Triển lãm Vietstock 2023 do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, với sự tham gia của 350 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, diễn ra từ ngày 11 đến 13/10.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi là lĩnh vực mũi nhọn của nông nghiệp, trong những năm qua luôn đạt mức tăng trưởng ổn định.
Ngành chăn nuôi của Việt Nam đã có những bước chuyển mình ấn tượng, trong 6 tháng đầu năm 2023 ngành chăn nuôi đã chiếm 27% tỉ trọng đóng góp GDP chung toàn ngành.
Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, đặc biệt là an toàn thực phẩm.
“Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt khi chúng ta hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp cần chú trọng tăng cường chăn nuôi bền vững, đảm bảo phúc lợi động vật và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ tại họp báo.
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. "Chúng ta cần chú trọng hơn nữa quy trình kiểm soát dịch bệnh, giết mổ", ông Thắng nói.
Ngoài ra khi quy mô chăn nuôi đang ngày càng mở rộng, cần quan tâm hơn đến vấn đề môi trường. Chúng ta cần đẩy mạnh tái sử dụng các phụ phẩm của chăn nuôi, kết hợp lĩnh vực trong kinh tế tuần hoàn.
Ông Thắng cho rằng, thông qua Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2023, các doanh nghiệp có thể tăng cường hợp tác, nâng cao giá trị từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ chế biến đến phân phối ra thị trường. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận với những công nghệ lớn trên thế giới. Tăng cường chăn nuôi bền vững, thân thiện môi trường và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Cũng tại buổi họp báo, TS. Võ Trọng Thành - Cục Chăn nuôi cho biết thêm trong thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ đối diện với khó khăn về chăn nuôi an toàn sinh học.
Ông Thành cho hay chăn nuôi an toàn sinh học tại Việt Nam còn yếu. Trong khi đó, từ năm 2026, theo Luật Chăn nuôi quy định không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Vì vậy ngay từ bây giờ doanh nghiệp, người chăn nuôi cần nghiên cứu các biện pháp để nâng cao chất lượng đàn chăn nuôi. Từ giảm kháng sinh tiến đến dừng hẳn kháng sinh, nếu không chuẩn bị tốt sẽ dễ dẫn đến khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.
Theo Ban tổ chức, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2004, sau gần 20 năm đồng hành cùng ngành chăn nuôi Việt Nam, Vietstock chính là nền tảng, diễn đàn vô cùng quan trọng đối với ngành chăn nuôi trong nước.
Được sự hỗ trợ và hợp tác từ các cơ quan nhà nước, tổ chức và hiệp hội uy tín trong ngành, triển lãm Vietstock có quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực lân cận, bao quát các giải pháp toàn diện trong ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt.
Vietstock 2023 còn phối hợp với các Trung tâm khuyến nông, Chi cục Thú y hỗ trợ phương tiện đi lại cho người chăn nuôi ở các khu vực xa đến tham dự. Đồng thời mang đến nền tảng kết nối kinh doanh trực tiếp và trực tuyến, giúp các đơn vị trưng bày và người tham dự kết nối đúng đối tác cần gặp.
Phiên bản Vietstock 2023 có diện tích khu triển lãm gần 11.000m2, dự kiến bao gồm 350 đơn vị trưng bày đến từ hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ, thu hút hơn 11.000 khách tham dự từ khắp nơi trên thế giới.
Trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, có 5 chương trình hội thảo đã được Vietstock tổ chức thành công, thu hút hơn 1.400 chuyên gia, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp tham gia.
Tiếp nối chuỗi hội thảo, hàng loạt các hoạt động đầy thiết thực và hiệu quả sẽ được Vietstock công bố, nổi bật như: Chương trình Kết nối Doanh nghiệp trực tuyến và trực tiếp Hội nghị quốc tế nuôi trồng thủy sản Hội thảo kỹ thuật chuyên ngành Giải thưởng ngành chăn nuôi Vietstock Award Chương trình hỗ trợ khách tham quan theo đoàn Khu gian hàng Trứng Khu gian hàng Phát triển Bền vững
Năm 2023, với sự kết hợp của triển lãm chăn nuôi Vietstock và triển lãm thủy sản AQUACULTURE VIETNAM, đây sẽ là điểm đến mang đến đa dạng các giải pháp và cơ hội kết nối kinh doanh toàn cầu đến các doanh nghiệp.