Hơn 800 cá thể động vật rừng được bày bán
Ngày 26/4, Người Đưa Tin đã nhận được báo cáo kết quả của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An về việc kiểm tra, xác minh nội dung Người Đưa Tin đăng tải liên quan đến hoạt động mua bán động vật hoang dã tại chợ Nông sản Thạnh Hóa (nằm cạnh tuyến Quốc lộ 62, thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An).
Theo ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, ngay sau khi bài viết ""Chợ chim trời" hoạt động nhộn nhịp trở lại" được đăng tải trên Người Đưa Tin, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường xác minh làm rõ.
Trong hai ngày 27 và 28/3, Chi cục Môi trường và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An) đã kiểm tra, xác minh thực tế hoạt động mua bán động vật hoang dã tại Chợ Nông sản Thạnh Hóa.
Tại thời điểm kiểm tra, chợ bày bán 802 cá thể động vật rừng, gồm: 296 cá thể rắn các loại, 6 cá thể chim Công Ấn Độ, 48 cá thể chim Trĩ đỏ, 271 cá thể chim Le le, 137 cá thể Trích cồ, 32 cá thể Rùa răng, 6 cá thể Rùa núi vàng, 6 cá thể Rùa đất lớn.
Tất cả các cá thể động vật rừng nêu trên đều có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi hợp pháp với mục đích thương mại. Vào thời điểm kiểm tra, không phát hiện hành vi mua bán các loài động vật rừng không có nguồn gốc hợp pháp.

Các loài chim hoang dã như cúm núm, cò... được bày bán tại “chợ chim” ở Thạnh Hóa không được ngành chức năng phát hiện tại thời điểm kiểm tra. (Ảnh: Song Ngọc).
Trong khi đó, điều lạ ở đây, những hình ảnh tư liệu của phóng viên Người Đưa Tin tác nghiệp trước đó đã ghi nhận nhiều cá thể vạc, cúm núm, cò… được bày bán ngay tại chợ này.
Mặt khác, những người nông dân có kinh nghiệm trong việc gây nuôi các loại chim hoang dã cho biết: vạc, cúm núm, cò… là các loại "chim trời" thích nghi với môi trường tự nhiên, nên rất khó trong việc gây nuôi.
Khó phát hiện xử lý
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Long An, ngoài những mặt thuận lợi, việc kiểm tra mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái phép các loài động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn do hành vi buôn bán ngày càng tinh vi (không thực hiện tại chợ) nên rất khó phát hiện xử lý.
Một số đối tượng cất giấu các loài động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp ở nơi khác, khi có người hỏi mua thì mới đem ra hoặc giới thiệu qua hình ảnh rồi giao dịch ở nơi khác.
Lực lượng thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chuyên trách của Sở Nông nghiệp và Môi trường, cũng như của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã mỏng.
Các đối tượng biết rõ từng thành viên thực hiện nhiệm vụ, do đó cho người cảnh giới, canh gác khi thấy lực lượng chức năng sẽ thông báo cho các đối tượng mua, bán động vật hoang dã để tẩu tán, cất giấu, chỉ còn trưng bày chuột, gia cầm và các loại động vật rừng có nguồn gốc hợp pháp.
Ngoài ra, đối với các loài chim cảnh, chim kiểng đa số được người dân bắt về gây nuôi hoặc ấp từ các cá thể chim bố mẹ, sau đó thuần dưỡng, huấn luyện để phục vụ nhu cầu giải trí và hầu hết đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định.

Cảnh bán động vật hoang dã tại “chợ chim” ở Thạnh Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh: Song Ngọc).
Thực tế trong thời gian qua tại các địa phương, việc gây nuôi, trưng bày chim cảnh, chim kiểng còn được khuyến khích thành lập hội dinh vật cảnh và được chính quyền địa phương thừa nhận. Từ đó, việc xử lý các loài chim cảnh, chim kiểng gặp rất nhiều khó khăn.
Tăng cường, phối hợp kiểm tra
Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân về việc chấp hành quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động gây nuôi, mua bán, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường và phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan như: Công an, Hải quan, Biên phòng, Chi cục Quản lý thị trường... thường xuyên kiểm tra các hoạt động vận chuyển, nuôi nhốt, mua bán, giết mổ, chế biến động vật hoang dã để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm (nếu có).
Trong đó, tập trung chủ yếu tại các huyện trọng điểm, như: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Thị xã Kiến Tường mà trọng tâm là Chợ Nông sản Thạnh Hóa.
Trước đó, Người Đưa Tin có bài "Chim trời "kêu cứu" giữa đồng bằng" và ""Chợ chim trời" hoạt động nhộn nhịp trở lại" phản ánh tình trạng buôn bán động vật hoang dã và chim trời tại đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức báo động, nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Thanh Lâm