Thế nhưng, không lâu sau thì phạm tội và bị cách chức. Mất đất dung thân, trong khi quân Tây Sơn đuổi đánh, Môn Lai Phu Tử đã đã mang theo những người thân thuộc và báu vật lên vùng cao ở với người Churu. Vì vậy các nhà khoa học mới thấy các ấn tín, triều phục và đồ dùng bằng vàng ở các Bơ- Mung của người Churu vùng Tà In, Tà Năng (thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) ngày nay. Đó là những gì sử cũ ghi lại.
Lãnh tụ của đoàn người từ hướng Đông
Như ở kỳ trước chúng tôi đã giới thiệu. Sau khi thu được các con dấu, ấn tín được cho là của các bậc quyền cao chức trọng người Chàm tại đền Sópmadronhay, đoàn nghiên cứu của ông Nghiêm Thẩm cho rằng, những báu vật trên là của một phiên vương người Chàm, thuộc giai đoạn cuối thế kỷ 18, cũng là giai thời bờ cõi nước Đại Việt mở rộng biên giới về phương Nam.
Trở lại các nguồn sử liệu thời phong kiến, thì ông Nghiêm Thẩm đánh dấu vào một nhân vật có thật đó là Môn Lai Phu Tử. Trong quyển "Đại Nam Thực lục Chính biên" (Quyển 5) và "Đại Nam Chính biên Liệt truyện" (sơ tập quyển 33) có chép rằng, trong cuộc chiến Tây Sơn và chúa Nguyễn, năm Canh Tuất 1790, tại vùng đất thuộc Ninh Thuận- Bình Thuận ngày nay vương quốc Chàm do yếu hơn nên lệ thuộc vào chúa Nguyễn.
Để được ủng hộ, con vua Chàm ở Thuận Thành là Môn Lai Phu Tử đã đồng ý giúp quân lương cùng Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn. Môn Lai Phu Tử chính thức được chúa Nguyễn phong cho chức Chưởng Cơ trấn ngay trên vùng đất của mình. Môn Lai Phu Tử lấy tên Việt là Nguyễn Văn Chiêu (mang họ nhà Nguyễn). Tuy nhiên, thời gian sau thì bị phế truất, Nguyễn Ánh lên ngôi thống nhất bờ cõi. Rất có thể sau khi bị cách chức, Môn Lai Phu Tử cùng dòng dõi Phiên vương của mình đã mang theo những người thân thuộc lên miền núi ở với đồng bào Churu mà nay là vùng Tà In, Tà Năng thuộc huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
Thực tế, ở vùng đất Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết (nay là Ninh Thuận, Bình Thuận) từng diễn ra những cuộc tàn sát người Chàm liên quan đến vị thủ lĩnh chống nhà Nguyễn ở Gia Định năm 1833. Sau khi Lê Văn Khôi chiếm được thành Gia Định, lập triều đình riêng, thanh thế mạnh, một số đông con cháu của vua Chàm đã cộng tác với Lê Văn Khôi. Nhưng sau khi nhà Nguyễn lấy lại được thành Gia Định, một cuộc truy sát những người "phản bội" triều đình rất dã man.
Rất có thể sau khi dòng họ phiên vương Chàm "đắc tội" với nhà Nguyễn trong vụ hợp tác với Lê Văn Khôi chống triều đình cũng bị truy sát trong giai đoạn đó. Những người này phải chạy tứ tán khắp nơi, sang Campuchia, còn một phần đã dẫn nhau lên núi sống ẩn dật với đồng bào Churu và mang theo các bảo vật của vua Chàm tổ tiên của họ. Điều này có cơ sở, vì thực tế văn hóa giữa người Chàm và người Churu ngày nay có nhiều nét rất tương đồng như: Ngôn ngữ, phong tục cúng bái hoặc kỹ thuật kim khí làm trang sức.
Một phong tục mà người Churu vẫn giữ được là thường nhận những hộp Klon (hộp đựng xương người) từ người Chàm. Theo phong tục của người Chàm (đạo Bàlamôn) thì sau khi chết xác người được thiêu và chỉ giữ lại 9 mảnh xương trán. Những mảnh xương này được bỏ vào một hộp được gọi là Klon. Hộp Klon của vua Chàm được người Churu cất giữ trong các ngôi Bơ- Mung và chôn ở một nơi kín đáo và được canh giữ cẩn thận, đó là những gì mà người Churu ở Tà In kể lại với chúng tôi.
Toàn cảnh đền Sopmaronhay
Sự biến mất của các "kho báu"
Trong cuộc trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Đoàn Bích Ngọ (Phó giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng), người từng trực tiếp đi khảo sát các ngôi đền chứa cổ vật ở các làng Churu vào năm 1992 cho biết, đến nay vẫn chưa xác định được chính xác chủ nhân của các "kho báu" của người Chàm thuộc giai đoạn nào. Tuy nhiên, việc người Churu đã trông coi hộ những cổ vật mà người Chàm mang đến và được họ cẩn trọng gìn giữ thờ tự là hoàn toàn có thực. Tuy nhiên, bà và các cộng sự của mình không khỏi thất vọng rằng, vào năm bà trở lại các ngôi đền xưa thì các "kho báu" chỉ còn là dấu tích. Những cổ vật mà các nhà khoa học Pháp và đoàn khảo cứu của ông Nghiêm Thẩm từng liệt kê, ghi chép kỹ lưỡng hồi đầu và nửa thế kỷ 20 đã biến mất vĩnh viễn.
Bà Ngọ cho biết, khi trở lại vào năm 1992 chỉ còn thấy một số đồ vật ít giá trị như chén, đĩa, bát ăn cơm cùng một số nòng súng hỏa mai bị gỉ sét gần hết mà thôi. Đau lòng hơn, một số ngôi đền còn bị tháo dỡ chỉ còn nền trốëng hoác, mất cả kiến trúc cổ ban đầu. "Mục đích của chuyến đi thực địa năm đó là thống kê làm cơ sở để có biện pháp phục dựng, thế nhưng cả đoàn chúng tôi ai nấy đều thất vọng ê chề khi các cổ vật đã hoàn toàn biến mất. Vì thế công tác phục dựng cũng đành dừng lại từ đó", bà Ngọ cho biết.
Theo lời kể của bà Ngọ, năm đó đoàn cán bộ bảo tàng đã khảo cứu và kiểm kể phổ thông ở 2 địa điểm là đền Sóp và Krayo ở vùng Tà In. Ngày đó vẫn còn người trông giữ đền, có thầy cúng và già làng. Để vào được đền người "ngoại đạo" như bà Ngọ cũng phải "dâng" một con dê làm lễ vật, có sự chứng giám của cả những người cao tuổi trong làng và dân chúng.
Một lễ cúng rất cầu kỳ do thầy cúng đứng ra xin "thần linh" xong mới được vào đền. Đền Sóp (tại làng Sóp) lúc đó là ngôi chòi được dựng bằng cây, cột là gỗ tròn, mái và vách đều lợp bằng ván, cảnh quan rất sơ sài. Thời điểm năm 1992, đền Sóp đã được chuyển chỗ đến 5 lần, mỗi lần chuyển dân làng đều kéo nhau làm và hộ tống các cổ vật đến địa điểm mới. Vì theo tục lệ của người Churu thì cứ 50 năm, đền lại được chuyển chỗ một lần, các địa điểm đều phải ở trong vùng. Phải chăng đó là cách giấu cổ vật qua các cuộc chạy loạn của vua Chàm truyền lại của người Churu?
Tại đền Krayo ở thôn Klongbông thì hiện thực cũng tương tự. Ngôi đền cũng làm từ các loại vật liệu tự nhiên: Gỗ, tre, là và kiến trúc rất sơ sài. Đền Krayo được bà Ngọ mô tả là, có 2 nhà, nhà lớn rộng chừng 24m2, có 9 cột gỗ tròn. Xung quanh vách được che bằng phên lồ ô đập dập. Chỉ riêng vách phía Tây (nơi để bàn thờ) là được làm bằng ván ghép.
Bên trong đền cũng có hai bàn thờ đơn giản ở hai bên. Phía dưới có kê một sạp ván làm nơi ngồi cúng lễ và ăn uống của thấy cúng và dân làng. Bên cạnh nhà lớn là ngôi nhà sàn nhỏ với 8 cột gỗ tròn, hai gian được nối với nhau bằng hai thanh gác sàn bằng gỗ. Ở mỗi gian có một rương bằng gỗ đựng đồ đạc được cho là của vua và hoàng hậu. Phần gác sàn thì để súng, những khẩu súng hỏa mai bị mối mọt đục hết báng, chỉ còn lại nòng gỉ sét.
Đền Krayo ngày trước từng chứa rất nhiều cổ vật như các hộp Klon đựng xương của vua chúa đều làm bằng vàng, 500 bát và 4 mâm thờ bằng bạc. Một vương miện bằng vàng, 4 rương quần áo có viền vàng và 52 cây súng hỏa mai. Nhưng năm 1992, đoàn cán bộ của bà Ngọ kiểm kê thì chỉ còn18 nòng súng dài và ngắn. Một chiếc bình bằng bạc bị bẹp rúm, 5 cái bát lớn nhỏ men trắng vẽ lam. Đặc biệt có một bát nhỏ men màu trắng đục xung quanh có trang trí hoa văn hình cánh sen, giữa thân có vẽ rồng ba móng. Ngoài ra không còn vật nào có giá trị nữa.
Dân làng nơi đây cho biết, những năm chiến tranh, vùng đất này thuộc sự cai quản của quân đội Mỹ- Ngụy. Năm 1968-1969 thời điểm Mỹ- Ngụy đẩy mạnh chiến tranh, nhiều vụ càn quét đã diễn ra ngay trên quê hương người Churu, chính bom đạn đã thiêu rụi những cánh rừng trong đó có các ngôi đền thờ cổ vật trên. Người dân quanh đền Krayo còn cho biết, những tốp lính đổ bộ bằng máy bay, sau khi tràn vào làng đã đến "viếng" các ngôi đền trên và những cổ vật quý giá từ đó biến mất, họ chỉ bỏ lại những thứ đồ sành sứ ít giá trị.
Cho đến sau này, khi hòa bình trở lại người dân ở các ngôi làng hẻo lánh này lại phải đối mặt với nạn săn lùng cổ vật của các dân buôn. Đó là lý do vì sao số cổ vật còn lại trong các ngôi đền cổ bị "vét" sạch và đến nay chỉ còn lại tàn tích.
Đền thờ vua Chàm Theo lời kể của người dân sống cận đền thì, đền Krayo thờ vua Chàm Poklongkahul và hoàng hậu Poklongnaiqua (sử liệu cũ ghi lại rằng, năm 1840 vua Thiệu Trị đã ra chiếu Chiêu an và truy phong cho dòng dõi vua Chàm này). Hàng năm vào ngày 15/5 dương lịch, đền tổ chức cúng lễ lớn, dân làng tụ tập đông đủ, thầy cúng Churu bận y phục Chàm để tế lễ theo phong tục của người Chàm. Dân làng còn cho biết, trước 1930 còn có bà Ma Thèm (vốn dòng dõi con cháu của vua Chàm) ở Bình Thuận vẫn thường niên mang lễ vật lên đền Krayo để thờ cúng, nhưng về sau bà này chết đi, có lẽ không ai còn nhớ nữa nên tập tục ấy cũng biến mất. |
Kỳ Anh
(Còn nữa)