Chi tiền dâng sao có giải hạn?

Chi tiền dâng sao có giải hạn?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 7, 24/02/2018 07:23

Mỗi dịp đầu năm, người dân lại kéo đến các chùa chiền, miếu phủ... dâng sao giải hạn. Liệu càng chi nhiều tiền cho nghi lễ dâng sao giải hạn có hóa giải được vận hạn?

Mỗi dịp đầu năm, người dân lại kéo đến các chùa chiền, miếu phủ... dâng sao giải hạn. Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và giá cả khác nhau. Có nơi vài trăm nghìn đồng/gia đình, có nơi tiền triệu, thậm chí trăm triệu cho một khóa lễ. Liệu việc dâng sao giải hạn tốn nhiều tiền của có hóa giải được những điều xấu, tai ương? Xung quanh vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với GS.Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo.

Xã hội - Chi tiền dâng sao có giải hạn?

GS.Trần Lâm Biền (Ảnh Quyên Quyên).

PV: Cứ dịp đầu năm, người dân lại đến nơi tâm linh đăng ký dâng sao giải hạn để mong một năm mới an lành. GS có nhận định gì về nghi lễ dâng sao giải hạn đầu năm?

GS.Trần Lâm Biền: Việc dâng sao giải hạn xuất phát từ vùng Trung Cận Đông. Họ quan niệm rằng, từ trật tự của sao trời sẽ nhìn nhận được số phận của con người. Mỗi con người được sinh ra vào các giờ khác nhau và khi người ta nhìn lên trời thấy trật tự sao trời cũng khác với những giờ trước đó và những giờ sau đó. Thế nên, người ta mới liên tưởng rằng trật tự sao trời liên quan đến số phận của con người và từ đó sinh ra tử vi.

Khi có tử vi soi chiếu, trong số phận của mỗi con người sẽ có lúc tốt lúc xấu và qua sự phát triển, người ta nhìn nhận có sao tốt, sao xấu ứng vào từng thân phận. Bằng chiêm nghiệm, nhiều người nghĩ đến việc làm thế nào để “tránh xấu, hưởng tốt”- đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tục dâng sao giải hạn hiện nay. Nhưng trên thực tế, con người làm sao thay đổi được trật tự của sao trời?

Dâng sao giải hạn không phải là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, đây chỉ là hình thức để con người trốn tránh những tai họa do chính mình gây nên. Bởi vậy, không có gì tốt hơn là tự tu thân, dùng trí tuệ để nhìn nhận mọi sự, mọi việc, tránh những hành động sai trái, rồi đi “hối lộ” thần linh, như vậy thì tội lỗi về mặt tâm linh sẽ lớn hơn rất nhiều.

PV: Nhiều người quan niệm càng chi nhiều tiền, càng “thành tâm” thì sẽ giải được hạn lớn, GS nghĩ sao về điều này?

GS.Trần Lâm Biền: Dâng sao giải hạn khởi đầu chỉ mang nghĩa là một sự an ủi chứ không phải là giải thoát được những cái xấu, chỉ hưởng cái tốt. Tục dâng sao giải hạn là do con người nghĩ ra chứ không nằm trong hệ thống trời đất. Giữa trời đất và con người không có chuyện ảnh hưởng đến nhau mà vượt ra ngoài đạo đức, nhân tính cũng như văn hóa. Không thể có chuyện, một người làm các điều xấu để rồi dâng sao giải hạn sẽ tránh thoát được nhân quả đã làm. Nếu người nào quan niệm càng chi nhiều tiền càng giải được nhiều hạn là sai lầm. Nếu như vậy, người giàu sống lâu, có nhiều sức khỏe, còn người nghèo thì ngược lại? 

Đạo Phật là một hệ triết học vô thần, từ bi và thoát tục, dạy con người nhìn nhận về vũ trụ quan và thế giới quan một cách chân thực, khoa học, có nghĩa là bằng trí tuệ. Cho nên, việc dâng sao giải hạn không nằm trong thế giới của nhà Phật mà nó thường gắn với những ngôi đền, phủ. Việc dâng sao giải hạn ngày càng phát triển ở nhà chùa nhưng đi tìm nguyên nhân vì sao có hiện tượng này thì chưa ai có thể giải thích rõ ràng. Song thực chất, việc dâng sao giải hạn hiện nay gắn nhiều với yêu cầu về kinh tế.

PV: Nói như vậy, nghi lễ dâng sao giải hạn đang bị biến tướng và thương mại hóa, thưa GS?

GS.Trần Lâm Biền: Việc nơi này nơi khác nâng giá dâng sao giải hạn chính là kinh doanh tín ngưỡng, dần dần nó sẽ biến tướng thành tệ nạn. Khi  nghi thức dâng sao giải hạn được du nhập vào Việt Nam cho thấy có sự suy lạc của nhận thức, lòng tin đối với đạo Phật- những người tu hành Phật giáo nên hiểu để gạn những tục lệ biến tướng ra khỏi cảnh chùa, để giữ được sự thanh tịnh, tinh khiết, đề cao được đạo lý của Đức Phật.

Ngày nay, người ta đi lễ dâng sao giải hạn quá nhiều, chúng tôi đang nghiên cứu và trả lời câu hỏi tại sao người Việt hiện nay đi lễ nhiều thế? Liệu những nhà nghiên cứu quan tâm có để ý đến vấn đề này hay không?

PV: Trân trọng cảm ơn GS về cuộc trao đổi!

Hương Lan-Đỗ Thơm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.