Nhiều bước sàng lọc, định hướng
Đầu tháng 8/2023, khi làm thủ tục nhập học cho con, phụ huynh Phan Thanh Như, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 chia sẻ: “Vào tháng 4, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 và ban giám hiệu trường THCS con tôi học có giới thiệu về chương trình THPT nhưng thực tình lúc đó, không chỉ tôi mà hầu như phụ huynh trong lớp chỉ bận tâm duy nhất việc con chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực để trúng tuyển trường công. Bây giờ mới thực sự bước vào giai đoạn khó khăn để chọn tổ hợp môn sao cho phù hợp với sở trường, đam mê, định hướng nghề nghiệp tương lai”.
Học sinh Nguyễn Thanh Châu, trúng tuyển nguyện vọng 1 vào một trường THPT có điểm chuẩn ở tốp đầu của Tp.HCM cũng nói, thời điểm làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng dự thi lớp 10, em chỉ tập trung chọn trường mình thích, vừa phù hợp với sức học lại có bạn thân cùng đăng ký. Bây giờ đến lúc trúng tuyển, học sinh này và bạn bè đang trao đổi xem ngành nghề, trường đại học định hướng thuộc lĩnh vực kinh tế hay kỹ thuật hay nhân văn, từ đó sẽ lựa chọn trong tổ hợp của nhà trường.
Thời gian qua, các trường THPT tại Tp.HCM khẩn trương triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ phụ huynh và học sinh lớp 10 trước khi bắt đầu năm học mới. Trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú đã tổ chức hoạt động giới thiệu về chương trình mới, cách chọn tổ hợp môn và ngành nghề tương lai, phương thức tuyển sinh đại học, thông tin sách giáo khoa và quy trình nộp hồ sơ.
Rút kinh nghiệm năm học trước, trường đã có một số thay đổi cho phù hợp với dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT và yêu cầu của xã hội, đồng thời phù hợp với nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở của nhà trường. Cụ thể, trường giảm từ 12 tổ hợp xuống còn 5 tổ hợp, trong đó có 4 tổ hợp khoa học tự nhiên.
Ông Nguyễn Đức Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Mỗi học sinh được đặt 2 nguyện vọng. Trường sẽ dựa trên số lượng, học lực của học sinh để phân bổ lớp. Chúng tôi ưu tiên đáp ứng nguyện vọng đầu tiên vì đó là định hướng nghề nghiệp của học sinh, không thể làm theo chủ đích của nhà trường”.
Đại diện nhà trường này cũng cho rằng, đa phần phụ huynh, học sinh thấy khó khăn là vì chưa hiểu rõ về chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường đã giải thích để phụ huynh hiểu là ngoài 8 môn bắt buộc, các em phải học thêm 1 tổ hợp gồm 4 môn tự chọn nhưng cần dựa trên năng lực và sở thích của các em. Việc học ít môn hơn không ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp, nhưng sẽ liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của các em.
Ông Đỗ Dương Cung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Tp.Thủ Đức cho hay, trường đã căn cứ trên lịch sử thi tốt nghiệp THPT và đầu vào đại học của trường trong nhiều năm để xác định việc chia tổ hợp. Theo đó, năm học 2023-2024, trường có 6 tổ hợp cho 540 em trúng tuyển vào lớp Mười, trong đó có 4 tổ hợp định hướng khoa học tự nhiên và 2 tổ hợp định hướng khoa học xã hội.
Đề cao vai trò tư vấn của giáo viên
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, Tp.Thủ Đức, cho hay, năm học trước, nhà trường xây dựng tổ hợp và học sinh đăng ký thì có những học lúng túng vì chỉ thích 3/4 môn của tổ hợp đó, còn lại không thích. Đến năm học này, nhà trường không xây dựng tổ hợp trước mà học sinh tự đăng ký, đề xuất nguyện vọng của mình.
Ngoài những môn học bắt buộc, học sinh biên chế theo lớp cố định, với những môn tự chọn, nhà trường sẽ sắp xếp thời khóa biểu để các em có thể di chuyển đến từng phòng dạy môn học cụ thể.
“Nếu không tư vấn kỹ càng, phụ huynh, học sinh sẽ lựa chọn mà chưa hiểu về định hướng nghề nghiệp. Trong quá trình tư vấn, giáo viên phụ trách phải giúp phụ huynh, học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc chọn lựa môn học, để chọn lựa một cách nghiêm túc, có trách nhiệm nhất”, bà Hảo nhấn mạnh.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, kết thúc năm học 2022-2023, trường này có 35 em xin đổi tổ hợp môn học. Các em sẽ được nhà trường tổ chức các buổi học để bổ sung kiến thức. Năm học này trường tổ chức 7 tổ hợp môn để học sinh chọn lựa. Do không tuyển được giáo viên nên năm học lại “vắng bóng” hai môn âm nhạc, mỹ thuật.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, để chọn tổ hợp môn phù hợp, học sinh cần xác định nghề, ngành học mình muốn theo đuổi.
"Các em cần lắng nghe bản thân, đánh giá nội lực. Trong trường hợp chưa biết mình thích làm nghề gì, học ngành nào thì xác định mình thích môn tự nhiên hay môn xã hội? Bởi khi bản thân thích môn học nào sẽ phát huy khả năng và thế mạnh của mình", Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ.
Trong những buổi tư vấn đăng ký chọn môn học lựa chọn cho học sinh lớp 10, Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi ghi nhận những băn khoăn của phụ huynh học sinh đều xoay quanh tiêu chí để chọn lớp tự nhiên, xã hội cũng như sự khác biệt giữa các lớp trong cùng một ban, việc chuyển đổi môn học thế nào nếu chọn chưa phù hợp…
Ông Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung chia sẻ, chỉ một số ít học sinh thực sự nghiêm túc nghiên cứu ngay từ đầu cách thức tổ chức môn học lựa chọn của trường. Còn lại, đại đa số phụ huynh học sinh vẫn còn băn khoăn về chương trình mới, môn học lựa chọn, chọn nhóm môn học nào.
Thúc đẩy học sinh chủ động, có trách nhiệm
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là hướng đến năng lực và phẩm chất của học sinh. Do vậy, chương trình sẽ gắn với các thay đổi phù hợp của việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.
“Bộ GD&ĐT sẽ có những hướng dẫn chi tiết. Điều quan trọng là học sinh khi đã chọn các môn thế mạnh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp và với quá trình học tập, rèn luyện của các em để đạt được năng lực và các phẩm chất của môn học thì đánh giá cuối bậc học sẽ không phải là vấn đề khó vượt qua”, ông Quốc chỉ ra.
Đồng thời, việc lựa chọn hướng nghề nghiệp để lựa chọn các môn tương ứng rất quan trọng. Cho nên, các thay đổi trong quá trình học sẽ ảnh hưởng đến cá nhân học sinh như: thời gian bổ sung kiến thức, tâm lý, sự hòa nhập trong môi trường học tập khi thay đổi,...
Nếu bản thân các học sinh chưa chắc chắn trong lựa chọn định hướng nghề nghiệp thì nên lựa chọn nhóm môn mà ít ảnh hưởng đến sự thay đổi để tránh gặp các khó khăn trong quá trình học tập.
Về việc tư vấn, sắp xếp lớp học với các môn học lựa chọn cho học sinh khối 10 năm học 2023-2024, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Sở đã có chỉ đạo các trường THPT xây dựng phương án thực hiện môn học lựa chọn, các cụm chuyên đề học tập lựa chọn phù hợp.
Từ đó, với định hướng nghề nghiệp và điều kiện thực tế nhà trường để học sinh được lựa chọn các môn học, các chủ đề, chuyên đề học tập theo nguyện vọng và phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.
Trong đó, các trường cần cố gắng có nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh học sinh trên cơ sở về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, kế hoạch tổ chức của nhà trường, giúp “học sinh được lựa chọn” các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn theo hướng phân hóa sâu đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.
Để học sinh khối 10 chọn lựa được đúng nhóm môn học theo năng lực, mục tiêu định hướng nghề nghiệp và hài hòa với cách thức tổ chức của trường, các trường THPT cần phải đặc biệt chú trọng thực hiện các hình thức tư vấn, thông tin đầy đủ các môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập lựa chọn.
Nhà trường phải cung cấp thông tin dạy học môn học lựa chọn, quy định việc chuyển đổi môn học lựa chọn trên trang thông tin điện tử cho học sinh và cha mẹ học sinh đầu cấp nắm, hiểu.
“Trong quá trình tư vấn, xếp lớp môn học lựa chọn cho học sinh lớp 10, Sở GD&ĐT Tp.HCM đã chỉ đạo các trường tuyệt đối không đưa ra các điều kiện, phương án trong đó có sử dụng điểm số như điểm thi tuyển sinh vào lớp Mười, điểm các môn học liên quan trong học bạ THCS… để làm cơ sở sắp xếp học sinh học môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập lựa chọn do trường xây dựng. Tùy tình hình thực tế của từng trường, trên cơ sở tư vấn, trao đổi với cha mẹ học sinh về định hướng nghề nghiệp và năng lực học sinh để đáp ứng nguyện vọng của học sinh một cách phù hợp nhất", ông Nguyễn Bảo Quốc khẳng định.
Học sinh đổi tổ hợp môn, tùy điều kiện của nhà trường
Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho hay, việc công bố các môn học lựa chọn được tổ chức ở mỗi trường phụ thuộc vào điều kiện của nhà trường (các trường THPT đã công bố trước khi có kết quả tuyển sinh vào lớp 10). Vì vậy, việc chọn lựa của học sinh phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đáp ứng của nhà trường.
“Học sinh hãy tận dụng những điều kiện mà nhà trường có được thông qua việc chọn lựa để giúp mình thực hiện các mong muốn được học những môn yêu thích. Các em cần tự tạo thêm cơ hội để học tập thông qua tự học hoặc bằng các hình thức học tập khác để có thể thành công trong hoạt động nghề nghiệp tương lai”, ông Tân khuyến khích.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT.
Từ đó, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM cho rằng, việc thay đổi lựa chọn tổ hợp môn học với từng trường hợp sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, từng trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất,... nên sẽ có những hướng dẫn cụ thể.