Một ngày hai gói mì tôm
Đã nhiều năm, Hùng quen với việc ăn mì tôm qua bữa bởi không có thời gian nấu cơm mà nếu có nấu cũng chỉ ăn một mình với bát canh suông nhạt thếch. Hơn nữa, mẹ Hùng suốt ngày đau ốm, phần lớn thời gian đều nằm bất động trên giường nên em thường xuyên phải nấu cháo cho bà, còn mình vớ được cái gì ăn cái nấy, cốt sao cho no bụng.
Hai mẹ con Mai Trọng Hùng.
Hai mẹ con hiện đang sống trong ngôi nhà tình nghĩa do ông bà ngoại của Hùng để lại. Trong nhà, ngoài mấy món đồ gỗ cũ kỹ ọp ẹp, tôi không thấy có gì đáng giá. Mùi thuốc men của mẹ Hùng hòa lẫn với mùi ẩm mốc của đồ đạc do thiếu bàn tay chăm sóc khiến căn nhà vốn dĩ đã chật chội lại càng trở nên ngột ngạt, tối tăm. Có lẽ, vì nhà cửa bề bộn chưa có thời gian thu vén, nên Hùng tỏ ra khá ngượng ngùng khi có khách. Hằng ngày, việc trồng trọt cấy cầy, làm thêm kiếm sống, việc chăm sóc, thuốc thang cho mẹ già cũng đủ khiến em bận tối mắt tối mũi chưa nói đến chuyện học hành thi cử căng như dây đàn.
Theo lời kể của hàng xóm, mẹ Hùng từ thời còn thiếu nữ đã có những biểu hiện của bệnh tâm thần nhưng không rõ rệt. Rồi một ngày, bà mang thai và sinh ra Hùng. Không ai biết bố đứa trẻ là ai nhưng thấy cháu bé kháu khỉnh, mọi người cũng ra sức cưu mang, đùm bọc. Vì gia cảnh quá nghèo túng cho nên ngay từ khi sinh ra, Hùng đã phải sống trong cảnh đói khát triền miên, lúc còn bú thì đói từng giọt sữa, lúc biết ăn thì đói từng bữa cơm.
Ngày trước, mẹ Hùng còn khỏe, còn có thể đi làm thuê làm mướn kiếm đôi đồng đóng học phí, mua sách vở cho con. Nhưng khoảng 5, 6 năm trở lại đây, bà không chỉ bị căn bệnh thấp khớp "đốn ngã" với những cơn đau nhức hành hạ suốt ngày đêm mà còn mắc thêm nhiều chứng bệnh không tên khác. Căn bệnh tâm thần của bà vì thế cũng ngày càng nặng hơn.
Hùng kể: "Nhiều đêm, mẹ em đang ngủ bỗng ngồi bật dậy hò hét, nói cười hoặc khóc lóc tỉ tê. Em chẳng biết làm sao, chỉ biết ôm mẹ thật chặt cho đến lúc bà ngủ thiếp đi vì quá mệt". Có lẽ, chỉ khi ở vào hoàn cảnh của Hùng, người ta mới có thể thấm thía hết nỗi day dứt của một đứa con nhìn người mẹ thân yêu nhất của mình chết dần chết mòn trong những cơn đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà không thể nào cứu được.
Vì mẹ, Hùng có thể làm việc bằng 5 bằng 10 người khác. Không biết bao nhiêu lần, em quyết tâm bỏ học để đi làm nuôi mẹ. Em nói mình có thể làm bất cứ công việc gì, dù nặng nhọc hay nguy hiểm, miễn sao có thể kiếm được nhiều tiền để chữa khỏi bệnh cho mẹ. Nhưng mỗi khi mẹ Hùng tỉnh táo, bà lại thủ thỉ động viên con trai phải học hành đến nơi đến chốn, phải thi đỗ đại học để tổ tiên ông bà được ngậm cười nơi chín suối.
Có lần, phát hiện con trai bỏ học, mẹ Hùng giận dỗi ra mặt, đang trưa hè nắng chang chang mà bà hì hục vác cuốc ra đồng làm việc. Đến khi Hùng biết tin, đuổi kịp mẹ thì bà đã ngất lịm trên bờ ruộng từ lúc nào. Hùng cõng mẹ đến bệnh viện mà nước mắt lẫn mồ hôi thấm ướt cả đường đi. Cũng may, lần ấy, mẹ Hùng được cứu sống. Từ đó, Hùng sợ, không dám bỏ học nữa. Hùng vẫn đi học, vẫn đi làm, vẫn một ngày hai bát mì tôm, chắt chiu từng đồng tiền công ít ỏi để duy trì việc thuốc thang cho mẹ, duy trì việc học cho mình và học cách phát huy tối đa sức mạnh tinh thần khi sức mạnh vật chất là điều không thể tìm thấy trong thực tại.
Hùng đang dọn lại vườn chuối sau bão.
Đỗ đại học, buồn nhiều hơn vui
Mơ được ăn một miếng thịt thôi cũng khó! Hùng bảo: "Nhiều khi, cả tháng trời, em không biết hình hài miếng thịt nó ra sao, mùi vị nó thế nào. Đêm ngủ mơ thấy mình đi mua thịt, đến lúc nấu nướng xong xuôi, bày biện đâu đấy, đang gắp miếng thịt cho vào mồm, chưa kịp ăn thì tỉnh giấc. Chị bảo cái số em nó có khổ không? Mơ được ăn một miếng thịt thôi mà cũng khó!". |
Từ những ngày còn đi học, Hùng không những phải ăn đói mặc rách, chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu sự thương yêu, dạy dỗ của người cha mà còn luôn phải đối mặt với những trò trêu chọc vô ý thức của bạn bè cùng trang lứa. Đi đến đâu em cũng bị gọi là "thằng con hoang". Mới đầu, Hùng còn nhát, chỉ cúi đầu bước đi thật nhanh để chạy thoát khỏi tầm nhìn của chúng bạn. Sau nhiều lần như vậy, Hùng không nhịn được nữa, nhảy vào đánh nhau một trận tơi bời với đứa dám trêu mình. Mẹ Hùng biết chuyện, chỉ biết ôm con mà khóc. Nhưng lâu dần, Hùng cũng quen với việc bị gọi là "thằng con hoang" nên không để ý đến những lời giễu cợt ấy nữa.
Ở lớp, em còn bận học bài, về nhà em còn bận giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ, nấu nước, thổi cơm, chẳng có thời gian để mà đôi co, cãi cọ. Nhất là khi mẹ Hùng lâm bệnh nặng, phải nằm liệt trên giường không thể làm việc gì ra tiền, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai cậu học sinh nhỏ tuổi. Ngày ngày, đi học về, Hùng phải đạp xe sang tận Nga Tân mua cói về nhà dóc cọi (đan cọi). Dóc xong, em lại chở đến, bán lại cho người ta lấy chút tiền công bèo bọt. Cứ dóc được 10m cọi, em sẽ được trả 2 nghìn đồng tiền công. Tính ra, mỗi ngày, buổi sáng em đi học thì buổi chiều, cố gắng lắm em cũng chỉ dóc được hơn trăm mét cọi, kiếm được hơn chục nghìn đồng.
Em muốn kiếm một công việc làm thêm có thu nhập cao hơn nhưng ở một vùng quê nghèo như Nga Sơn tìm được một công việc phù hợp với hoàn cảnh của em vô cùng khó. Hôm nào may mắn mới có người chịu thuê em làm giúp một số công việc nặng nhọc khi họ không nhờ được ai khác.
Khi chúng tôi đến, Hùng đang còng lưng dọn lại vườn chuối bị tàn phá tan hoang sau cơn bão số 6 vừa đổ bộ vào đất liền. Đó là vườn chuối do chính tay em trồng, nhiều cây mới ra nải, quả sai chi chít hứa hẹn sẽ cho năng suất tốt. Sáng nào trước khi đi học, Hùng cũng ngắm qua vườn chuối của mình, trong lòng khấp khởi niềm vui. Không ngờ, chỉ sau một trận bão, quá nửa số chuối trong vườn đều đổ rạp, những buồng chuối xanh non đã dập nát, đành phải bỏ đi. Nhìn nét mặt buồn phiền gần như mếu máo của Hùng, không ai có thể cầm lòng.
Sống trong cảnh đói khổ triền miên, thiếu thốn đủ thứ, ăn chẳng có ăn, mặc chẳng có mặc nhưng không hiểu bằng cách nào, Hùng vẫn luôn nằm trong tốp những học sinh xuất sắc từ bậc tiểu học đến bậc trung học. Nhiều năm liền, Hùng đều là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa. Riêng năm 2013, em còn đạt thêm giải khuyến khích trong cuộc thi "Giải Toán trên máy tính Casio". Càng gần kỳ thi đại học, không khí học tập càng trở nên gấp rút. Nhưng trong khi bạn bè lũ lượt đi ôn luyện ở các lò, tham gia tất cả các cuộc thi thử để rèn luyện kỹ năng thì Hùng vẫn đang phải gò lưng dóc cọi và đi bốc vác thuê, chăm mẹ ốm.
Muốn tham gia một kỳ thi thử để xem sức mình đến đâu nhưng em không có nổi 75 nghìn đồng tiền lệ phí để chi trả cho 3 môn thi trong khối thi của mình. Trước ngày thi đại học, em phải vay mượn khắp nơi lấy chút tiền lộ phí để ra Hà Nội. May nhờ có người đồng hương là chủ một quán cơm bình dân ở Hà Nội nên em đã xin được ở nhờ tại đó trong thời gian đi thi với điều kiện phải tham gia việc bưng bê phục vụ khách.
Những ngày đi thi, Hùng chỉ canh cánh nỗi lo mẹ ở nhà một mình không ai chăm sóc, mặc dù đã gửi gắm bà con, chòm xóm để ý mẹ giúp mình. Chỉ một cái hắt hơi cũng đủ khiến Hùng chột dạ, lo lắng không biết mẹ ở nhà có vấn đề gì không. Cái tin Hùng đỗ đại học Ngoại Thương với 25 điểm trong khi điểm chuẩn là 19,5 khiến xã nhỏ Nga Nhân xôn xao, náo nức. Không ai là không biết đến "thằng con hoang" đã đỗ đại học Ngoại Thương với số điểm cao đáng nể. Chỉ có Hùng là buồn vui lẫn lộn vì không biết sẽ lấy tiền đâu để đi học và nếu đi học thì ai sẽ là người kiếm tiền, chăm sóc, thuốc thang cho mẹ? Em đã từng giải rất nhiều những bài toán khó nhưng riêng bài toán này, thực sự quá sức với em!
Dương Dung