Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 2318/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, Lễ hội Gầu tào của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình Lễ hội truyền thống.
Lễ hội Gầu tào là một lễ hội có truyền thống lâu đời, gắn liền với cộng đồng người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
"Thời điểm thiêng” để tổ chức lễ hội là những ngày đầu tiên của một năm mới. Đây là dịp để cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, gia súc đầy chuồng.
Lễ hội Gầu tào đã tồn tại và phát triển lâu đời cùng quá trình lịch sử tộc người, khẳng định được vai trò và sức sống của mình trong đời sống quá khứ và đương đại. Đến hôm nay, lễ hội Gầu tào luôn là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông tỉnh Yên Bái.
Bởi vậy, di sản được phát triển theo một dòng chảy liên tục không ngừng nghỉ trong tâm thức chủ thể, tạo nên sức sống trường tồn, mãnh liệt trong đời sống cộng đồng.
Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, là sản phẩm sở hữu chung của đồng bào, mang những giá trị rất riêng của văn hóa Mông.
Lễ hội Gầu tào là tổng hòa các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần tiêu biểu của tộc người Mông, từ ẩm thực, trang phục đến các di sản văn hóa phi vật thể có liên quan về tập quán xã hội và tín ngưỡng, ngữ văn dân gian, tiếng nói, chữ viết, nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống và các tri thức dân gian độc đáo.
Việc Lễ hội Gầu tào của người Mông tỉnh Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào, khẳng định giá trị cũng như vinh danh nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc của đồng bào Mông nói chung, đồng bào Mông tỉnh Yên Bái nói riêng.
Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Yên Bái cũng như các tỉnh Tây Bắc từng bước triển khai các hoạt động bảo vệ, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo này để phục vụ du lịch văn hóa, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, duy trì, củng cố khối đại đoàn kết các cộng đồng, dân tộc trong khu vực và cả nước.