Còn khoảng gần 2 tháng nữa, Bộ GTVT sẽ tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định để tổ chức thi công 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) theo đúng tiến độ trước ngày 31/12/2022 mà Chính phủ yêu cầu.
Theo tiến độ dự kiến, khoảng đầu tháng 12/2022, Bộ GTVT sẽ tiến hành công tác lựa chọn nhà thầu nhằm đảm bảo khởi công dự án trong tháng 12/2022.
Để chuẩn bị cho công tác đặc biệt quan trọng này, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án, trong đó có phương án dự kiến phân chia quy mô của các gói thầu.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 - 40 km/1 gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Theo đó, 12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729 km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu, số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/1 gói thầu.
“Miếng bánh" chỉ dành cho nhà thầu đủ năng lực
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, trường Đại học GTVT cho rằng đối với các gói thầu xây lắp có quy mô lớn của dự án đường cao tốc Bắc - Nam, với giá trị từ 4.700 - 14.200 tỷ đồng, sẽ khó lựa chọn được nhà thầu nếu áp dụng các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm theo quy định hiện hành.
"Với quy định hợp đồng tương tự có giá trị hơn 70% giá gói thầu là khó khả thi, bởi quy mô các gói thầu xây lắp đã thực hiện trước đây không đủ lớn. Bởi để có thể tham gia vào một gói thầu giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, điều kiện tiên quyết là nhà thầu phải từng thực hiện hợp đồng có giá trị 3.500 tỷ đồng. Trong khi đó, thực tế từ năm 2017 đến nay chỉ có 3 nhà thầu xây lắp thực hiện công trình giao thông có giá trị 2.000 tỷ đồng, 2.327 tỷ đồng và 4.670 tỷ đồng", ông Thái cho biết.
Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã ban hành thông tư số 08 quy định các tiêu chuẩn đánh giá theo hướng linh hoạt, tạo thuận lợi cho nhà thầu chứng minh năng lực trong đó quy định giảm giá trị yêu cầu đối với hợp đồng tương tự từ 70% như trước đây xuống còn 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét, không đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt, không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng...
Trường hợp gói thầu đặc thù không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu về doanh thu bình quân hằng năm, hợp đồng tương tự thì chủ đầu tư, bên mời thầu được chỉnh sửa để phân chia gói thầu.
Tuy nhiên theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Thái, việc quy mô dự kiến từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ GTVT thì đây vẫn sẽ là sân chơi riêng của các nhà thầu lớn có nhiều năng lực kinh nghiệm, tiềm lực tài chính. Còn lại, các nhà thầu hạng vừa và nhỏ sẽ khó có cửa đứng trong danh sách nhà thầu chính tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng với số lượng nhà thầu đáp ứng quy mô gói thầu có giá trị 1.500 tỷ đồng trở lên không nhiều, do đó một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn một gói thầu (nếu đáp ứng năng lực thực hiện).
“Việc phân chia gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng tương ứng với hợp đồng tư vấn giám sát có giá trị khoảng 20-40 tỷ đồng, sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn giám sát Việt Nam hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta đang triển khai một loạt các dự án lớn, không chỉ có cao tốc Bắc - Nam.
Số lượng nhà thầu trong nước cũng có hạn, nếu chia tất cả thành các dự án lớn có thể sẽ lại tập trung vào một vài nhà thầu. Như vậy sẽ không huy động được năng lực của các nhà thầu, doanh nghiệp khác tham gia vào đại công trình cao tốc Bắc – Nam”, ông Lâm cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin – một trong doanh nghiệp đang “ứng tuyển” tham gia cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, cho biết nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng đang rất quan tâm và mong muốn được tham gia vào giai đoạn 2 cao tốc Bắc – Nam và đây chính là cuộc cạnh tranh về tiềm lực tài chính, cơ chế phù hợp quản lý doanh nghiệp phù hợp.
Bên cạnh đó, ông Nhận cũng cho biết cái khó của các nhà thầu là những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm thì phần nhiều đều đang tham gia triển khai giai đoạn 1 do đó sự chuẩn bị về tài chính, nguồn lực cần phải tính toán rất kỹ lưỡng.
Đặc biệt với chiến dịch 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án đường bộ cao tốc thuộc giai đoạn 1 (cũng có mốc là 31/12/2022) thì áp lực với các nhà thầu càng lớn trong việc vừa hoàn thành các hạng mục công việc của giai đoạn 1 và chuẩn bị khởi công giai đoạn 2 theo đúng tiến độ của Chính phủ giao.
Chúng tôi đã xác định việc chuẩn bị về tài chính, máy móc, con người thì lâu đặc biệt chủ động đầu tư nguồn lực tăng 40% so với thời điểm đầu năm 2022. Tổng số đầu máy, thiết bị Phương Thành Tranconsin đang sở hữu là gần 1.700 chiếc, gần 1.000 kỹ sư, công nhân được đào tạo bài bản, sẵn sàng để tiếp tục tham gia vào giai đoạn 2”, Phó Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin chia sẻ.
Tránh hiện tượng “lách luật”, “đi cửa sau”
Một trong những điều cần quan tâm đó là những vấn đề phát sinh từ việc nhiều nhà thầu tham gia 1 gói thầu xây lắp như bộ máy quản lý, năng lực tổ chức điều hành trong liên danh khó đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; khó phân định trách nhiệm giữa các nhà thầu nếu có vi phạm chất lượng, tiến độ.
Còn theo ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), kể cả đấu thầu hay chỉ định thầu, tiêu chí đề ra trước hết phải là năng lực chuyên môn với những điều kiện ngặt nghèo về quy chế thưởng, phạt. Sau khi chỉ định thầu, quá trình giám sát, đốc thúc, giải quyết các vướng mắc cần thực hiện một cách liên tục, kịp thời đảm bảo tiến độ cũng chất lượng, sự đồng bộ của công trình.
Đặc biệt ông Chủng cho rằng ở các dự án giao thông vẫn có nguy cơ tái diễn tình trạng nhà thầu “đi cửa sau” để được chỉ định thầu hoặc chỉ định ghép vào liên danh nhưng năng lực yếu, tài chính, thiết bị không đảm bảo, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Do đó, theo chuyên gia này công tác chỉ định thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tới đây cần phải công khai rộng rãi cả về tiêu chí và kết quả lựa chọn.
“Khi ấy, giám sát doanh nghiệp trúng thầu không chỉ là chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước mà còn là người dân, các nhà thầu trong lĩnh vực giao thông bị “trượt” vòng chỉ định. Căn cứ vào hồ sơ do thầu chính đề xuất, nếu thầu phụ kém, không đúng năng lực so với khối lượng công việc được giao, việc xử lý thầu chính cũng phải thực hiện”, ông Chủng nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Trần Văn Lâm cho rằng quá trình thực hiện cũng cần có cách thức, tiêu chí để làm sao lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc hoàn thành đúng tiến độ các gói thầu trong cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 sẽ là một điểm ưu tiên đối với các nhà thầu trong lựa chọn nhà thầu tham gia cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.
“Bộ GTVT kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: cắt chuyển khối lượng; bổ sung nhà thầu phụ; xem xét chấm dứt hợp đồng và cấm tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý từ 03 - 05 năm. Đối với các đơn vị hoàn thành tiến độ, sẽ được Bộ GTVT xem xét ưu tiên tham gia thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc giai đoạn 2”, ông Thọ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định các doanh nghiệp tham gia vào các công trình hạ tầng chiến lược như cao tốc Bắc – Nam phải thể hiện được bản lĩnh, năng lực và quyết tâm, trách nhiệm cao nhất trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, chung sức, đồng lòng cùng cả nước vượt qua khó khăn chung trong bối cảnh hiện nay.