Nhu cầu tuyển dụng lao động lớn
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Đông Nam, năm 2024 và những năm tiếp theo, trong KKT, các khu công nghiệp (KCN) có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động như: Luxshare-ICT Nghệ An 1 - xưởng số 2, Luxshare Nghệ An 2, Goertek Vina, Everwin, JuTeng, Sunny, Shandong, Runergy, Foxconn, Radiant, Hoa Lợi, Tân Việt, Thiên Năng... do đó nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.
Theo kết quả khảo sát Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam, đối với các doanh nghiệp trong KKT, các KCN Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng cao: 6 tháng cuối năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng lao động trên 29.945 người, năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.
Dự báo nhu cầu sử dụng lao động của những năm tiếp theo, giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm (FDI ) trong KKT, các KCN có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh.
Với tốc độ phát triển nhanh của các dự án trong các KCN trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp trong KCN tăng lên nhanh chóng và chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: sản xuất linh kiện điện tử, năng lượng xanh, may xuất khẩu, linh kiện ô tô, điện tử.... các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao.
Điều đáng quan tâm là theo kết quả thống kê năm 2023 và 5 tháng năm 2024 nhiều doanh nghiệp FDI tuyển được lao động với số lượng lớn, tuy nhiên lại không giữ chân được người lao động, số lao động nghỉ việc chiếm trên 50% số lao động tuyển dụng vào. Cụ thể Công ty Luxshare Nghệ An, năm 2023 đã tuyển dụng được 7.126 lao động nhưng số lượng nghỉ việc chiếm 53% số tuyển dụng (3.793 người); 5 tháng 2024 đã tuyển dụng được 9.800 lao động, số lượng nghỉ việc chiếm 79% số tuyển dụng (7.759 người).
"Chìa khoá" để doanh nghiệp tuyển được lao động
Thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động- TB và XH đã phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam, các ngành và các địa phương thường xuyên rà soát, tổng hợp nguồn cung- cầu lao động của tỉnh để kịp thời tư vấn, giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp. Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Nghệ An đầu tháng 7, các doanh nghiệp FDI đã đặt vấn đề và mong tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện trong tiếp cận, tuyển dụng. Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cũng liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng công khai trên trang web của ban; đồng thời chia sẻ trên các trang thông tin, mạng xã hội khác nhưng vẫn khó tuyển.
Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động là mức lương.
Bởi hiện tại, mức lương các doanh nghiệp trả cho các lao động còn thấp, so với các khu vực khác. Tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều không vi phạm các hợp đồng lao động, các doanh nghiệp đã trả tối thiểu bằng mức lương vùng, thậm chí cao hơn mức lương vùng nhưng tổng thu nhập lao động còn thấp hơn so với các khu vực khác.
Vấn đề nguồn lực lao động luôn được UBND, HĐND, các cấp các ngành tỉnh Nghệ An rất quan tâm. Đặc biệt nhất, tỉnh uỷ giao ban cán sự UBND tỉnh chỉ đạo các ngành các cấp tham mưu cho các ban thường vụ ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác kết nối cung cầu lao động cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.
"Nếu doanh nghiệp muốn níu chân người lao động thì phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động đóng đủ BHXH, BHYT, BH tai nạn lao động, bảo hiểm thất nghiệp và tăng nguồn thu nhập,… để đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu của người lao động. Điều quan trọng nhất là tăng thêm thu nhập người lao động, ít nhất cũng bằng hoặc cao hơn các khu vực các tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Hà Tĩnh,...và các tỉnh, thành phố khu kinh tế phía Nam và phía Bắc. Nếu người lao động có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao chắc chắc lao động tỉnh Nghệ An sẽ kết nối và làm việc lâu dài cho doanh nghiệp.", ông Hùng cho biết thêm.
Thực tế, ngành và các địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn lao động. Để các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nguồn lao động chất lượng cao, tỉnh Nghệ An khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp các trường nghề đóng trên địa bàn Nghệ An ký các hợp đồng liên kết đào tạo.
Khi các doanh nghiệp ký liên kết với trung tâm đào tạo nghề thì các lao động được đào tạo sẽ về làm việc ở các doanh nghiệp đó. Các công ty phải có kế hoạch đào tạo với trung tâm ký với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp về số lượng,...
Để tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn, trước đó ngày 8/7, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị về tình hình cung - cầu lao động. Tại hội nghị này, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Ngoài giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành và các địa phương liên quan, ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị các doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất đúng quy định pháp luật, ổn định; có giải pháp tăng thu nhập cho người lao động cao hơn hoặc bằng các khu vực ngoại tỉnh; quan tâm đến chính sách an sinh xã hội cho người lao động.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động, phối hợp các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu về lao động có trình độ tay nghề cao.