Người mua, người bán đều lúng túng
Chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, các sàn thương mại điện tử đang tung ra những chiến dịch khuyến mãi, ưu đãi lớn để thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, mua sắm online cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro mà người tiêu dùng cần chú ý.
Chị Nguyễn Thị Hà, ngụ quận Bình Tân, Tp.HCM chia sẻ: “Mặc dù khá cẩn trọng khi mua hàng online, chỉ lựa chọn mua tại những trang bán hàng lớn, có uy tín, song nguy cơ lộ thông tin cá nhân khi mua hàng vẫn xảy ra. Thời gian gần đây, tôi thường xuyên nhận các cuộc gọi, tin nhắn từ những số điện thoại tự xưng là nhân viên của các công ty lớn để thông báo trúng thưởng, mời chào tham gia dự án,…”.
Còn chị Trang Thu Hiền, ngụ quận 12 cho biết: “Để bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro khi mua sắm trực tuyến, trước khi mua sản phẩm tôi thường tham khảo các đánh giá, bình luận về sản phẩm để có cái nhìn rõ ràng, chính xác hơn về sản phẩm định mua. Kiểm tra kỹ địa chỉ website, chọn mua hàng từ những địa chỉ uy tín, tin cậy, có chính sách bán hàng, trả hàng, bảo hành, khiếu nại và đầy đủ thông tin liên hệ”.
Thương mại điện tử đang hỗ trợ các nhà sản xuất và kinh doanh thuận lợi hơn trong việc bán hàng và tiếp cận khách hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà bán hàng cho rằng vẫn còn nhiều rào cản và khó khăn khi kinh doanh và đưa hàng hóa lên chợ online.
Chị Hoài Thu, đại diện Rebaca, doanh nghiệp bán mỹ phẩm trên nền tảng TikTok Shop và quảng bá sản phẩm trên TikTok, phản ánh TikTok đã 4 lần tăng mức phí thanh toán, giai đoạn đầu chỉ 1,5%, sau đó nhích lên tăng, liên tục tăng và hiện đã là 10,8%.
Theo chị Thu, Rebaca bán hàng trên TikTok Shop gần 2 năm chủ yếu qua hình thức tiếp thị liên kết. Từ đó đến nay, các chi phí vận hành trên sàn doanh nghiệp đã thanh toán đầy đủ, nhưng phía Tiktok Shop lại không xuất hoá đơn để doanh nghiệp có chứng từ về chi phí quảng cáo. Do vậy, doanh nghiệp không thể tính vào chi phí để được khấu trừ thuế, kể cả chi phí liên quan đến tiếp thị liên kết.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH một thành viên Trái Dừa ở Tp.HCM, bà Lê Thị Phượng Diễm, cũng nêu bức xúc các sàn TMĐT liên tục tăng phí lên cao gây khó cho các nhà bán hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, sàn TMĐT S.... đã 2 lần tăng phí thanh toán. Lần đầu tăng từ 2,5% lên 3%; không lâu sau đó chủ sàn này tiếp tục tăng từ 3% lên 4%, áp dụng từ ngày 1/9 vừa qua.
“Nhìn qua các con số tăng trên thì tưởng chừng là không đáng kể. Tuy nhiên, để doanh nghiệp hoạt động được, phải trả thêm cho chi phí cố định, phí quảng cáo… nâng tổng chi phí lên đến 22-23% doanh thu. Đây là tỷ lệ rất cao và hoàn toàn phụ thuộc vào “luật chơi” của họ," bà Diễm nói.
Cần tăng cường quản lý
Nói về vấn đề kiểm tra, giám sát việc ban hành mức phí của các sàn TMĐT, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc tăng phí thanh toán trên các sàn hiện nay là thoả thuận dân sự giữa các sàn và người bán hàng trên sàn.
Thế nhưng, theo thỏa thuận ban đầu giữa hai bên, có thể việc tăng phí thanh toán phải được thông báo trước trong bao nhiêu ngày. Các sàn phải nêu rõ cách thức tính giá dịch vụ. Từ đó, nhà cung cấp có quyền tham gia hoặc không tham gia.
Ông Tuấn cũng nói thêm, khi các sàn có quyền tăng giá, phí thanh toán thì các nhà cung cấp có quyền khiếu nại theo quy định khi cảm thấy việc tăng này là không cạnh tranh lành mạnh. Nhà cung cấp có thể gửi đơn, yêu cầu khiếu nại, phản ánh đến Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (trước đây là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng).
Trong khi đó, ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng của sàn Tiki, cũng cho rằng rào cản lớn nhất cho người tiêu dùng chuyển từ mua trực tiếp sang trực tuyến chính là vấn đề chất lượng hàng hóa khi mà vẫn còn nhiều hàng giả, nhái, đáng chú ý người bán hàng là cá nhân, không phải doanh nghiệp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng chính hãng.
Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý hàng giả, hàng lậu trên TMĐT hiện nay của cơ quan chức năng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội, do khi tạo lập tài khoản bán hàng trên các nền tảng này thì các đối tượng thường sử dụng thông tin giả, cơ quan chức năng rất khó xác định đối tượng vi phạm và nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra, xử lý. Mặt khác, hàng hóa giao dịch thường thông qua các đơn vị vận chuyển độc lập với số lượng ít nên khó phát hiện.
Ngoài ra, ông Phạm Xuân Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường Tp.HCM khẳng định, theo quy định, sàn TMĐT phải tự rà soát, thống kê, phân loại và có cơ chế ngăn chặn hàng hóa vi phạm. Các sàn phải phối hợp khi cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin những đối tượng có dấu hiệu vi phạm trên sàn, phục vụ công tác thẩm tra xác minh chủ hàng và nơi chứa trữ hàng hóa.
“Tuy nhiên, nhiều vụ việc khi tiếp nhận phản ánh của người tiêu dùng, chúng tôi liên hệ đề nghị sàn TMĐT cung cấp thông tin nhưng họ cung cấp rất sơ sài, rất khó để xác minh. Cục Quản lý thị trường gửi văn bản thông báo đến sàn TMĐT để lọc những đối tượng bị phản ánh chứ thực tế không xử lý được do không xác định được đối tượng vi phạm, cũng không xác định được hàng hóa vi phạm để xử lý. Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính, chúng tôi cần sự phối hợp chặt chẽ của sàn TMĐT”, ông Việt nói.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM cho biết, những năm gần đây, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến.
"Người dân và doanh nghiệp đã quen dần và thích nghi nhanh chóng với các hoạt động giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, TMĐT Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức và hạn chế để có thể đuổi kịp với nền TMĐT trên thế giới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT tại Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực TMĐT", ông Lữ nêu thực tế.