liệu rằng hiệu quả và chất lượng của bộ sách mới được đưa vào nhà trường sẽ như thế nào?”.
ĐB Minh cũng bày tỏ sự trăn trở: “Trách nhiệm của Bộ trưởng bộ GD&ĐT (Phùng Xuân Nhạ - PV) hầu như mới chỉ có trên giấy tờ. Để giải quyết mấu chốt vấn đề cần phải có mốc thời gian cụ thể, nếu trong khoảng thời gian ấy không làm được thì một là phải từ chức, hai là phải giải trình trước Quốc hội về nguồn vốn biên soạn sách đó đã được làm, triển khai ra sao… Phải có giải pháp cụ thể chứ không chỉ nhắc nhở là xong. Theo tôi thấy, trong kỳ họp thứ IX vừa qua, cũng chỉ có nhắc nhở bộ GD&ĐT, chứ chưa có chế tài nào mạnh tay, đặc biệt chưa gắn trách nhiệm của Bbộ trưởng ở trong đó”.
Từ đó theo ĐBQH Minh, với những nghị quyết đã ban hành mà bộ ngành chậm trễ triển khai thì Quốc hội cũng nên có chế tài, giải pháp quyết liệt để xử lý rốt ráo vấn đề. “Nghị quyết ban hành rồi mà bộ, ngành không thực thi thì phải có cách để giải quyết giám sát và quy trách nhiệm”, ĐBQH Minh nhấn mạnh.
Luân - Bích- Liên