Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế

Thứ 4, 31/07/2024 08:00

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chàng trai trẻ Đặng Đình Luân đã gặt hái được những thành công ban đầu từ nghề nuôi dế, với lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng mỗi tháng.

Lối rẽ bất ngờ

Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo của Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, anh Đặng Đình Luân (SN 1993, trú tại thôn 11, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đặt chân đến đất nước Nhật Bản để làm việc với mức lương hậu hĩnh. Đến cuối 2019, anh về nước để làm các thủ tục gia hạn lại hợp đồng lao động và dự định quay lại đất nước Nhật Bản vào tháng 3/2020.

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế- Ảnh 1.

Anh Đặng Đình Luân nói về các loại thức ăn của con dế.

Thế nhưng, khi anh chưa kịp trở lại Nhật Bản thì đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khiến đường bay từ Việt Nam qua Nhật Bản bị tạm dừng. Trong thời gian ở nhà, anh Luân tình cờ được tiếp cận mô hình chăn nuôi dế. Không khỏi thích thú, anh Luân đã xin một ít dế về nuôi.

Anh Luân chia sẻ: "Ban đầu, tôi chỉ đầu tư 1 chuồng để nuôi dế thử nghiệm. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn trải nghiệm, tôi nhận thấy, việc nuôi dế rất tiềm năng, trong khi đó chi phí đầu tư thấp và không ảnh hưởng gì đến môi trường. Hơn thế nữa, qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi biết được, ở nước ngoài đặc biệt là các nước Châu Âu, người ta dùng dế đang xem dế như là 1 loại thức phẩm mới giàu protein có thể thay thế cho các loại thực phẩm truyền thống như thịt, cá, trứng, sữa…".

Từ những suy nghĩ đó, vào tháng 5/2020, anh Luân đã quyết định từ bỏ công việc với mức lương khá ổn định ở Nhật Bản để bắt tay vào thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê hương của mình. Anh mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi dế từ một chuồng thử nghiệm ban đầu lên 10 chuồng.

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế- Ảnh 2.

Anh Luân tận dụng các loại lá, rau xanh để phục vụ nuôi dế.

Thế nhưng, quá trình khởi nghiệp diễn ra không mấy dễ dàng với chàng trai trẻ. Thời gian đầu, do chưa nắm rõ được đặc điểm sinh trưởng của loài dế nên đã phải đối diện với những thất bại vì có những lần, đàn dế chết hàng loạt, cả trang trại gần như mất trắng.

Không chỉ vậy, việc tìm kiếm thị trường cho trang trại dế cũng đối diện với nhiều thách thức. Mỗi lần thu hoạch dế, anh chỉ biết cấp đông rồi bán giá thấp cho những khách hàng tại địa phương, thậm chí không có lợi nhuận bởi việc vận chuyển dế tươi dễ bị hư hỏng...

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế- Ảnh 3.

Hàng ngày, anh Luân dành thời gian chăm sóc trang trại dế của mình.

Thu lợi "khủng"

Đứng trước những khó khăn, thách thức, anh Luân không nản lòng hay có ý định bỏ cuộc. Ngược lại, anh không ngừng học hỏi kỹ thuật nuôi dế từ các hội nhóm, các trang mạng xã hội. Với khát vọng của tuổi trẻ và sự kiên trì học hỏi, anh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý giá cho bản thân mình.

"Qua tìm hiểu, tôi biết được, điều kiện tiên quyết để nuôi dế thành công là phải có các loại lá, rau xanh như: Lá sắn, lá chuối, bèo tây... Các loại thức ăn này rất tốt cho sự sinh trưởng, phát triển của con dế. Ngoài ra, thức ăn của dế còn cần phải bổ sung thêm chất đạm, các loại khoáng từ cám công nghiệp như cám gà con, cám cút. Đặc biệt, dế là loại côn trùng siêu sạch, chỉ cần ăn hoặc ngửi phải thuốc bảo vệ thực vật thì lập tức lăn ra chết hàng loạt. Bên cạnh đó, nếu không có kỹ thuật nuôi đúng cách thì dế sẽ bị bệnh tiêu chảy, thiếu dinh dưỡng, còi cọc và không thể lột xác được. Ngoài ra, nếu nhiệt độ trong chuồng quá nóng thì đàn dế sẽ phát triển không đều, không đạt sản lượng", anh Luân cho hay.

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế- Ảnh 4.

Anh Luân cho biết, việc chăn nuôi dế không quá khó nhưng cần phải chăm sóc đúng kỹ thuật.

Để có nguồn rau xanh dồi dào cho dế, anh Luân tìm kiếm những miếng đất trống mà người dân bỏ không để trồng sắn, chuối... phục vụ cho việc nuôi dế. Thậm chí, anh còn tìm đến các ao, hồ của người dân để xin bèo tây về nuôi dế. Đồng thời, anh còn đầu tư hệ thống làm mát chuồng trại vào những ngày nắng nóng.

Khi đã tìm được nguồn thức ăn ổn định, anh Luân mạnh dạn tăng quy mô trang trại lên 55 chuồng dế, diện tích từ 3-6m2/chuồng. Cứ 45 ngày, anh lại thu hoạch một đợt. Trong đó, 1m2 chuồng sẽ cho thu hoạch từ 7-10kg dế tươi.

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế- Ảnh 5.

Mỗi 1m2 chuồng sẽ cho thu hoạch từ 7-10kg dế tươi.

Không dừng lại ở đó, để tìm kiếm đầu ra cho trang trại dế, đầu năm 2021, anh đăng ký tham gia học ngành thương mại điện tử tại Trường Cao đẳng FPT tại tỉnh Đắk Lắk. Từ đó, giúp anh tích lũy được những kinh nghiệm về marketing, đồng thời dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn.

Thế nhưng, khi niềm vui chưa kịp hé mở thì đầu tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội tại các tỉnh phía Nam, rồi lan ra cả nước khiến cho các sàn thương mại điện tử đóng băng, tất cả các hoạt động kinh doanh của anh Luân đều bị ngưng trệ.

Cho đến cuối năm 2021, khi xã hội bình thường trở lại, anh không chỉ nhanh chóng khắc phục các khó khăn sau dịch mà còn đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ dế. "Vào tháng Tết Nguyên đán năm 2022, tôi rất bất ngờ khi doanh thu đạt tới hơn 200 triệu đồng/tháng", anh Luân nói.

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế- Ảnh 6.

Trứng dế giống được anh Luân chăm sóc cẩn thận.

Để đáp ứng nhu cầu "bùng nổ" của người tiêu dùng, anh Luân tiến hành liên kết với các trang trại chăn nuôi dế trên khắp cả nước để lấy nguồn hàng về chế biến. Đồng thời, đầu tư nhiều loại máy móc hiện đại để cấp đông, sấy, chiên, đóng gói các sản phẩm từ dế như dế sấy cay giòn, dế sữa rang muối...

Mặt khác, tháng 4/2022, anh quyết định thành lập doanh nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk nhằm mục đích đưa các sản phẩm từ dế đến với nhiều khách hàng hơn nữa.

Anh còn mang các sản phẩm từ dế tham gia sản thương mại điện tử, mạng xã hội và thu hút được lượng người theo dõi rất lớn. Từ đó, giúp cho doanh thu mỗi tháng tăng gấp đôi so với trước. Cụ thể, có những tháng, doanh thu đạt từ 400-500 triệu đồng/tháng.

Cũng trong năm 2022, anh đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk và giành được giải 3. Tiếp đó, năm 2023, anh tiếp tục dự thi cấp trung ương và may mắn lọt vào vòng chung kết tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp.

Anh Luân chia sẻ: "Qua cuộc thi này, rất nhiều nhà phân phối, cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã biết đến các sản phẩm từ dế của tôi. Nhờ đó, tôi có điều kiện mở rộng các đại lý phân phối tới hàng chục tỉnh, thành trên cả nước. Lượng khách hàng biết đến các sản phẩm từ dế cũng ngày càng tăng lên".

Không dừng lại ở những kết quả nói trên, anh Luân tìm tòi, nghiên cứu chế biến thêm nhiều sản phẩm dinh dưỡng từ bột dế như: Bánh biscotti, thanh protein dế mèn, thanh hạt dinh dưỡng, bánh thuyền siêu hạt. Sản xuất các sản phẩm này, anh hướng đến khách hàng là những người tập gym, tập yoga, vận động mạnh...

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế- Ảnh 7.

Mỗi tháng, cơ sở chế biến, chăn nuôi dế của Luân tạo việc làm ổn định cho 15 lao động.

Ngoài ra, anh còn chế biến thêm các sản phẩm như: Dồi sụn dế, lạc xưởng dế, khô cá lóc, khô lươn, nhộng tằm sấy, sâu tre sấy, châu chấu sấy,... nhằm đa dạng sản phẩm.

Hiện nay, doanh thu mỗi tháng của anh Luân đạt từ 800-900 triệu/tháng, với mức lợi nhuận sau thuế là 250-300 triệu/tháng.

Chàng trai Đắk Lắk “hái” ra tiền nhờ nghề nuôi dế.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, hàng tháng, cơ sở chế biến, chăn nuôi dế của Luân tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/tháng/người. Đặc biệt, hiện anh đang liên kết với 38 trại nuôi dế của người dân ở nhiều tỉnh như: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Gia Lai, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đắk Lắk. Quá trình liên kết, anh Luân không chỉ chuyển giao kỹ thuật nuôi, chăm sóc dế miễn phí mà còn cung cấp trứng dế giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân với mức giá ổn định 70.000 đồng/kg dế tươi.

Anh Luân cho biết, vào cuối tháng 8/2024, anh sẽ đưa vào vận hành trang trại chăn nuôi dế lớn nhất ở Đắk Lắk tại xã Hòa Thắng (thành phố Buôn Ma Thuột), với diện tích 600m2, quy mô 120 chuồng nhằm cung cấp trứng dế giống cho người dân có nhu cầu chăn nuôi và tạo vùng nguyên liệu cho công ty sản xuất.

Với quyết tâm và cố gắng không ngừng, anh Luân tin tưởng rằng, mô hình kinh doanh này sẽ góp phần tạo ra công ăn việc làm cho người dân địa phương, đem đến cho người tiêu dùng trong nước một loại thực phẩm mới sạch, giàu dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe.

Khuyến khích người dân mở rộng mô hình

Ông Phạm Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning cho biết, mô hình chăn nuôi dế phát triển tại địa bàn xã Ea Ning từ năm 2020 đến nay. Đây là một hình phát triển kinh tế mới, tận dụng được nguồn thức ăn trong nông nghiệp như các loại lá cây, rau xanh... để làm thức ăn cho dế. Chi phí đầu tư chăn nuôi dế cũng thấp, không tốn nhiều diện tích, nhân công, đặc biệt không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Thời gian qua, các sản phẩm từ dế được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Phía chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân trên địa bàn mở rộng mô hình chăn nuôi này để góp phần phát triển kinh tế cho gia đình, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho các đoàn viên thanh niên tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 10 hộ dân đang triển khai mô hình chăn nuôi dế. Ngoài ra, thời gian qua, công ty của anh Luân đã liên kết với 4 hộ dân trên địa bàn xã để chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dế, cung cấp dế giống và cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.