Chỉ những kẻ lười biếng mới ngủ trưa!

Chỉ những kẻ lười biếng mới ngủ trưa!

Trịnh Thị Bảo Trang

Trịnh Thị Bảo Trang

Thứ 5, 17/11/2016 10:18

Có lẽ tất cả sự lười nhác, ì ạch, trì trệ của người Việt Nam đều do thói quen ngủ trưa mà ra.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ ngàn xưa, ông cha ta đã đúc kết ra rất nhiều câu nói liên quan đến thói quen ngủ ngày (ngủ trưa) như “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa/ Sang đâu những kẻ say sưa tối ngày” hay “Cuộc đời chỉ một gang tay/ Ai hay ngủ ngày còn lại nửa gang”.

Đành rằng từ xưa đến nay việc ngủ trưa đã trở thành một “nét văn hóa” của nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ở Tây Ban Nha, nhiều người còn hài hước nói rằng nên cho “văn hóa ngủ trưa” (siesta) của Tây Ban Nha vào danh sách các di sản phi vật thể của nhân loại. Một số nước trên thế giới như các nước Nam Âu (láng giềng của Tây Ban Nha) hay các nước ở Châu Á như Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi thói quen này.

Và đương nhiên, đúng theo những câu nói mà cha ông đã đúc kết, hầu hết những nước có “văn hóa ngủ trưa” đều là những nước nghèo, chậm phát triển cả về dân trí lẫn kinh tế. GDP/người của Tây Ban Nha chỉ bằng 1/2 GDP/người của nước Đức (mặc dù thời gian làm việc của người TBN cao hơn người Đức 20%) và cũng chỉ bằng 70% của Pháp, Anh, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Phần Lan. Hay như trong cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”, vị chủ tịch tập đoàn Deawoo - Kim Woo Choong cũng đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước thói quen ngủ trưa ở miền Nam nước Pháp. Đó cũng là điểm khác biệt duy nhất khiến cho miền Nam nước Pháp nghèo hơn rất nhiều so với miền Bắc nước này.

Cafe8 - Chỉ những kẻ lười biếng mới ngủ trưa!

  Ngủ trưa - lý do được coi là cách bảo vệ sức khỏe hợp lý. Ảnh minh họa: Internet.

Sự thật là thế. Nhưng những người thỏa mãn với sự nghèo nàn của mình luôn vịn vào lí do về sức khỏe để duy trì thói quen làm việc kì cục đó. Họ cho rằng để làm việc “có hiệu quả” hơn thì cẩn phải “nghỉ ngơi” sau khi ăn. Trên lí thuyết thì chỉ “chợp mắt” tầm 10 - 15 phút là đủ tỉnh táo cho nửa buổi làm việc còn lại.

Nhưng trên thực tế thì giờ nghỉ trưa của hầu hết văn phòng công sở, hành chính khắp Việt Nam đều kéo dài từ 11h30 (hoặc 12h trưa) cho đến 2h chiều. Không những thế, sau sự “chợp mắt” khá lâu, thay vì tỉnh táo để lao theo guồng công việc, người ta lại bị chững thêm vài chục phút “thẫn thờ” để khởi động lại nhịp làm việc. Vậy là thời gian làm việc bị ăn cắp một cách vô cùng hợp lí bởi thói quen, hay “văn hóa” mà chúng ta vẫn thường tôn vinh.

Nhật Bản là một quốc gia chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn, luôn bị đe dọa bởi thiên tai nhưng họ vẫn vươn lên trở thành một trong những cường quốc.

Nước Nhật đã chứng minh “thiên thời, địa lợi” chỉ là những yếu tố phụ. Còn “nhân hòa” mới là điều quyết định. Người Nhật không có thói quen làm việc 8 tiếng mà họ luôn làm việc trên 12 tiếng một ngày một cách hăng say, không ngừng nghỉ. Áp lực công việc, cuộc sống luôn đè nặng nhưng họ không bao giờ có khái niệm “ngủ trưa cho tỉnh táo”. Có thể khẳng định, nước Nhật được như ngày hôm nay cũng bởi họ không có thói quen “ngủ ngày”.

Hoặc chúng ta có thể nhìn vào những trường hợp cá nhân. Những người thành đạt hầu như không có thói quen ngủ trưa. Người “thư kí trung thành của thời đại” - Balzac mỗi ngày viết 16 đến 20 tiếng đồng hồ. Các nhân vật nổi tiếng như Bill Gate, M.Dell, Steve Job… cũng làm việc không ngừng nghỉ với hiệu suất cao. Hay gần hơn như ông Trương Gia Bình - chủ tịch FPT cũng phải có hai lái xe thay phiên nhau phục vụ để ông có thể di chuyển đi họp thông trưa.

Đành rằng để xóa bỏ một lối mòn đã ăn sâu vào thói quen sinh hoạt hằng ngày của phần lớn dân số rất khó. Nhưng nếu không gồng mình thay đổi thì chắc chắn phải rất lâu nữa chúng ta mới thoát khỏi cảnh "đã nghèo còn lười" như thế này.

Không ngủ trưa không đồng nghĩa với không nghỉ trưa. Trong giờ nghỉ trưa, thay vì ngủ trưa, chúng ta hãy tận dụng thời gian đó để làm đẹp hơn cho mình (thể dục, khiêu vũ), trau dồi kiến thức (đọc sách, báo…) hoặc mở rộng các mối quan hệ xã hội. Chắc chắn khi làm quen với những công việc đó rồi, các bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo và hạnh phúc hơn rất nhiều bởi những giá trị lao động mà mình làm ra. 

Bởi “trên đường thành công, không có vết chân của người lười biếng”.

Bảo Trang

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.