Video PV Người Đưa Tin thực hiện tại lễ hội Nghinh ông năm 2024 vào ngày 25/8.
Sáng ngày 25/8, tại Tp.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) diễn ra lễ hội Nghinh ông Quan Thánh Đế Quân xuất du Tp.Phan Thiết lần thứ 14.
Lễ hội Nghinh ông theo thông lệ 2 năm một lần với mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá dân gian truyền thống của bà con người Hoa, một bộ phận cộng đồng dân cư trong quá trình hình thành và phát triển Tp.Phan Thiết.
Với cảm xúc dâng trào, vui mừng khi tham gia lễ hội, bạn Huỳnh Lâm Mỹ Hương, Hội quán Phúc Kiến chia sẻ: "Em đi lần này cũng được 8 mùa rồi, 2 năm là lại nôn nao được tham gia mùa lễ hội Nghinh ông. Năm nay, Hội quán Phúc Kiến có Bát tiên đi chân gỗ, đội múa kim ngọc mãn đường, tiêu thành dao, phi thiên vũ nhạc , …
Sau 12 năm, năm nay Bát tiên chân gỗ quay lại tham gia lễ hội là phần em thấy đặc sắc nhất. Năm nay, em thấy các hội quán rất đầu tư chỉnh chu về mọi khâu so với mọi năm.
Em nghĩ năm nay là năm rất đáng để mong đợi. Em mong lễ hội Nghinh ông đem lại bình an, may mắn và mong mưa thuận gió hòa đến với người dân Tp.Phan Thiết".
Ban Tổ chức Lễ hội Nghinh ông Tp.Phan Thiết năm nay đã xây dựng chương trình lễ hội đa dạng với 2 phần chính gồm: phần Lễ và phần Hội.
Phần Lễ tổ chức trang trọng bắt đầu từ lúc 13h ngày 22/8 (tức ngày 19/7 âm lịch) với Lễ Thỉnh kiệu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu tại Thiên Hậu Cung (thị trấn Phú Long, Hàm Thuận Bắc).
Các nghi lễ chính diễn ra tại các địa điểm như: Quan Đế Miếu, chùa Bửu Quang, giếng nước chùa Thiền Lâm, Hội quán Hải Nam và nhiều hội quán khác.
Điểm nhấn của ngày đầu tiên là Lễ phóng đăng 36 ngọn đèn lấp lánh tại cửa biển Phan Thiết và Lễ khai mạc chương trình văn nghệ tại sân khấu trước Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ngã 7).
Ngồi nghỉ mệt sau khi múa một đoạn đường cùng với Rồng Xanh, ông Trần Xuân Dũng, Đoàn Thanh Long cho biết: "Trước khi đi Nghinh ông chúng tôi đã tập luyện với Rồng Xanh rất nhiều để có sức khỏe đi một chặng đường dài từ 5h sáng đến khoảng 16h. Lễ hội Nghinh ông lần này là rước ông đi chơi và cầu cho mọi người có sức khoẻ, mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, mùa màng bội thu".
Trước khi diễn ra lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận đã có kế hoạch phối hợp chỉ đạo tổ chức lễ hội; chỉ đạo Phòng Nghiệp vụ quản lý văn hóa và gia đình, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch phối hợp tuyên truyền, quảng bá, khai thác hoạt động lễ hội đưa vào tour du lịch, truyên truyền, quảng bá lễ hội để góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận về hoạt động du lịch, lũy kế 7 tháng năm 2024 lượng khách du lịch của tỉnh ước đạt 5.473,4 ngàn lượt khách, tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng năm 2024 doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 3.391,8 tỷ đồng, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 10.634,8 tỷ đồng, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành hỗ trợ du lịch ước đạt 142,5 tỷ đồng, tăng 37,92% so với cùng kỳ năm trước.