Cấm xuất cảnh vì nợ thuế thu nhập cá nhân
Ngày 28/3, UBND Tp.HCM đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN).
Theo báo cáo này, cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) do nợ thuế thu nhập cá nhân.
Đồng thời, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng hoạt động và diễn biến vụ việc khiến gần 1.200 học sinh của Trường AISVN phải nghỉ học giữa chừng.
Theo đó, Trường AISVN được thành lập trên cơ sở đề nghị của Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, do bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch HĐQT, đứng tên đại diện, đã ký kết nhiều loại hợp đồng dưới hình thức vay vốn với một số phụ huynh có con em đang học tại trường, kèm điều khoản: vay vốn, không tính lãi suất của khoản tiền vay trong suốt thời gian học sinh tham gia chương trình đào tạo.
Khi học sinh chấm dứt chương trình đào tạo, trường sẽ hoàn trả số tiền đã vay trong thời gian nhất định.
Ngày 21/9/2023, theo ghi nhận của cơ quan báo chí, nhiều phụ huynh đã tập trung tại cổng trường căng băng rôn đòi nợ với lý do đến hạn, trường vẫn không thực hiện hoàn trả số tiền nêu trên theo điều khoản của hợp đồng…
Vụ việc kéo dài nhiều tháng và cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc làm việc.
Khó khăn về tài chính dẫn đến nhà trường nợ lương giáo viên, người lao động kéo dài. Vì thế, nhiều giáo viên của trường đã đình công, nghỉ dạy.
Tính đến tháng 3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình kiểm tra ghi nhận có khoảng 37% giáo viên nghỉ dạy.
Sau khi có bản cam kết về lộ trình trả lương của bà Nguyễn Thị Út Em, tỉ lệ giáo viên nghỉ dạy giảm xuống ở mức dưới 20%.
Tuy nhiên, đến ngày 18/3, Hội đồng trường cho toàn bộ hơn 1.200 học sinh nghỉ học. Sở GD&ĐT đã làm việc với Hội đồng trường và yêu cầu ngày 19/3 phải cho toàn bộ học sinh trở lại học bình thường.
Ngày 19/3, Sở GD&ĐT ghi nhận khoảng 50% giáo viên và ngày 20/3 khoảng 55% giáo viên nghỉ dạy.
UBND thành phố Hồ Chí Minh nhận định, theo đánh giá của phụ huynh học sinh và cơ quan chuyên môn, Trường AISVN có mô hình và chương trình đào tạo tốt, đáp ứng nhu cầu học tập theo chuẩn Tú tài Quốc tế (IB) của học sinh Thành phố này và các tỉnh trong khu vực.
Pháp nhân sở hữu trường được tách ra từ Công ty cổ phần Quản trị Tài nguyên Tri Thức (Công ty Tri Thức).
Hiện tại, trường đang được xây dựng trên khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty Tri Thức.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo quá trình chia tách doanh nghiệp của nhà đầu tư chưa đúng quy định; dự án đầu tư có bổ sung nhiều mục tiêu hơn so với giấy chứng nhận đầu tư được cấp nhưng nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị nhà đầu tư báo cáo để xác định các hành vi vi phạm để tham mưu xử lý theo quy định.
Về nội dung lô đất xây dựng Trường AISVN đang thuộc quyền sử dụng của Công ty Tri Thức, Sở GD&ĐT và các Sở, ngành liên quan đang xây dựng phương án khả thi để yêu cầu chuyển đổi quyền sử dụng đất sang cho Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ.
Việc pháp nhân sở hữu trường không sở hữu quyền sử dụng đất, gây khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu cũng như xử lý nợ.
Theo ý kiến của Công an thành phố Hồ Chí Minh hợp đồng ký kết giữa nhà trường và phụ huynh là hợp đồng dân sự, không có nội dung ràng buộc trách nhiệm giữa các bên, nên chưa có cơ sở để cơ quan điều tra tiến hành điều tra vụ việc.
Một số nhà đầu tư đã làm việc với bà Nguyễn Thị Út Em, đề xuất hỗ trợ kinh phí để trường tiếp tục hoạt động đến hết năm học 2023-2024. Tuy nhiên, nhà đầu tư muốn nhận lại lợi ích bằng tỉ lệ cổ phần công ty và có quyền điều hành các hoạt động tài chính của trường.
Sẽ đình chỉ hoạt động trường nếu không giải quyết ổn
Về phương hướng giải quyết, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức hỗ trợ ngành GD& ĐT ổn định dư luận, quản lý chặt chẽ hoạt động của Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS vì hoạt động của công ty đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và chất lượng giáo dục của Trường AISVN.
Đồng thời, phối hợp theo dõi tình hình hoạt động của trường, đẩy nhanh tiến độ làm việc với bà Nguyễn Thị Út Em nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến đầu tư và tổ chức hoạt động giáo dục của trường; kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh và báo cáo về Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh để có chỉ đạo.
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp thanh toán lương cho giáo viên và người lao động (bao gồm giáo viên, người lao động là người Việt Nam và người nước ngoài) đang công tác tại trường nhằm ổn định tình hình hoạt động của nhà trường đến hết năm học 2023-2024; có giải pháp yêu cầu nhà đầu tư và Hội đồng trường nhanh chóng thực hiện các vấn đề liên quan đến quyền lợi của giáo viên và người lao động.
Sở GD&ĐT triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học của học sinh bị gián đoạn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập và các nhà đầu tư, các trường có vốn đầu tư nước ngoài, các trường có tổ chức Chương trình Tú tài Quốc tế (IB) tiếp nhận học sinh chuyển từ Trường AISVN đến theo nhu cầu, tạo điều kiện để học sinh nhanh chóng hòa nhập và ổn định học tập.
Đình chỉ tuyển sinh trong năm 2024 – 2025 đối với Trường AISVN đến khi nhà đầu tư giải quyết hoàn tất các vấn đề về tài chính và nhân sự, ổn định công tác tổ chức hoạt động giáo dục. Đình chỉ hoạt động Trường AISVN nếu không giải quyết được các vấn đề về tài chính và nhân sự hiện nay.
Công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương nắm bắt tình hình dư luận xã hội để có những phương án xử lý phù hợp; quản lý chặt chẽ các vấn đề liên quan đến việc xuất nhập cảnh của các nhân sự là nhà đầu tư, Hội đồng Trường AISVN, cho khi giải quyết dứt điểm vụ việc.
Nguyễn Lành