Ghi nhận của Người Đưa tin, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhà thầu tăng cường nhân vật lực, tổ chức mũi thi công để kiên cố hóa bề mặt, sau khi bạt mái, giật cấp. Tuy nhiên, không ít thời điểm, mưa bất lợi khiến công trình bị gián đoạn.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà (Ban QLDA Sơn Hà), các đơn vị tập trung hoàn thiện gia cố bạt mái ta luy giảm tải phía trên đỉnh đồi, xây tường chắn rọ đá dưới chân, làm rãnh thu nước…
VAN CÀ VÃI GÁNH TRỤ ĐIỆN TRÁI PHÉP.
Dự án được khởi công từ giữa tháng 7/2024, thuộc nhóm C, công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV, với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, từ nguồn vốn của TƯ hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo đó, trên cơ sở thiết kế phê duyệt, nhà thầu tiến hành bóc hơn 40.000m3 đất, đá liên kết yếu trên bề mặt. Giật 9 cấp mái taluy. Trên mặt các cấp có hệ thống rãnh thu gom nước, chống nước thấm trực tiếp xuống bề mặt công trình. Nước sẽ được gom về 2 phía của mái taluy và dẫn xuống dưới theo các rãnh thu nước dọc.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Ban QLDA Sơn Hà cho hay, dự án cơ bản kiểm soát tiến độ, mục tiêu hoàn thành vào cuối tháng 10/2024. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi nên nhà thầu đang dồn sức triển khai, và cố gắng hoàn thành vào ngày 15/11 tới.
"Dù chưa cán đích, nhưng tất cả các hạng mục chính, kiên cố hóa đã cơ bản nên mùa mưa năm nay, các hộ dân ở dưới chân núi Van Cà Vãi không phải di dời đến nơi an toàn như các năm trước", ông Hoàng thông tin.
Ghi nhận của phóng viên, dưới chân núi có 5 hộ dân với 24 nhân khẩu và tuyến đường DH77 nối trung tâm huyện với xã Sơn Bao. Những năm gần đây, nguy cơ sạt lở của núi Van Cà Vãi thường xuyên nên ngành chức năng tăng cường công tác gia cố. Sau vụ sạt lở núi đầu năm 2021, huyện Sơn Hà đã đầu tư 3 tỉ đồng để thi công khẩn cấp chống sạt lở tại Van Cà Vãi (tháng 6/20221). Hơn năm sau, dự án hoàn thành nhưng đến mùa mưa năm 2023, tại đây tiếp tục sạt lở khiến 5 hộ dân tháo chạy trong đêm, buộc có phương án xử lý sạt lở tối ưu nhất.
"Địa phương đã mời các chuyên gia, đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực nền, móng công trình hỗ trợ khảo sát, lập phương án thiết kế để tiến hành dự án 14 tỷ đồng lần này", ông Hoàng nói.
Về thông tin sao không chọn giải pháp di dời 5 hộ dân, Quảng Ngãi chi 14 tỷ chỉ đề phòng chống sạt lở cho 5 hộ dân dưới chân núi Van Cà Vãi, lãnh đạo Ban QLDA Sơn Hà cho hay, trước khi thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã tính phương án di dời dân đến khu TĐC. Tuy nhiên, qua nhiều lần họp lấy ý kiến, một số hộ dân không đồng ý. Bởi căn cứ theo các quy định hiện hành, khi di dời đến khu tái định cư, các hộ dân này chỉ được bố trí 100m2/lô, không được đền bù vật dụng kiến trúc, hoa màu nên không thể xây nhà cửa mới. Bên cạnh đó, khu vực đang sống gần nơi sản xuất…
Theo lãnh đạo Ban QLDA Sơn Hà, dự án xử lý sạt lở núi Van Cà Vãi không chỉ bảo vệ dân mà còn ngăn sạt lở gây chia cắt tuyến đường DH77 nối trung tâm huyện với xã Sơn Bao, thủy điện Nước Trong và một trường tiểu học
"Đây là tuyến đường độc đạo vào xã Sơn Bao với khoảng 4.500 hộ dân của xã; là tuyến đường duy nhất ở đây để triển khai các phương án ứng phó với thiên tai của hồ chứa Nước Trong, một trong hồ chứa nước lớn của tỉnh Quảng Ngãi", ông Hoàng thông tin.
Trao đổi với Người Đưa tin, bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, những mùa mưa năm trước, địa phương phải di dời người dân đến nơi an toàn, hết mưa thì để người dân về. Năm nay dự án chống sạt lở cơ bản nên người dân không phải di dời.
Việc không thể giải tỏa các hộ dân ra khỏi chân núi Van Cà Vãi, theo bà Trà, với kinh phí 14 tỷ đồng thực hiện dự án phòng chống thiên tai thì không có cơ chế thu hồi, đền bù mà chỉ bố trí được một lô tái định cư.
"Người dân ở đây thì điều kiện quá khó khăn, nên nếu chỉ bố trí như thế thì họ không đủ tiền làm nhà. Huyện nỗ lực và khi thực hiện dự án mong muốn tạo thuận lợi nhất, làm cho người dân hưởng lợi. Dự án cũng không phải chỉ phục vụ 5 hộ dân mà đây là con đường độc đạo vào xã Sơn Bao, hồ Nước Trong, người dân đi lại rất nhiều, nếu sạt lở thì làm cô lập", bà Trà nói.
Núi Van Cà Vãi cao 54m, ngoài 5 hộ dân ở phía chân núi, trên đỉnh núi này đang gánh trụ điện cao thế của Công ty CP Đạt Phương Sơn Trà. Đây là 1 trong 64 trụ điện cao thế chôn từ nhà máy thủy điện Sơn Trà (xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây) đến trạm biến áp 110KV (thị trấn Di Lăng, Sơn Hà) nhưng đều chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý về việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất.
Theo bà Trà, vụ việc do "lịch sử để lại" từ năm 2016-2017, huyện có 54 trụ điện qua 6 xã, thị trấn. Địa phương tập trung tháo gỡ hoàn thiện pháp lý giao đất từ năm 2019, nhưng trong phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện Sơn Trà không có nội dung phê duyệt quỹ đất để xây dựng số móng trụ cao thế trên nên không có cơ sở để thu hồi đất. Sơn Hà đã kiến nghị lên tỉnh để chỉ đạo xử lý.
Tại cuộc họp báo Quý III/2024 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn chủ trì mới đây, lãnh đạo các sở Công thương, Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng, việc các trụ điện không có trong quyết định chủ trương đầu tư dẫn đến các cơ sở pháp lý liên quan hầu như "bế tắc", chưa ngã ngũ, thống nhất xử lý giữa các đơn vị chức năng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn đề nghị Sở Công thương, UBND hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây làm việc với Công ty CP Đạt Phương Sơn Trà làm rõ đúng sai và tìm giải pháp tháo gỡ, không để sự việc kéo dài.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.