Nhu cầu một đằng đào tạo một nẻo
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác đào tạo ở bậc ĐH-CĐ và trung cấp, nghề của nước ta không bám sát được thức tiễn và yêu cầu của xã hội đặt ra, GS suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Mấy năm gần đây, bộ GD&ĐT có đưa ra khẩu hiệu phát triển giáo dục gắn với yêu cầu của xã hội nhưng ngành giáo dục chưa làm được. Nhu cầu xã hội đó chính là nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đòi hỏi đào tạo con người phải có đủ cả đức lẫn tài, công dân tốt và con người tốt. Đại hội VII của Đảng đã khẳng định "lấy con người làm mục tiêu và động lực để phát triển đất nước". Tuy nhiên trên thực tế, việc đào tạo chưa đáp ứng được. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, công nhân có trình độ bậc 6 và bậc 7 rất ít, thậm chí là không có. Hiện nay, công nhân trình độ cao không có nhiều, kỹ sư đạt trình độ cao càng hiếm. Thực trạng công chức Nhà nước chỉ có 1/3 là đạt yêu cầu công tác. Đó là tấm gương phản chiếu thực tế chất lượng đào tạo mất cân đối hiện nay. Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng, tỉ lệ đào tạo ở bậc ĐH hiện nay chỉ có 35 % đạt chuẩn, một con số quá thấp. Nhìn chung, chất lượng đào tạo đối với mọi ngành nghề là dưới chuẩn. Tay nghề, trình độ đã yếu nhưng đạo đức lại là một vấn đề đáng quan tâm cũng chưa đáp ứng được.
GS. Phạm Minh Hạc
Thực tế nhiều trường đua nhau mở ngành "hot", thậm chí các trường dạy nghề tìm mọi cách để mở các chuyên ngành kinh tế để tìm thí sinh cho đủ chỉ tiêu, GS có bình luận gì về vấn đề này?
Quyết định thành lập trường là do Thủ tướng Chính phủ, quyết định mở ngành, khoa do bộ trưởng bộ GD&ĐT thực hiện. Thực trạng nhiều trường kỹ thuật đua nhau mở các ngành kinh tế bắt nguồn từ việc cạnh tranh thí sinh đầu vào, chạy theo lợi nhuận. Bản chất của nó là thương mại hoá giáo dục. Nguyên tắc các trường được mở ra phải bám sát sứ mệnh của từng trường, để xảy ra thực trạng trên là một sai lầm của giáo dục. Vấn đề đào tạo đúng với chức năng của từng trường đã được đặt ra từ năm 1996 nhưng rất tiếc không thực hiện được. Sau nhiều bất cập nảy sinh, đến 2011 mới có thông tư điều chỉnh về vấn đề này.
Theo thông tin từ bộ GD&ĐT, trong năm tới sẽ không tiến hành tuyển sinh các chuyên ngành tài chính, ngân hàng nữa, liệu đây có phải một biện pháp tốt, thưa GS?
Việc đào tạo của nhiều trường hiện chưa bám sát và chưa nắm bắt nhu cầu của thị trường lao động nên dẫn đến dư thừa nhiều ngành nghề. Tôi tán thành với bộ GD&ĐT về tinh thần sai đến đâu sửa đến đó. Giáo dục cũng như nhiều ngành nghề khác, phải luôn luôn điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn đặt ra.
Công tác dự báo nguồn nhân lực là cơ sở để đưa ra việc mở trường, mở ngành và xét chỉ tiêu đào tạo. Tuy nhiên dường như việc dự báo của chúng ta còn quá nhiều vấn đề phải bàn, thưa GS?
Việc dự báo nguồn nhân lực trách nhiệm thuộc về từng bộ, từng địa phương. Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm nắm vững được vấn đề trên. Tuy nhiên, thực tế, công tác dự báo chưa làm được bao nhiêu. Tôi lấy ví dụ, các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp hiện nay là nguồn sống của đại đa số người Việt Nam trong khi lượng đào tạo tại các trường chỉ chiếm từ 5 - 7% là quá ít so với thực tế đòi hỏi. Có một thời gian, tất cả đổ xô vào học công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp... Thực trạng người được đào tạo để sản xuất thì ít nhưng người quản lý thì quá nhiều, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. Cơ cấu đào tạo hiện nay chưa đúng với cơ cấu ngành nghề của nước ta.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời điểm hoàng kim của các chuyên ngành kinh tế đã qua, hiện nay là thời đại của ngành xã hội, liệu đây có phải là một ý kiến đúng đắn?
Cần phải tính toán kỹ, không thể phán đoán chung chung được. Ngành xã hội được chia thành hai nhóm riêng biệt, nhóm ứng dụng và nhóm cơ bản. Hiện nay có nhiều ngành khoa học xã hội ứng dụng nước ta chưa có. Ở nước ngoài, họ có nhiều ngành đào tạo hành chính để về làm việc tại các xã, huyện, tỉnh. Họ là những người quản lý, sau này nắm một mắt xích trong việc vận hành bộ máy đất nước nên đầu vào rất khó, học bổng rất cao. Tuy nhiên thực tế, các ngành khoa học xã hội của nước ta chất lượng vẫn còn kém, ít người vào học, đặc biệt phần lý luận phát triển xã hội ít người chú ý. Nhu cầu có nhưng chất lượng đào tạo liệu đã đáp ứng được?. Nhìn chung, nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành kỹ thuật và kinh tế vẫn nhiều hơn các ngành xã hội.
Sự việc tại trường Melior báo động nhiều sai phạm về đào tạo liên kết tại Việt Nam.
Xử lý dứt điểmvới hiện tượng thiếu trung thực!
GS nghĩ gì trước thực tế nhiều trường vì muốn lôi kéo sinh viên vào học nên đã đưa tin sai sự thực trong tuyển sinh và đào tạo?
Đây là thực tế đáng lên án! Chúng ta không thể chấp nhận được việc nhà trường và nhà giáo lại dối trá với học sinh. Cạnh tranh thí sinh phải trên cơ sở chất lượng đào tạo chứ không thể bằng các chiêu quảng cáo kích cầu. Việc những trường đưa tin sai để lôi kéo sinh viên vào học cần phải xử lý nghiêm để làm gương.
Theo GS, trong công tác tuyển sinh có nên công khai cơ sở vật chất của trường, thậm chí thông báo những sai phạm của trường đã bị thanh tra và dư luận phát hiện tới thí sinh biết?
Thực tế quyết định mở trường ĐH-CĐ, trung cấp chuyên nghiệp thời gian qua diễn ra với tốc độ quá nhanh. Thậm chí một tỉnh có tới 4 trường ĐH. Trong khi điều kiện không đáp ứng đúng với yêu cầu của một trường ĐH. Trường nói trụ sở ở địa điểm A nhưng thực chất nằm ở địa điểm B. Thậm chí có trường còn chỉ có một giáo viên cơ hữu. Quy định Luật Giáo dục là phải công khai về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện... Tuy nhiên, có trường mở ra chỉ có một tiến sĩ, còn lại tìm cách lập "danh sách ma" để "bịp" học sinh. Đến thanh tra trụ sở của trường thậm chí chỉ có một cô văn phòng ngồi, ngoài ra không thấy nhân viên nào hết.
GS suy nghĩ như thế nào về thực trạng liên kết đào tạo với nước ngoài của nhiều trường hiện nay. Đó là việc hiệu quả chưa thấy đâu nhưng có nhiều vụ việc khiến sinh viên và phụ huynh bức xúc bị ăn "quả lừa"?
Liên kết đào tạo với quốc tế đó là một xu hướng trong quá trình hội nhập của ngành giáo dục. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang tồn tại nhiều hình thức dối trá. Nhiều trường đã bị rút giấy phép ở nước họ nhưng vẫn vào Việt Nam liên kết đào tạo với các trường ĐH-CĐ, trung cấp chuyên nghiệp. Thực ra, đây là cách làm đánh vào tâm lý sính ngoại của một số lớn người Việt. Muốn có tấm bằng mang "mác" ngoại, hi vọng sau khi ra trường sẽ kếm được việc dễ dàng, thậm chí với tấm bằng trên có thể xuất ngoại làm việc. Chính tâm lý đó, đã xảy ra hiện tượng "làm dối, làm đểu", đưa thông tin sai sự thật nhằm câu sinh viên vào học. Thực chất đó là lừa đảo trong giáo dục, những trường hợp này cần phải xử lý nghiêm. Nhiều trường hợp đã bị thanh tra phát hiện nhưng do cấp bằng rồi nên không biết xử lý bằng cách nào.
Vấn đề chỉ tiêu xét tuyển các trường ĐH cũng khiến nhiều trường tỏ ra bất bình. GS nghĩ như thế nào đến việc dựa trên cơ sở số sinh viên ra trường có được việc làm để phân chỉ tiêu tuyển sinh trong vài năm tới?
Đây là một ý kiến hay tuy nhiên rất khó thực hiện. Các trường hiện nay thường không quan tâm đến việc sinh viên ra trường có kiếm được việc làm hay không. Họ chỉ dựa vào điểm tổng kết, văn bằng khá giỏi để báo cáo cho bộ GD&ĐT. Nhiều trường muốn hỏi về lượng sinh viên của trường hiện đang làm gì cũng đành bó tay. Nếu biết họ cũng tìm cách che giấu. Còn đối với Bộ, để kiểm soát được việc này gần như là không thể. Theo tôi, chất lượng giáo dục của nước ta hiện nay đang dưới chuẩn, vì vậy cần phải cải cách toàn diện với nhiều biện pháp mạnh mẽ. Có như vậy giáo dục mới trở thành điểm tựa vững chắc cho việc thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Là một nhà giáo có uy tín, từng là người giữ vị trí cao nhất của ngành giáo dục, theo GS trước mắt ngành giáo dục cần phải làm gì để chấn hưng sự nghiệp trồng người?
Đây một vấn đề lớn, trên phương diện cá nhân tôi cảm thấy tiếc nuối khi nền giáo dục chưa phát triển được bao nhiêu. Rõ ràng hiện nay, chúng ta làm mà không có văn kiện vạch ra phương hướng nhiệm vụ nên ngành giáo dục rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình với yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Theo tôi, ngành giáo dục cần bám sát tiêu chí "chấn chỉnh, củng cố và phát triển". Sai phải sửa, không đúng phải làm lại. Những mô hình tốt, những cá nhân xuất sắc phải nâng lên và biểu dương khích lệ để những nơi khác học tập. Tinh thần đào tạo thế hệ trẻ phải ý thức được công cuộc chấn hưng đất nước. Bám vào mục tiêu đào tạo con người, nhà trường phải đóng góp nguồn cung cấp nhân lực cho xã hội.
Theo tôi, những việc trước mắt phải làm ngay: Nâng điều kiện sống cho đội ngũ giáo viên, bởi giáo viên đa số có thu nhập quá thấp. Một cuộc điều tra cho thấy, lương giáo viên khi ra trường là 2 triệu đồng, sau 20 năm giảng dạy mức lương đó mới đến 4 triệu đồng. Hỏi 500 giáo viên, đại đa số cho rằng, nếu có điều kiện trở lại thời trẻ gần tới 90% khẳng định không chọn nghề giáo. Hiện nay, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, còn tình trạng trường làm bằng tranh tre dột nát. Trời lạnh, gió lùa vào rét căm căm không thể học nổi. Đó là một thực tế cần phải khắc phục. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi sách giáo khoa, chương trình hiện nay quá nặng, tất cả các môn học phải giảm từ 30 - 60 % nội dung.
Xin cảm ơn GS!
Chất lượng giáo dục còn quá nhiều điều phải bàn Ở vào cái tuổi 77, GS.VS Phạm Minh Hạc vẫn còn rất thông tuệ, mẫn tiệp. Tròn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhưng ở gần cái tuổi thượng thọ, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT vẫn không nguôi trăn trở cho sự nghiệp trồng người của nước nhà. Trước thực trạng chất lượng giáo dục hiện nay của nước ta không đáp ứng được với nhu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời đại mới, nhà giáo lão thành này sợ rằng: "Với chất lượng giáo dục như hiện nay, rất khó để giáo dục trở thành điểm tựa cho nước ta hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020". |
BOX "Tự chủ để tha hồ mà làm dối!?" "Tôi khẳng đình rằng, những trường ĐH-CĐ chưa hoạt động đủ từ 15 đến 20 năm thì không thể có lượng giáo viên cơ hữu như trong báo cáo của các trường. Đại bộ phận lấy giáo viên phổ thông, lãnh đạo các sở, sau đó công khai danh sách đúng như yêu cầu đặt ra. Thực tế, hiện nay nhân dân đang bị đánh lừa, vì vậy nhiều trường đề nghị tự chủ, nhưng do sự thiếu trung thực của nhiều trường ĐH hiện nay, Bộ không thể cho tự chủ được. Chẳng lẽ để cho họ "tự chủ để tha hồ mà làm dối?" |
Trinh Phúc - Anh Đức