Trong đơn gửi các đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng Liên, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Trường Quốc tế Global, cho biết, theo chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước dành cho các lĩnh vực giáo dục và y tế, các cổ đông của Công ty cổ phần Tư vấn & Đầu tư giáo dục Toàn Cầu đã hưởng ứng và đầu tư xây dựng Trường Quốc tế Global, căn cứ theo Quyết định 8282/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội. Đến năm 2011, nhà đầu tư đã hoàn thành xây dựng hệ thống trường Quốc tế Global gồm trường mầm non, trường tiểu học, THCS với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống trường Quốc tế Global có thể coi là một trong các trường đẹp nhất Hà Nội.
Thế nhưng, cho đến hôm nay, hệ thống giáo dục tầm vóc quốc tế này vẫn không được cấp điện để hoạt động. “Trường phổ thông đã lỡ kỳ tuyển sinh 2 năm học 2011-2012 và 2012-2013. Nguy cơ năm học 2013-2014 cũng không thể tuyển sinh được chỉ vì không được cấp điện. Nếu tình trạng không có điện này tiếp tục, thì chúng tôi, các nhà đầu tư xây dựng ngôi trường này đứng trước nguy cơ phá sản”, đơn kêu cứu của bà Liên, viết.
Hệ thống trường quốc tế được đầu tư bài bản nhưng suốt nhiều năm qua không được cấp điện
Nguyên nhân của tình trạng “kỳ lạ” nói trên, theo bà Liên là “do cách giải quyết thiếu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội, vô tình đã làm chỗ dựa cho chủ khu đô thị mới Yên Hòa là Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng dân dụng Hà Nội không cấp điện cho trường để ép nhà đầu tư cho giáo dục phải trả tiền hạ tầng không đúng với Quyết định 8282/QĐ-UB, ngày 25 tháng 12 năm 2005 mà UBND thành phố Hà Nội đã cấp cho nhà đầu tư”. Theo đó, tiền suất đầu tư hạ tầng mà nhà đầu tư phải trả theo tạm tính của Hà Nội là 4,2 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, theo điều 2 khoản 3 của Quyết định 8282, thì Công ty cổ phần Tư vấn & Đầu tư giáo dục Toàn Cầu chỉ phải nộp suất đầu tư hạ tầng “khi khu đô thị có quyết toán và được thành phố phê duyệt”. Tuy nhiên, đến nay việc quyết toán khu đô thị này chưa được thực hiện, nên việc chưa thanh toán suất đầu tư hạ tầng của nhà đầu tư là có cơ sở.
Để đốc thúc nhà đầu tư phải thanh toán “kinh phí”, trong một diễn biến mới nhất, ngày 1/3/2013, UBND Tp. Hà Nội đã ra Quyết định số 1926, nội dung của quyết định này là “điều chỉnh khoản 3, điều 2 Quyết định 8282”. Nếu theo quyết định này, nhà đầu tư giáo dục buộc lòng phải thanh toán suất đầu tư hạ tầng dù cho khu đô thị này có được quyết toán hay không.
Trong đơn gửi đại biểu Quốc hội, bà Liên cho hay trên thực tế khu đô thị mới Yên Hoà chưa hoàn thành, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, không có điện…, trong khi đó “suất đầu tư tạm tính 4,2 triệu/m2 cao hơn rất nhiều so với suất đầu tư hạ tầng chính do chủ khu đô thị mới Yên Hoà là Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng dân dụng Hà Nội đã thông báo cho nhà đầu tư là 945.000VNĐ/m2. Thậm chí cao hơn cả suất đầu tư hạ tầng tại thời điểm hiện tại mà các khu đô thị khác đang mời chào để đầu tư trường cho họ”.
“Chúng tôi đã làm nhiều đơn thư gửi cho UBND thành phố Hà Nội, nhưng thay vì cấp điện khẩn cấp cho trường hoạt động thì đơn vị chức năng lại tập trung để ép nhà đầu tư phải tuân thủ theo Quyết định số 1926 điều chỉnh Quyết định 8282 mà thành phố đơn phương thay đổi, bất lợi cho nhà đầu tư giáo dục”, bà Liên, nói.
Theo đó, đứng trước nguy cơ phá sản của cả một hệ thống trường học, trong đơn cầu cứu gửi đến đại biểu Quốc hội, đại diện Trường Quốc tế Global đề nghị cơ quanc hức năng xem xét để “nhà trường phải được cấp điện hoạt động, bảo đảm cho trường có thể tuyển sinh năm học 2013-2014, vì đây là hạ tầng tối thiểu mà bất kể dự án nào cũng phải được cấp”, đồng thời “thu hồi quyết định điều chỉnh 1926/QĐ-UBND ngày 1/3/2013” và yêu cầu “chủ đầu tư khu đô thị bồi thường những thiệt hại mà chúng tôi đã phải gánh chịu trong những năm qua”.
Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.
Thuỷ Thanh