Trong vài năm trở lại đây, việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh của một số trường ĐH, CĐ công lập địa phương và các trường ngoài công lập gặp nhiều khó khăn. Không chỉ một vài ngành học phải tạm dừng vì không tuyển được sinh viên, mà vì một số trường tuyển được rất ít, sự tồn tại của nhà trường bị đe dọa nếu tính hình không được cải thiện trong vài năm tới.
Với việc thi tuyển sinh “ba chung” như hiên nay gây ra nhiều khó khăn và áp lực cho các trường ngoài công lập cũng như những trường top dưới.
Toàn cảnh buổi họp của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Lo ngại về vấn đề này, GS.Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng nêu quan điểm, nên chăng, ngoài 2 yếu tố là quá trình học THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT, nên xét cả kết quả của kỳ thi “3 chung”. Về trọng số, nên lấy 40% kết quả thi ĐH, kết quả thi tốt nghiệp THPT và quá trình học THPT, mỗi yếu tố là 30%. Nếu lấy được cả 3 yếu tố này sẽ phản ánh được được kết quả học tập của học sinh trên cả quá trình; đồng thời khắc phục được xác xuất may rủi trong quá trình dự thi ĐH của thí sinh.
GS.Trần Hữu Nghị cũng đề nghị đưa thêm phần đánh giá về mặt đạo đức của học sinh khi xét tuyển (xét hạnh kiểm của học sinh khi học THPT).
Trong khi đó GS. Trần Phương - chủ tịch hội đồng quản trị trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: “Điểm sàn là một tiêu chí không phù hợp với các ngành học và một trường đại học, điểm sàn tạo ra sự bất bình đẳng cho các dân tộc trên đất nước ta”.
Vì “ba chung và điểm sàn” là một chủ trương không đúng của Bộ GD – ĐT, phải bãi bỏ việc này, theo tôi nên bỏ 1 trong hai kỳ thi là thi ĐH, CĐ hàng năm và thi tốt nghiệp THPT – ông Phương nhấn mạnh.
Với cách làm hiện nay của Bộ GD – ĐT, thì chúng ta đang đẩy đi hàng ngàn học sinh ra nước ngoài học tập, và chính điều này làm cho đất nước bị chảy máu nhân tài – ông Phương bức xúc.
Ông Phương đề xuất, nên áp dụng tuyển sinh đa tiêu chí để phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của các trường ngoài công lập cũng như bối cảnh xã hội.
Cùng quan điểm trên, ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng trường ĐH Phương Đông nói, tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi “ba chung” để tính đến một phương án hợp lý hơn, đảm bảo công bằng cho các trường.
Ông Dụ nói tiếp “Đối với các trường công, Bộ phải căn cứ rõ ràng nghiêm túc chỉ tiêu hàng năm cho các trường, các trường công chỉ được quyền lấy cao xuống thấp và được bộ đồng ý. Sau đó các trường khác xét theo đăng kí, có thể xét theo ba chung (kết quả thi), cộng thêm 3 năm học phổ thông và từ trên xuống cho tới khi đủ chỉ tiêu. Nếu thực hiện được như vậy thì không có vấn đề gì xảy ra. Bộ có 2 điểm sàn, hoàn toàn không nên. Bộ phải có quy định, có chuẩn mực”.
Phan Chính