Chủ quán dê thoát bẫy kẻ lừa đảo với chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô"

Chủ quán dê thoát bẫy kẻ lừa đảo với chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô"

Thứ 4, 07/08/2024 20:02

Nhờ vào việc cảnh giác với các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một chủ quán dê trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thoát được cái bẫy lừa mà các đối tượng này giăng ra.

Ngày 7/8, trò chuyện với Người Đưa Tin, anh Nguyễn Hữu Quốc H., SN 1988, chủ quán dê T. D. đóng tại đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, Tp.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, thời gian vừa qua, anh liên tục nhận được cuộc gọi từ các số điện thoại lạ đến để yêu cầu đặt nhiều bàn tiệc với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo anh H., mới đây nhất anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0865829xxx của một người phụ nữ giới thiệu tên là Thủy. Sau đó, người phụ nữ này đưa ra yêu cầu muốn đặt 5 bàn tiệc cho 50 khách với giá 2.500.000 đồng/bàn, đồng thời đặt cọc cho quán 500.000 đồng để làm tin.

"Sau khi chốt các món xong, Thủy lại sử dụng Zalo cùng tên nhưng lại đăng nhập bằng số điện thoại khác và truy cập trên máy tính. Khi tôi gọi video cho Thủy để xác nhận thì Thủy đưa ra lý do mình đang truy cập bằng máy tính nên không thể phản hồi được", anh H. nói.

Anh H. cho biết, ngay sau đó, tài khoản Zalo này liên tục nhắn tin cho anh và đưa ra đề nghị nhờ quán của anh mua rượu ngoại cho sếp. "Dù tôi đã thông báo quán không có loại rượu mà Thủy đề nghị thế nhưng tài khoản Zalo này tiếp tục gợi ý, giới thiệu rồi đưa cho tôi một số điện thoại nhờ tôi liên hệ để mua giúp với cam kết sẽ thanh toán đầy đủ", anh H. chia sẻ.

Chủ quán dê thoát bẫy kẻ lừa đảo với chiêu "thả con săn sắt, bắt con cá rô"- Ảnh 1.

Nhờ cảnh giác mà anh H. đã thoát được bẫy lừa do các đối tượng giăng ra.

Cũng theo anh H., trước lời đề nghị "đặc biệt" của người phụ nữ này, anh liền tỏ ra nghi vấn đây rất có thể là một hình thức lừa đảo mới mà trước đó cơ quan chức năng trên địa bàn đã phát đi thông báo cho người dân để cảnh giác.

Nhằm làm rõ nghi vấn của mình, anh H. đã vào mạng để tìm hiểu thì phát hiện trường hợp của mình rất giống với những trường hợp khác đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trước đó.

"Sau khi hình dung được thủ đoạn lừa đảo của đối tượng, tôi liền chủ động gọi vào số điện thoại mà Thủy cung cấp để hỏi mua rượu thì được phía cung cấp rượu yêu cầu tôi phải cọc trước 30% cho 5 chai rượu ngoại với giá 10.000.000 đồng thì mới xuất rượu. Lúc này, nhận thấy nghi vấn của mình là hoàn toàn có cơ sở nên tôi đã gọi lại cho Thủy để yêu cầu Thủy chuyển thêm tiền cọc để trả tiền rượu thì đối tượng này không đồng ý, biết không thể lừa được tôi nên Thủy đã bắt đầu gây sức ép để tôi phải mua cho bằng được số rượu theo đề nghị nếu không sẽ hủy tiệc và yêu cầu tôi phải chuyển trả tiền cọc lại, đồng thời Thủy còn đưa ra lời đe dọa sẽ đánh sập quán của tôi", anh H. kể lại.

Cũng với thủ đoạn trên, trước đó, bà Trần Thị Thanh H., chủ nhà hàng S.H, phường Thuỷ Dương, Tx.Hương Thuỷ cho biết, bà vừa bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt số tiền 4.315.000 đồng thông qua việc đặt tiệc và nhờ mua rượu.

Cụ thể, bà H. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0359091xxx gọi đặt ăn với số lượng khách đặt ăn khoản 35-40 người với suất ăn 400.000 người/suất ăn chưa kể nước uống. Tổng giá trị khoảng 16.000.000 đồng.

Sau khi đặt xong, người này đã điện thoại lại báo bà H. mua cho khách một loại rượu trên nhãn hiệu là Chateau Armaichal và một loại Lé Bécases. Tuy nhiên, sau khi tìm mua trên thị trường không có, bà H. đã điện lại báo khách.

Sau đó, người này liền cung cấp cho bà H. số điện thoại người cung cấp loại rượu trên với số điện thoại là 0382078xxx để đặt mua.

“Tôi đã liên lạc với người mà khách cung cấp số điện thoại. Sau khi thỏa thuận mua số rượu trên thì người có số điện thoại 0382078xxx bảo tôi chuyển số tiền là 4.315.000 đồng”, bà H. cho biết.

Tiếp đó, bà H. cẩn thận điện thoại lại cho khách và đề nghị chuyển tiền đặt hàng để trả tiền rượu.

“Sau đó, khách gửi qua Zalo cho tôi hình ảnh đã chuyển tiền tạm ứng là 15.000.000 đồng và đã chuyển thành công. Dò trên tài khoản không có tiền, tôi lại điện thoại cho khách và nói là không nhận được tiền. Tuy nhiên, người này lại bảo do ngày hôm nay là ngày thứ Bảy nên việc chuyển khoản dễ bị trục trặc, đến chậm. Do chủ quan tin tưởng hình ảnh khách gửi và đã làm việc với người bán rượu nên tôi đã chuyển số tiền 4.315.000 đồng cho người bán rượu”, bà H. chia sẻ.

Thế nhưng khi đến giờ đặt tiệc, thấy rượu đặt chưa đến, bà H. liền gọi điện cho người bán rượu thì phát hiện số điện thoại trên không còn nữa. Tương tự, gọi lại cho khách đặt tiệc cũng không liên lạc được, lúc này bà H. mới biết mình bị lừa.

Được biết, thủ đoạn lừa đảo như trên không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế mà còn ở nhiều địa phương khác. Nhiều chủ quán ăn, nhà hàng đã bị lừa với với số tiền từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo xây dựng kịch bản rất tinh vi, thông tin đưa ra rất logic và thuyết phục. Các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản Zalo liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục làm cho bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép và làm theo kịch bản của chúng giăng ra.

Đồng thời, các đối tượng này còn làm giả thông tin lệnh chuyển tiền thành công để bị hại tin tưởng. Do đó, các cơ sở kinh doanh ăn uống cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo này, nhất là những yêu cầu đặt tiệc qua điện thoại, mạng xã hội.

 Công Định

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.