Công tác cán bộ là công tác cốt yếu
Mới đây, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”. Quy định này đã nhận được sự quan tâm của dư luận.
Có thể nói, câu chuyện về cán bộ và sử dụng cán bộ được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến đánh giá của nguyên ĐBQH Bùi Đức Thụ, nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
Theo đó, đánh giá về công tác cán bộ, ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh: “Công tác cán bộ là công tác cốt yếu của Đảng, giữ vị trí hết sức quan trọng. Nếu công tác cán bộ làm không tốt thì không những nền kinh tế của đất nước phát triển không cao, thiếu bền vững mà còn có thể dẫn đến bất ổn về xã hội. Vì vậy, công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm và hết sức quan trọng”.
Bày tỏ ý kiến của mình về Quy định 205 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”, ông Bùi Đức Thụ cho hay: “Để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, với tinh thần chống kiểm soát quyền lực trong việc bố trí cán bộ, hạn chế chống việc chạy chức chạy, chạy quyền thì Quy định này là hết sức đúng đắn, kịp thời”.
Phải bố trí đúng người, đúng việc
Theo ông Bùi Đức Thụ, vừa qua, vấn đề bố trí cán bộ vẫn đảm bảo đúng quy trình, tuy nhiên, một số nơi, một số vị trí còn mang tính hình thức dẫn đến bố trí cán bộ không đúng, không trúng.
“Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, đây là bài học rất đau lòng. Vì vậy, tôi thấy công tác cán bộ cần công khai, minh bạch để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng chạy chức, chạy quyền, không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy trình thủ tục”, ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.
Nói về công tác bố trí cán bộ, làm sao đảm bảo tính khách quan, trung thực, ông Bùi Đức Thụ cho rằng: “Ngoài yêu cầu về năng lực thì phải bố trí cán bộ quan tâm đến đạo đức, phẩm chất, tính kiên định và bản lĩnh chính trị. Nếu năng lực không đủ, đạo đức yếu kém thì sẽ dẫn đến sự trì trệ.
Trong đó, đạo đức, phẩm chất, năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo quản lý điều hành là yếu tố quan trọng nhất. Những điều này phải được thể hiện trong thực tiễn, bằng những hành động cụ thể trước những tồn tại của xã hội… Đồng thời, phải chịu sự giám sát từ mọi hướng, kể cả giám sát của đảng viên, của công dân trong xã hội”.
Quy định 205 cũng nêu rõ, không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cùng cấp uỷ; chủ tịch Uỷ ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra cùng cấp ở một địa phương; thành viên trong cùng ban cán sự đảng, đảng đoàn; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị… Dư luận cho rằng, điều này thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn những người thân “chui” vào bộ máy.
Về luồng ý kiến này, ông Bùi Đức Thụ cho biết: “Quy định 205 có cấm một số trường hợp có quan hệ huyết thống, gia đình trong việc nắm giữ một số chức danh. Nếu vi phạm điều này sẽ phát hiện được ngay. Mấu chốt là phải bố trí đúng người, đúng việc”.
Từ những phân tích trên, ông Bùi Đức Thụ cho rằng, những quy định và giải pháp cụ thể, kể cả chế tài cũng đã được quy định rõ. Vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm những quy định này được chấp hành nghiêm trong thực tiễn.
“Để đảm bảo bố trí đúng cán bộ, tôi cho rằng cần dân chủ, phải công khai minh bạch. Nếu không đảm bảo dân chủ thì việc bố trí cán bộ sẽ sai, sẽ xảy ra việc chạy chức chạy quyền”, ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.