Khắc phục vấn đề giải ngân đầu tư công
Trong phiên thảo luận tại kỳ họp 17 HĐND thành phố Hồ Chí Minh, chiều ngày 16/7, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Phan Văn Mãi cho biết, đến nay, thành phố Hồ Chí Minh giải ngân đạt 14,5%, thấp hơn một nửa so với mục tiêu đề ra.
Ông Phan Văn Mãi chỉ ra, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc giải ngân trong 6 tháng đầu năm thấp.
Đầu tiên là tiến độ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Ông Mãi cho biết UBND Thành phố, các sở, ngành và chủ đầu tư họp tháo gỡ vướng mắc hàng tuần. Tuy nhiên, có những việc họp năm lần bảy lượt vẫn chưa giải quyết xong. Ví dụ như các vấn đề về quy hoạch, đất đai, quyết toán…
Nguyên nhân thứ hai, trong số 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, thì có đến 28.000 tỷ đồng thuộc các dự án mới. Các dự án này phải thực hiện các thủ tục đầu tư nên dẫn đến việc chậm trễ.
Ngoài ra, có 22.000 tỷ đồng thuộc nhóm bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Mãi nói, hiện có nhiều địa phương đang chờ đến ngày Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8 để dễ dàng thực hiện.
Nhìn ra lý do giải ngân thấp trong 6 tháng đầu năm, ông Phan Văn Mãi khẳng định thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang phấn đấu để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% đến hết năm 2024.
"Có những việc họp năm lần bảy lượt chưa giải quyết xong. Từ quy hoạch, đất đai, bồi thường, quyết toán dự án… không giải quyết được", ông Mãi nói.
Hiện tại, UBND thành phố Hồ Chí Minh đang thành lập tổ chuyên trách để nhắc các sở ngành về tiến độ giải ngân đầu tư công.
"Nhiệm vụ chúng ta từ nay đến cuối năm giải ngân phải đạt 90% so với mục tiêu. Cố gắng đạt được kết quả cao nhất có thể", ông Mãi nhấn mạnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu, phấn đấu tăng trưởng năm 2024 của địa phương đạt 7,5%. Năm 2025 phấn đấu đạt tăng trưởng từ 8-8,5%.
Trong quá trình phấn đấu tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lưu ý các cấp các ngành cần kiểm soát được thị trường, bình ổn giá hàng hóa.
Tận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98
Về thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98, ông Phan Văn Mãi đánh giá đây là cơ chế tạo nhiều thuận lợi cho thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Sở An toàn thực phẩm; bố trí các chức danh cho thành phố Thủ Đức. Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai hiệu quả, đến nay đã nhận được hơn 40 hồ sơ gửi về.
"Tôi xin chủ quan khẳng định, sau một năm triển khai Nghị quyết 98 chúng ta đã được khối lượng và chất lượng và tạo ra những nền tảng cơ bản hơn cả thời kỳ chúng ta thực hiện Nghị quyết 54 vừa qua", Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định.
Bên cạnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai một số nội dung quan trọng như bố trí vốn đầu tư công cho giảm nghèo; bố trí ngân sách cho dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài – Tây Ninh; hoàn thiện đề án điện áp mái tại công sở…
“Theo một cách chủ quan tôi thì sau một năm triển khai Nghị quyết 98 đã đạt được khối lượng công việc rất lớn so với thời điểm triển khai Nghị quyết 54”, ông Phan Văn Mãi nói.
Ngay trong năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư các danh mục dự án đầu tư theo cơ chế của Nghị quyết 98.
Về công tác chuyển đổi số, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả. Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm chuyển đổi số; ban hành nghị quyết của HĐND về thu lệ phí 0 đồng với một số thủ tục trực tuyến. Đồng thời, đưa vào vận hành một số hệ thống mới như hệ thống khiếu nại, tố cáo.
"Phấn đấu cuối năm 2025, có 70% thủ tục hành chính của Thành phố sẽ được giải quyết trên nền tảng số. Đây là mục tiêu rất tham vọng, nhưng rất tập trung thực hiện. Đồng thời khắc phục những điểm nghẽn của cải các hành chính, theo hướng hành chính số", ông Phan Văn Mãi phát biểu.